Đại thi hào Nguyễn Du trong mạch sống tinh thần của dân tộc

(PLVN) - Kỷ niệm 255 năm ngày sinh Nguyễn Du, tưởng nhớ 200 năm ngày mất của đại thi hào, ngày 26/9 vừa qua tại Di tích đặc biệt quốc gia Khu lưu niệm Nguyễn Du (xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), Hội Kiều học Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ giỗ lần thứ 200 năm Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới. Tối cùng ngày, tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh, tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Lễ trọng này.
Tượng đài Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.
Tượng đài Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Nguyễn Du xót thương thân phận người

Nguyễn Du (1766 - 1820), tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu là Hồng Sơn lạp hộ, Nam Hải điếu đồ. Nguyễn Du được hậu thế ca ngợi là Đại thi hào dân tộc, được vinh danh là "Danh nhân văn hóa thế giới". Cuộc đời Nguyễn Du có nhiều thăng trầm, gia cảnh bi thương, đất nước bất ổn. Bản thân Nguyễn Du cũng có nhiều biến chuyển về tâm lý khi phải ly tán gia đình, sang Trung Quốc ở một thời gian.

Có thuyết nói, Nguyễn Du từng đi tu ở Trung Quốc, nhưng nhân duyên thế nào, ông lại về nước làm quan, sống yên ổn cho đến khi mất vì dịch tả vào năm 1820. Ở thế hệ Nguyễn Du, ông đã được người đời ca ngợi là giỏi về văn chương, thông minh, dùng chữ điêu luyện cả ở chữ Hán và chữ Nôm. Nguyễn Du đã để lại di sản thơ ca cho đời, dù không đồ sộ, nhưng đó là những viên ngọc sáng chói.

Về thơ chữ Hán có Thanh Hiên thi tập (Tập thơ của Thanh Hiên) gồm 78 bài, Nam trung tạp ngâm (Ngâm nga lặt vặt lúc ở miền Nam) gồm 40 bài thơ, Bắc hành tạp lục (Ghi chép linh tinh trong chuyến đi sang phương Bắc) gồm 131 bài thơ... với nội dung viết về những năm tháng làm quan, những năm gió bụi, chiêm nghiệm cuộc đời, nhân sinh... Mỗi bài thơ có thể được coi là đỉnh cao về thơ chữ Hán ở Việt Nam.

Tuy vậy, hậu thế nhắc nhớ mãi Nguyễn Du là từ Truyện Kiều, một thể thơ Nôm của dân tộc, được Nguyễn Du viết dưới dạng lục bát, gồm 3.254 câu thơ. Truyện Kiều được viết lại bằng thơ dựa trên nội dung cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (tác giả người Trung Quốc), kể về cuộc đời Kiều bán mình chuộc cha, lưu lạc hết nơi này đến nơi khác.

Nhưng Nguyễn Du, từ gốc rễ đó đã cho ra những bông hoa ngôn ngữ, mang đầy triết lý nhân sinh, mỗi câu, mỗi từ được dùng đắc địa, biến thể thơ lục bát của dân tộc, từ dân gian trở nên bác học, từ bình dân trở thành mẫu mực. Có thể do nhiều lý do nên Nguyễn Du đã phải lấy cốt truyện Kim Vân Kiều truyện, nhưng dù thế nào, Nguyễn Du vẫn thể hiện được chủ nghĩa nhân văn, xót thương thân phận người, lên án những cái xấu xa đê hèn, hiểu rõ về kiếp nhân sinh, nói ra được tư tưởng của mình.

Khu Lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du ở xã Tiên Điền (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).
Khu Lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du ở xã Tiên Điền (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).  

Bốn câu thơ đầu đã cho thấy Nguyễn Du đã mang trong mình suy tư của một bậc thánh nhân thương xót con người: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/ Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Rõ ràng, với bốn câu thơ đầu, Nguyễn Du đã nói rõ được kiếp người trăm năm, tài mệnh tương đối, đối chọi nhau, tương khác nhau. Ở đây có thể hiểu, Nguyễn Du nhìn đời bằng con mắt xót thương, đến “đau đớn lòng”.

Trong Truyện Kiều, ngoài chiêm nghiệm về nhân sinh kiếp người nói chung, ta thấy Nguyễn Du là người biết xót thương cái đẹp, xót thương cho phụ nữ thông qua hình ảnh Thúy Kiều, Đạm Tiên, Thúy Vân. Những câu thơ đọc đến nhói lòng: “Đau đớn thay thân phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung/ Phũ phàng chi bấy hóa công/ Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha/ Sống làm vợ khắp người ta/ Khéo thay thác xuống làm ma không chồng”; “Rằng: Hồng nhan tự thủơ xưa/ Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”... 

Truyện Kiều là mẫu mực của thể thơ lục bát Việt Nam

Truyện Kiều là thơ Nôm, một thể loại thơ lục bát viết bằng chữ Nôm. Truyện Kiều như chúng ta được đọc ngày hôm nay là được chuyển sang chữ Quốc ngữ. Trong thể thơ Nôm của dân tộc, chúng vẫn thường hay nhắc đến Hồ Xuân Hương bên cạnh Nguyễn Du, nữ thi sĩ độc đáo của dân tộc. Cùng với Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đã đưa chữ Nôm lên một đỉnh cao. Nhưng thơ Nôm của Hồ Xuân Hương không phải thơ lục bát như của Nguyễn Du.

Lục bát ở Việt Nam xuất hiện vào thời điểm nào, đến này còn chưa xác minh rõ. Nhưng trong ca dao, tục ngữ, các câu chuyện thơ, thì có thể thấy, lục bát đã xuất hiện trước thời Nguyễn Du. Chúng ta bắt gặp các câu: “Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng có lối ai vào hay chưa”; “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo bên cành hoa sen”; “Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa thì quét lá đa”.... Tuy nhiên, như ta thấy, những câu lục bát dân gian trên vẫn đang ở độ miêu tả, diễn tả cái sự việc, còn về nghệ thuật thì chưa phải là đạt đến đỉnh cao.

Nguyễn Du và tuyệt tác Truyện Kiều.
Nguyễn Du và tuyệt tác Truyện Kiều.  

Kể cả đến truyện thơ lục bát Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự (gọi Nguyễn Du bằng chú) nổi tiếng lúc bấy giờ, cũng như Lục Vân Tiên sau này của Nguyễn Đình Chiểu vẫn không sao sánh bằng Truyện Kiều của Nguyễn Du. Điều đó thấy rằng, không ngẫu nhiên mà Truyện Kiều vẫn được đọc nhiều, thuộc nhiều, càng ngày càng sang giá – sáng giá. Có thể Truyện Kiều đã đạt đến độ mẫu mực ở những điểm sau nếu xét về cách dùng chữ: chắt lọc, tinh gọn, ẩn ý, dồn nén được điển cổ điển tích, gợi mạnh về hình ảnh, rung động, trau chuốt, đẹp, tư tưởng nhân văn...

Chúng ta rất hay bắt gặp những câu thơ hay, tuyệt bút, mà chỉ có “cây đại bút” Nguyễn Du mới viết nên được: “Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”, “Làn thu thủy nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hơn kém xanh” để nói về vẻ đẹp của người phụ nữ; “Ngày xuân con én đưa thoi/ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi/ Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”, để nói về mùa xuân, thì đây là những câu thơ kinh điển nhất của thơ ca Việt Nam. 

“Trông chừng thấy một văn nhân/ Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng/ Đề huề lưng túi gió trăng/ Sau chân theo một vài thằng con con/ Tuyết in sắc ngựa câu giòn/ Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”, để nói về Kim Trọng tình cờ gặp Kiều buổi đầu tiên, cách tả, cách kể, cách dùng chữ của Nguyễn Du đã cho thấy sự tài tình, cho thấy một Kim Trọng nho nhã, thư sinh. 

“Dưới cầu nước chảy trong veo/ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”, hai câu thơ cảnh chiều vừa đẹp vừa buồn, nhưng ta thấy đó dáng dấp của thi nhân nhìn đời một cách an nhiên, tự tại, quan sát mọi thứ như thiền sư thiền quán về hơi thở. Đó là một trong rất nhiều câu thơ tả cảnh, tả tình kinh điển trong Truyện Kiều, chúng ta hôm nay đọc lại, thấy được kiếp sống nhân sinh và trải qua không khác gì Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều mấy trăm năm trước.

Chúng ta hôm nay còn lẩy Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, nhại Kiều... phim từ Kiều, kịch từ Kiều, nhạc – họa từ Kiều, lời ăn tiếng nói cũng ảnh hưởng từ Kiều, để thấy được rằng, những cống hiến về tinh thần của Nguyễn Du đến hôm nay cho hậu thế lớn lao chừng nào.

Rồi đến cả hai Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Obama đều đã đọc Kiều bằng tiếng Anh trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam của mình. Bill Clinton đọc: “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”, còn Tổng thống Obama thì đọc hai câu: “Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi”

Giờ đây, nhân Kỷ niệm 255 năm Ngày sinh, tưởng niệm 200 năm Ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du – “Cây đại bút” của dân tộc, chúng ta càng cảm thấy tự hào vì dân tộc mình đã sản sinh ra một Nguyễn Du, có thể không quá khi cho rằng ông chính là thiên tài của nền thơ ca dân tộc, mà không biết sau này khó ai sánh kịp!?

Đọc thêm