Sau phiên xử, Xa lộ Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam), cung cấp kiến thức pháp lý giúp bạn đọc hiểu rõ hơn hai tội danh tranh cãi trong vụ án này.
Thưa ông, dấu hiệu phân biệt tội giết người và tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?
Cấu thành cơ bản của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được Điều 95 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định như sau: “Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó…” Như vậy, cùng là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật nhưng hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có những dấu hiệu cơ bản sau:
Thứ nhất, trạng thái tinh thần của người phạm tội lúc thực hiện hành vi giết người là bị kích động mạnh. Người bị kích động về tinh thần là người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, họ mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Trạng thái này chỉ xảy ra trong chốc lát, sau đó tinh thần của họ trở lại bình thường như trước.
Việc xác định một người có bị kích động mạnh về tinh thần hay không là một vấn đề phức tạp. Hiện BLHS và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chưa có một tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là bị kích động mạnh về tinh thần. Bởi vì trạng thái tâm lý của mỗi người khác nhau, cùng một sự việc nhưng người này xử sự khác người kia; có người bị kích động về tinh thần nhưng cũng có người vẫn bình tĩnh. Và cách xử sự của mỗi người cũng rất khác nhau. Ví dụ, cùng trong hoàn cảnh bắt quả tang vợ ngoại tình: A đã dùng dao đâm chết tình địch, trong khi B lại lựa chọn cách xử lý là ly hôn.
Do đó, để xác định một người bị kích động mạnh hay chưa mạnh về tinh thần phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, xem xét một cách toàn diện các tình tiết của vụ án, nhân thân người phạm tội, quá trình diễn biến của sự việc, nghề nghiệp, trình độ văn hoá, hoạt động xã hội, điều kiện sống, tính tình, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình, quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân …
Trường hợp người phạm tội có bị kích động về tinh thần nhưng chưa tới mức mất khả năng tự chủ thì không gọi là bị kích động mạnh và không thuộc trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Tuy nhiên họ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do có tình tiết: “Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra” theo quy định tại Điều 46 BLHS.
Thứ hai, nạn nhân phải là người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng. Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân, trước hết bao gồm hành vi vi phạm pháp luật hình sự xâm phạm đến lợi ích của người phạm tội hoặc đối với những người thân thích của người phạm tội.
Việc xác định một hành vi trái pháp luật của nạn nhân đã tới mức nghiêm trọng hay chưa cũng phải đánh giá một cách toàn diện. Có hành vi chỉ xảy ra một lần đã là nghiêm trọng, nhưng cũng có hành vi nếu chỉ xảy ra một lần thì chưa nghiêm trọng, nhưng nó được lặp đi lặp lại nhiều lần thì lại thành nghiêm trọng.
Ví dụ: A và B nhà ở cạnh nhau, chung một bức tường. B thường xuyên mở loa với công suất lớn để hát karaoke trong lúc con của A mới sinh, đang bị ốm nặng cần sự yên tĩnh. A đã nhiều lần yêu cầu B chấm dứt hành động đó, nhưng B không nghe, A bực tức dùng gậy phang B một cái làm B ngã gục. Trên đường đưa đi cấp cứu thì B chết. Trong trường hợp này, hành vi giết người của A cũng được coi là bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của B.
Nạn nhân phải bị chết thì người thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của nạn nhân mới cấu thành tội "giết người trong trạng thái tình thần bị kích động mạnh". Nếu nạn nhân không chết và bị thương có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" quy định tại Điều 105 BLHS.
Thứ ba, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần. Nếu người phạm tội bị kích động mạnh mà “giận cá chém thớt” thì không thuộc trường hợp phạm tội này.
Ví dụ: Được mọi người báo tin là con mình vừa bị A đánh chết, C tức tốc chạy sang nhà A tìm. Lúc này, chỉ có bà B là vợ của A đang ở nhà. C đã dùng dao đâm một cái vào ngực B làm B chết tại chỗ. Trường hợp này chính A mới là người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng khiến C bị kích động về tinh thần chứ không phải bà B. Do đó hành vi giết người của C không phải là giết người trong trạng thái tình thần bị kích động mạnh.
|
Bị cáo Vinh trong phiên xử |
Ngoài những dấu hiệu kể trên, tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh so với tội giết người còn có những đặc điểm khác biệt nào?
Về chủ thể tội phạm: Đối với tội giết người, chủ thể tội phạm là người đủ 14 tuổi trở lên và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Đối với tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thù chủ thể tội phạm là người có đủ 16 tuổi trở lên và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Về giai đoạn phạm tội: Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh không có giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, vì không thể xác định được mục đích của người phạm tội khi người đó trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh mà chỉ có thể xác định người phạm tội bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Những trường hợp nào tuy người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần dẫn đến giết người nhưng lại không thuộc trường hợp giết người trong trạng thái tình thần bị kích động mạnh?
Trường hợp người phạm tội tự mình gây nên tình trạng tinh thần kích động mạnh rồi giết người cũng không thuộc trường hợp giết người trong trạng thái tình thần bị kích động mạnh. Ví dụ: A và B cãi nhau rồi dẫn đế hai người đánh nhau, A bị B đánh, về nhà bực tức uống rượu say rồi mang dao găm đến nhà B gọi B ra cổng dùng dao đâm chết B.
Trường hợp nạn nhân là người điên hay trẻ em dưới 14 tuổi có những hành vi làm cho người phạm tội bị kích động mạnh, thì cũng không thuộc trường hợp giết người trong trạng thái tình thần bị kích động mạnh. Bởi lẽ, hành vi của người điên và của trẻ em dưới 14 tuổi không bị coi là hành vi trái pháp luật, vì họ được xác định là không có lỗi do họ không nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình đã thực hiện.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Tranh cãi quyết liệt trong phiên xử
Cáo trạng thể hiện, khoảng 17h ngày 22/9/2013, sau khi mâu thuẫn trong quán nhậu từ buổi trưa, thiếu tá Sơn đến cơ quan, đi lên phòng ngủ tập thể gặp Vinh nằm trên ghế, hỏi: “Vinh đen, mày kiếm tao, mày ngon bắn tao đi” rồi tiến về phía Vinh đấm vào mặt cấp dưới 3 cái khiến Vinh chảy máu. Hai bên giằng co, vật lộn từ trên giường xuống sàn nhà.
Trong phòng lúc này có thêm thượng úy Đoàn Thanh Phú đã can ngăn nhưng bất thành. Trong lúc giằng co, Vinh cầm được khẩu súng K59 để dưới gối ngủ của mình. Ông Sơn cố giành lấy làm súng nổ 2 phát. Một phát đạn trúng vào hông anh Phú. Nạn nhân Phú bị thương cố lết ra ngoài, ở trong phòng vị phó trạm và Vinh tiếp tục vật lộn. Vinh bắn tiếp hai phát súng nữa nhưng không trúng ai.
Cuối cùng Vinh bắn tiếp hai phát nữa trúng người ông Sơn gục xuống. Phải đến khi súng hết đạn, mọi người mới khống chế, tước được khẩu súng trên tay Vinh. Nạn nhân Sơn tử vong sau đó. Nạn nhân Phú thương tật 15%. Vinh trong lúc ẩu đả cũng bị thương với tỉ lệ 40%.
Thủ phạm bị truy tố về tội “giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh”, mức án đề nghị từ 24 - 30 tháng tù giam. Đại diện người bị hại là bà Nguyễn Thị Bích Vân (vợ bị hại Sơn) yêu cầu bị cáo bồi thường tổng thiệt hại 3 tỷ đồng. Nạn nhân Phú yêu cầu bồi thường 200 triệu đồng.
Luật sư bị hại cho rằng cáo trạng không thể hiện đúng bản chất vụ việc. Ví như khẩu súng là tang vật quan trọng nhưng không được đưa sang toà án xem xét, kiểm tra. Số hiệu khẩu súng trong nhiều văn bản bị lẫn lộn. Cáo trạng chưa làm rõ hành vi sử dụng súng sai mục đích cũng như việc quản lí vũ khí quân dụng sai quy định của bị cáo.
Chưa hết, vụ án còn có dấu hiệu vi phạm tố tụng. “Gia đình tôi không hề nhận được cáo trạng, đến khi xem vô tuyến, đọc báo mới chạy đi hỏi, mới biết toà sắp đưa ra xét xử”, bà Vân nói. Luật sư bị hại cũng nêu ra các tình tiết như việc bị cáo cầm súng đã lên đạn đi tìm ông Sơn chứng minh việc bị cáo có dấu hiệu phạm tội “giết người” chứ không phải “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.
Sau một ngày tranh cãi quyết liệt, chiều muộn ngày 26/8, HĐXX tuyên trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để bổ sung điều tra vì bị cáo có dấu hiệu của hành vi “giết người”.