Truyền võ như truyền đạo
Nếu như võ sư Nguyễn Đức Mộc là người đặt nền móng, người mở đường mang tinh hoa võ Việt ra thế giới, thì võ sư quốc tế Trương Văn Bảo được xem là một trong những người đầu tiên chuyển ngữ võ việt sang tiếng nước ngoài. Ngoài bôn tẩu khắp các nước để truyền dạy võ việt cho người nước ngoài, võ sư Văn Bảo còn làm công việc dịch thuật.
Cho đến nay, ông đã chuyển ngữ cho kho tàng kiến thức nhân loại về võ học với số lượng đầu sách đồ sộ và hơn 300 bài viết lý luận võ học về chuyên môn, triết lý, văn hoá, lịch sử, võ cổ truyền Việt Nam và hoạt động của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Trong đó, phải kể đến 1 số cuốn như: Bước đầu nghiên cứu nguồn gốc, đặc trưng võ cổ truyền Bình Định (Phạm Đình Phong chủ biên - năm 2000); Chương trình huấn luyện võ cổ truyền Việt Nam (Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam chủ biên – năm 2002); Đời người nghiệp võ (Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam chủ biên – năm 2003); biên soạn sách Võ cổ truyền Việt Nam - 2 tập (Võ sư Lê Kim Hoà chủ biên - năm 2011); dịch sang tiếng Anh sách Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới (Phương Tấn chủ biên – năm 2012); cộng tác biên soạn Nghiệm phương Y Võ (Võ sư, Lương y Nguyễn Tấn Xuân chủ biên – năm 2018); cũng trong năm 2018, cuốn Lý luận Võ cổ truyền, do chính ông là tác giả sẽ được xuất bản.
Nhờ hội tụ đủ các yếu tố: Tinh thông đòn, thế, võ nghệ; nền tảng kiến thức văn hoá, lịch sử; giỏi ngoại ngữ nên võ sư Văn Bảo có “cơ duyên” được vinh dự mời sang nhiều nước trên thế giới để dạy võ Ta, khắp các châu lục từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ, châu Phi…
Sách “Những người mở đường đưa Võ Việt ra thế giới” của Nhà báo Phương Tấn, do Đại võ sư Trương Văn Bảo chuyển ngữ |
Cùng với những tên tuổi “lừng danh” trong làng Võ Việt, như: Phi Long Vịnh, Hạnh Hoà, Trương Văn Bảo được vinh danh đại võ sư quốc tế cùng với 9 tên tuổi khác của Việt Nam và nước ngoài. Để được công nhận danh hiệu đại võ sư quốc tế thì người võ sư phải trải qua nhiều thời gian khổ luyện, thử thách, phải hội tụ đủ tài năng, thâm niên, đức độ và tâm huyết.
Theo võ sư Văn Bảo, việc mang võ thuật cổ truyền Việt Nam ra thế giới là một việc làm cần thiết, quan trọng nên cần có chiến lược. Bởi đây còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh một dân tộc Việt Nam anh hùng, thượng võ, giàu truyền thống lịch sử, văn hoá.
Chính vì vậy, năm 1991, Liên đoàn Thế giới Võ thuật cổ truyền Việt Nam thành lập đã tạo “bước đệm” cho võ ta tiến xa hơn, hoà mình vào dòng chảy võ thuật quốc tế.
Thời gian qua, thông qua truyền thông, báo chí, cũng như sự tạo điều kiện thuận lợi của nhà nước, nhiều nước trên thế giới đã mời võ sư Việt Nam sang truyền dạy võ, trong đó có Võ sư Trương Văn Bảo. Nhờ đó, mối quan hệ hữu nghị ngày một thắm thiết, phong trào võ thuật Việt Nam ngày một phát triển sâu rộng và có sức lan toả mạnh mẽ.
Nét đặc sắc của võ cổ truyền Việt Nam không chỉ nằm ở yếu tố đòn, thế mà còn nằm ở giá trị tinh thần, văn hoá, lịch sử. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, chúng ta có quyền tự hào về những chiến công oanh liệt của các vua Hùng, của chiến thắng Bạch Đằng, của bà Trưng, bà Triệu, của Trần Hưng Đạo, Đinh Bộ Lĩnh, vua Quang Trung…
“Do đó, khi cùng với Liên đoàn Võ thuật Việt Nam đi giao lưu quốc tế, khi họ hỏi về thế mạnh của võ cổ truyền Việt Nam, tôi đã vận dụng những hiểu biết về truyền thống lịch sử của đất nước mình, một đất nước nhỏ bé nhưng ngoan cường, để “đối ngoại” với họ.
Nói về võ thuật nhưng ta không thể chỉ “khoe” sức mạnh của đòn, thế, vì mỗi môn võ đặc trưng của mỗi nước, đều có những chiêu thức đặc sắc riêng, do đó, võ thuật hơn nhau là ở trí tuệ và tinh thần thượng võ”, đại võ sư chia sẻ.
Võ sư Bảo cũng tâm sự, nhiều khi không cần bày binh bố trận, ta vẫn dành được chiến thắng hiển hách, đó chính là ưu thế của việc vận dụng khéo léo trí tuệ, mưu lược vào trong võ thuật. Tất nhiên, để làm được điều đó thì bản thân người võ sư, võ sĩ phải có thực tài mới có thể lĩnh hội được hết cái tinh tuý của võ học, mới đủ bản lĩnh ngẩng cao đầu, tự tin khi ra trường quốc tế. Bởi đó không chỉ là sự khẳng định giá trị và lòng tự trọng bản thân mà còn là lòng tự tôn, ý thức tự hào dân tộc sâu sắc.
Đại võ sư Trương Văn Bảo cùng các võ sư trong và ngoài nước dự Liên hoan tinh hoa Võ Việt Quốc tế |
Bậc thầy võ học ở tuổi xấp xỉ 70 này luôn nhấn mạnh cho học trò về tinh thần thượng võ, trước khi học kỹ thuật, đòn, thế, cần phải học về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”. Bởi “võ đạo” là yếu tố tiên quyết, quan trọng trong sự phát triển, toả sáng trên con đường võ thuật.
Ông cũng nhấn mạnh về điều tối kỵ trong võ học là bệnh “tự mãn” (ngã mạn). “Để mình đứng phía sau thì mình sẽ được đứng ở phía trước”. Võ sư phải nỗ lực học tập nghệ thuật, giá trị tinh thần của võ học; nhất là khi ứng xử, truyền bá võ thuật.
Trong tâm khảm của trái tim lão võ sư luôn khắc ghi, tri ân công ơn của những người thầy đã có công truyền dạy cho mình những bài học quý báu về kiến thức văn hoá và võ thuật. Và ông cũng luôn truyền đạo nghĩa ấy cho những học trò thân yêu của mình khi đến “tầm sư học đạo”.
Chắp cánh cho võ Việt bay xa
Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo được ví như “thỏi nam châm” thu hút nhiều võ sư, võ sinh nước ngoài theo học. Họ tìm sang tận TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), nơi ông đặt Võ đường Trần Hưng Đạo để “tầm sư học đạo”.
Nước ngoài, nhất là các nước phương Tây như: Anh, Đức, Nga, Pháp, Mỹ… rất thực tế, họ luôn chú trọng sử dụng nhân tài, phải có thực lực thì mới tồn tại và phát triển được, không phân biệt hay bị bất cứ điều gì chi phối. Tất nhiên, có “tài” phải gắn liền có “tâm” thì mới bền vững, toả sáng.
Những thế hệ học trò thành danh dưới sự truyền dạy tận tâm của võ sư quốc tế Trương Văn Bảo, trên thế giới có thể kể đến như: Charles Charlmers (58 tuổi, võ sư Mỹ); Ernest (58 tuổi, võ sư Đức); Chrisfophe Dalmas (võ sư Pháp), Julien Monila (võ sư, bác sỹ Pháp), Cécile Savioz (nữ võ sư Pháp)… Trong nước, như: Nguyễn Bích (võ sư cao cấp), Vũ Thị Hương (võ sư), Đại đức Thích Hoằng Trí (tiến sĩ Hán Nôm), Ni sư Khánh Thảo (Trụ trì chùa Huỳnh Biểu, Quảng Ninh)…
Rất nhiều Võ sư, võ sinh nước ngoài tìm tới Võ đường Trần Hưng Đạo của đại võ sư Trương Văn Bảo ở TP. Đà Lạt để “tầm sư học đạo” |
Phát huy lợi thế từng được đào tạo bài bản về Anh ngữ nên những kiến thức mà ông tích luỹ trên ghế nhà trường được vận dụng thiết thực vào quá trình nghiên cứu chuyên sâu, soạn các giáo trình giảng dạy võ thuật hoặc giao tiếp, truyền đạt thông điệp của mình cũng như của Liên đoàn võ thuật Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. “Muốn Võ cổ truyền Việt Nam phát triển thì phải có quốc sách.
Ví dụ, Taekwondo của Hàn Quốc, phát triển rất khôn khéo, họ sẵn sàng hỗ trợ vô điều kiện một số nước Đông Dương truyền dạy môn võ truyền thống Taekwondo trong quân đội rồi lan rộng ra dân sự, toàn dân và vươn đến mở rộng phong trào võ Taekwondo trên thế giới”, lão võ sư tâm sự.
“Hy vọng, võ cổ truyền Việt Nam sẽ “toả sáng” và vươn xa ngang tầm thế giới. Muốn phát huy tính toàn diện võ cổ truyền Việt Nam, chúng ta phải chú trọng tinh thần Đông Phương kết hợp học hỏi, tiếp cận Tây Phương”, vị võ sư nhắn nhủ.
Võ sư Trương Văn Bảo trọn đời tâm huyết với nghề, ông luôn trăn trở về sự phát triển phong trào võ thuật địa phương và nước nhà, mong mỏi, làm sao thế hệ sau giỏi hơn thế hệ trước.
“Hằng năm, bao thế hệ học trò trong và ngoài nước đều tụ hội về đây thắp nén hương “Bái tổ” ở võ đường và tri ân thầy bằng những việc làm thiết thực, đậm đà nghĩa tình. Những lúc như thế, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào về môn võ, quê hương, đất nước rồng tiên của mình…”, vị võ sư quốc tế cảm động chia sẻ.
Trong giới võ thuật, võ sư Trương Văn Bảo được biết đến với rất nhiều vai trò như: Chưởng môn phái Thiếu Lâm Phật Gia Quyền, Sư trưởng Võ đường Trần Hưng Đạo, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn kỹ thuật Liên đoàn Châu Á Võ cổ truyền Việt Nam, Phó Trưởng Ban chuyên môn Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam…
(Còn tiếp)