Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động: Doanh nghiệp thích “tự xử”

(PLO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bày tỏ lo ngại về số vụ và số người chết do tai nạn lao động (TNLĐ), số người mắc bệnh nghề nghiệp ngày càng tăng trong thời gian qua, nên đặc biệt quan tâm đến các giải pháp có thể phòng ngừa TNLĐ, bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho người lao động trong Dự thảo Luật ATVSLĐ (sửa đổi) được Chính phủ trình UBTVQH chiều 25/9. 
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại phiên họp
Theo đề xuất của Chính phủ, bổ sung, làm rõ lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ thuộc cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về lao động cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện là cần thiết để ngăn chặn những vi phạm pháp luật về ATVSLĐ, những hành vi “đối phó” và che giấu các sự cố về ATVSLĐ.
Hiện cả nước có hơn 450 thanh tra viên trong ngành Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong đó số thanh tra viên tham gia làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ chỉ có khoảng 150 người, nên tỷ lệ các doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra hàng năm thấp, dẫn đến nhiều sự cố mất ATVSLĐ, bệnh nghề nghiệp mà cơ quan quản lý nhà nước không biết do doanh nghiệp không báo cáo. 
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, xử lý các vấn đề về ATVSLĐ cực kỳ khó khăn nên cần phải có quy định thanh tra ATVSLĐ dù vẫn có ý kiến cho rằng, không thành lập thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ ở cấp huyện để phù hợp với Luật Thanh tra.
Ủng hộ việc có thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn băn khoăn sẽ làm “phân tán lực lượng thanh tra” vì trong lĩnh vực LĐTB&XH có nhiều ngành. Còn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lo ngại bị tăng biên chế lực lượng thanh tra. Tuy nhiên, “nếu lo tăng biên chế mà không tổ chức thanh tra ATVSLĐ thì không đảm bảo được quản lý nhà nước bởi doanh nghiệp có xu hướng “tự xử lý” khi xảy ra sự cố về ATVSLĐ chứ ít khi báo cáo” – Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền làm rõ. Hơn nữa, Chính phủ không đề xuất thành lập hẳn một bộ phận thanh tra ATVSLĐ ở cấp huyện mà chỉ tăng cường thêm cán bộ cho Phòng LĐTB&XH để phụ trách công tác ATVSLĐ.
Cơ bản không phản đối việc cần thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ, ông Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở: “ở đâu, ngành, lĩnh vực nào cũng có thanh tra nhưng giờ thanh tra, Bộ không tổ chức các lực lượng thanh tra chuyên biệt mà chỉ giao cho Phòng LĐTB&XH cấp huyện làm nhiệm vụ thanh tra thì phải tính đến các điều kiện đảm bảo tính khả thi của qui định này; đồng thời cần gia cố Dự thảo về các chế tài. Nếu thiếu chế tài, luật khó đi vào cuộc sống”. 

Đọc thêm