Dân công sở tranh thủ đi buôn hàng Tết

(PLO) - Cuối năm là thị trường hàng hoá Tết bắt đầu nhộn nhịp. Nắm bắt tâm lý sính hàng quê, nhiều chị em dân công sở tranh thủ bán hàng 'cây nhà lá vườn', cải thiện cuộc sống
Những “con buôn” bất đắc dĩ

Chị Thanh Loan (Trung Hoà – Nhân Chính) cho biết, chị bị bạn bè biến thành “con buôn” lúc nào không hay, Bởi vài ba năm trở lại đây, mỗi dịp Tết đến, dù không muốn, nhưng chị vẫn cứ bị “bắt” ép phải  bán hàng.

Chị Loan quê ở Thạch Xá (Thạch Thất – Hà Nội) – vùng đất của món Chè lam nổi tiếng dưới chân núi chùa Tây Phương. Trong bối cảnh bánh kẹo Trung Quốc, bánh kẹo Việt sản xuất từ nguyên liệu Trung Quốc tràn lan trên thị trường, thì món chè lam được làm hoàn toàn từ mật mía, gạo nếp của quê chị trở thành một món quà quý. 

Ban đầu, thay vì mua những món quà đắt tiền để biếu sếp, biếu bạn bè khi Tết đến, chị Loan lại biếu món ngon do chính tay mẹ mình làm. Không ngờ, món chè lam “quê mùa” của chị lại được mọi người hưởng ứng nhiệt tình. Rồi nguời này mách người kia, nhờ vả chị Loan mua giúp để biếu, để làm món ngon trong nhà mời khách trong dịp Tết.

“Năm ngoái, chỉ riêng thị trường Hà Nội, tôi đã bán được khoảng hơn 2 tấn  chè lam. Năm nay, dù còn hơn 1 tháng nữa mới Tết, nhưng tôi đã nhận được khá nhiều đơn hàng, sợ là sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu. Tôi chỉ nhận đơn hàng của các khách quen. 

Sản phẩm của tôi nhãn mác đơn sơ, vì chiều khách đi biếu cho sang trọng tôi mới in, chứ mẹ tôi làm, có thương hiệu gì đâu.  Chè lam mẹ tôi làm được  tín nhiệm bởi chất lượng sản phẩm. Quan trọng nhất là sự an toàn tuyệt đối về nguyên liệu.” - chị Loan tâm sự.

Cũng trong cảnh trở thành con buôn bất đắc dĩ, chị Vân (Cầu giấy – Hà Nội) kể: Nhà chồng chị có một vườn bưởi Diễn. Trước đây nhà chị vẫn bán cả vườn cho người mua buôn. Sau khi chị khoe mấy bức ảnh của con mình chụp trong vườn bưởi trên face book, bạn bè khắp nơi tíu tít đề nghị chị để cho một ít để ăn Tết.  

Với vườn bưởi hàng trăm gốc, số lượng lên đến hàng nghìn quả, để đáp ứng nhu cầu của bạn bè, chị Vân đành đứng ra làm “con buôn”, “bao thầu” luôn cả vườn bưởi của mẹ chồng để đem đi bán lẻ cho bạn bè trong cơ quan và trên facebook.

Còn chị Thanh Tâm - một công chức ở tỉnh Điện Biên – không nghĩ một ngày nào đó mình lại là một “bà chủ của thương hiệu “Quà miền Tây Bắc”. 

“Hàng ngày, tôi gửi xuống Hà Nội hàng tạ hàng. Giáp Tết, nhu cầu càng nhiều hơn. Trước đây, tôi chỉ cung cấp gạo nương sạch cho các bà mẹ  mua cho con nhỏ, bây giờ, hàng hoá của tôi là tất cả đặc sản của vùng đất Điện Biên. Mặt hàng được các mẹ đặt nhiều nhất trong dịp Tết này là nấm hương rừng, măng, mộc nhĩ, gạo nếp nương, gạo séng cù, quế, thảo quả… 

Không những thế, có những sản phẩm không có nguồn hàng thường xuyên, nhưng  cứ thấy bà con mang ra chợ bán là tôi mua về, và bạn bè lại ùa vào đặt hàng chỉ trong nháy mắt đã hết, ví như hồng xiêm, của ba kích, chuối hột, có khi chỉ là một mớ tôm sông, vài kg gạo tấm.

 Món Khẩu xén đặc biệt của chị Tâm rất đắt khách

Chị Vân , chị Loan, hay chị Tâm chỉ là một trong số rất nhiều “công chức đi buôn” trong bối cảnh thị trường hàng hoá hiện nay quá nhiều thực phẩm bẩn. Họ trở thành người bán hàng nghiệp dư, người tiêu dùng có nhu cầu tìm đến những nguồn hàng mà được đảm bảo được về nguồn nguyên liệu, không có hoá chất… như những sản phẩm mà chị Vân, chị Tâm, chị Loan đang bán. 

Người tiêu dùng đổ xô sính hàng quê

Chị Lan – giáo viên trường THPT Dịch Vọng – chia sẻ: Tôi có hai con nhỏ, do đó, tôi rất thận trọng trong việc lựa chọn thực phẩm.  Ban đầu chỉ là những đồ để phục vụ cho con, sau rồi  thấy cái gì cũng nhái, cũng giả, cũng hoá chất… tôi sợ quá, chuyển hết hàng quê cho lành. 

Tết đến, măng miến đầy chợ, nhưng tôi vẫn phải đặt hàng có uy tín ở quê gửi lên mới yên tâm dùng. So với hàng thị trường, giá cả không nhỉnh hơn là bao, thậm chí có loại còn rẻ hơn, bởi họ tự sản xuất, mình mua được tận gốc nên không phải mất tiền qua các khâu trung gian.

Không chỉ có những bà nội trợ kỹ tính, mà nhiều người có tiềm lực kinh tế cũng chỉ chọn ‘quà quê’  để mang biếu trong dịp tết thay cho rượu ngoại, hoa quả ngoại.  Anh Nguyễn Bá Thành – giám đốc một công ty chuyên sản phẩm cửa nhựa lõi thép – cho biết: 

Anh có rất nhiều đối tác là các ông chủ thương hiệu lớn, người nước ngoài. Trước đây, vào dịp Tết, anh thường cho nhân viên mang rượu ngoại, bánh kẹo ngoại đi biếu họ. Nhưng anh cảm nhận thấy họ rất dửng dưng khi nhận  những món quà đó. Chính bản thân mình, anh cũng thấy rất ngại ngùng, khách sáo khi mang đến cho họ những thứ mà cuộc sống của họ đã dư thừa. 

Sau quá trình tìm hiểu đắn đo, anh quyết định “quê hoá” những món quà cho đối tác của mình. “Khi tôi cho nhân viên chở một  tải bưởi Diễn đến nhà đối tác, họ hết sức ngỡ ngàng. Nhất là khi tôi giải thích với họ đây là món quả “tiến Vua”, họ  vui mừng lắm. Sau đó, họ còn chuyển cho tôi cả hình ảnh bưởi Diễn của tôi được bố mẹ của họ ở bên Anh vui mừng thưởng thức và khen nó như thế nào. Bây giờ cứ Tết đến là tôi “chơi” món này. Thực sự là tôi thấy mối quan hệ với đối tác gắn kết hơn.”
 Món "Bưởi tiến Vua" đã được anh Thành dùng làm quà biếu đối tác nước ngoài

Chị Huê – một thẩm phán ở Hà Nội cũng tâm sự: Mấy năm nay tôi đã không còn thói quen ra chợ sắm đồ Tết. Tết đến thì đi chợ cho vui, ngắm không khí hay mua cành đào, cây quất thôi, chứ các loại thực phẩm, đồ ăn, đồ uống tôi đều đặt hàng ở quê chuyển ra từ trước đó cả tháng.

Măng, tôi đặt một cô bạn trên Yên Bái – loại măng nứa do chính bà ngoại của ấy phơi. Mộc nhĩ rừng, nấm hương rừng cũng nhờ một người bạn mua giúp từ những người dân tộc. Miến cũng thửa riêng loại miến quê không hàn the, không chất tẩy. Thịt lợn, thịt gà thì đặt hàng trước đó cả năm, nhờ bà con ở quê nuôi giúp, tết đến họ thịt rồi chuyển ra cho mình. 

Đến quà để biếu cô giáo của con, bác sỹ của con, tôi cũng đặt mua cam canh, bưởi Diễn chứ không mua bánh kẹo, hoa quả ngoại. Siêu thị cũng bán táo Trung Quốc  dán mác táo Mỹ, rồi rượu Tây thì làm giả bằng phẩm màu và cồn, không thể yên tâm được.”

Đọc thêm