Dân khiếu nại vì đường dân sinh bị “khai tử”

(PLO) - Hơn 100 hộ dân đang đi con đường có hàng trăm năm nay, bỗng nhiên doanh nghiệp rào đường, bắt đi vòng. Chưa hết, doanh nghiệp múc đất chắn ngang đường, xây dựng cổng được xem như bịt đường của người dân khiến họ bị đẩy vào thế cô lập. Sự việc được khiếu nại đến các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá nhưng đến nay vẫn rơi vào im lặng?!
Dân khiếu nại  vì đường dân sinh bị “khai tử”
Bỗng nhiên bị cô lập
Theo đơn kêu cứu của hơn 100 hộ dân thôn 1 (xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) gửi Báo PLVN: Để thực hiện Dự án khu nông nghiệp công nghệ cao (CNC), Cty Mía đường Lam Sơn đã phá dỡ tuyến đường huyết mạch dài 1km từ thôn 1, xã Xuân Bái xuống thị trấn Lam Sơn khiến người dân vô cùng bức xúc.
Theo ông Trịnh Đình Long (người dân thôn 1, xã Xuân Bái): “Đoạn đường này đã có từ rất lâu do người dân chúng tôi xây dựng lên. Con đường là nơi thuận lợi nhất để đi lại giao thương với các xã phía dưới, vận chuyển nông sản khi thu hoạch. Tuy nhiên, mới đây Cty Mía đường Lam Sơn đã phá bỏ con đường đưa vào quy hoạch khu CNC. Tất cả kế hoạch phá bỏ con đường cũ, làm đường mới đi vòng phía sau khu CNC dài đến hơn 3km đều do chính quyền và Cty bàn bạc, thỏa thuận ngầm với nhau thực hiện chứ nhân dân không hề hay biết”.
Cùng chung nỗi bức xúc, cụ Mã Xuân Phóng, 82 tuổi là Chi hội trưởng Người Cao tuổi thôn 1 cho biết: “Từ khi họ xây chốt làm cửa sắt chặn đường của dân chúng tôi như bị cô lập. Đường ra thì có nhưng cả 2 con đường đều phải lượn vòng đến gần chục cây số. Đi lại vô cùng khó khăn, nguy hiểm, đêm tối vắng vẻ, heo hút, đàn bà và trẻ không dám đi lại. Đi đường vòng vừa xa, vừa tốn kém, mất công và không an toàn. Khi bà con ra đồng làm ruộng, nếu đi đường mới để xuống thị trấn Lam Sơn thì mất gần một buổi. Trong khi đó đi đường cũ, chỉ mất chưa đầy 1km đã ra đến ruộng, các cháu đi học vừa thuận lợi vì gần trường”. 
Làm tắt trong quá trình giải phóng mặt bằng?
Ngày 15/03/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 841/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu nông nghiệp CNC Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa (giai đoạn 1) với diện tích 124ha. Trong đó đất xây dựng nhà máy cồn, khu xử lý nước thải, vận tải là 13,63ha, đất hành lang an toàn đường điện 500kV là 7,07ha, diện tích quy hoạch mới là 103,3ha. Trong phạm vi quy hoạch có tuyến đường dài 1km từ thôn 1, xã Xuân Bái xuống thị trấn Lam Sơn đã có từ lâu. Tuy nhiên, khi lập quy hoạch chính quyền xã, huyện đã không thông báo cho nhân dân biết. 
Ngày 24/05, Cty Mía đường Lam Sơn đưa máy múc ra múc đứt ngang con đường, xây dựng cổng chắn không cho người dân qua lại, lúc này nhân dân mới biết con đường dân sinh của họ bị chính quyền “khai tử” từ bao giờ. Bất bình, người dân làm đơn gửi chính quyền địa phương. 
Đến ngày 27/05, UBND xã Xuân Bái đã thông báo cho người dân là con đường dân sinh nằm trong vùng quy hoạch khu nông nghiệp CNC, do tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho Cty Mía đường Lam Sơn thi công. Tuy nhiên, hàng trăm hộ dân mất đường không đồng ý trước việc làm áp đặt của chính quyền xã Xuân Bái và Cty Mía đường Lam Sơn thi công. Sau một thời gian tạm hoãn thi công, ngày 13/08/2015 Cty Mía đường Lam Sơn lại cho máy múc ra đào đường ngăn dân mà không một lời giải thích.
Trước khiếu nại của người dân, chúng tôi đã liên hệ với ông Lê Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Xuân Bái, được ông Toàn cho biết: “Đoạn đường này là đường dân sinh, mặc dù có từ lâu nhưng do nằm trong vùng quy hoạch khu nông nghiệp CNC nên phải giải tỏa. Cty Mía đường Lam Sơn đã làm con đường khác cho dân  rồi, chúng tôi cũng chỉ biết thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên thôi”. 
Liên hệ qua điện thoại với ông Lê Huy Hoàng – Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, đồng thời là Trưởng ban Giải phóng mặt bằng (GPMB) thì được cho biết: “Cái này là tỉnh phê duyệt quy hoạch rồi, dân có kiện thì kiện tỉnh chứ chúng tôi có làm sai đâu mà kiện. Các giấy tờ liên quan thì phía Cty họ giữ cả...”. Lạ thay đường đường là Trưởng ban GPMB vậy mà ông Hoàng lại không có hồ sơ giấy tờ liên quan, vậy bấy lâu nay công tác GPMB cho khu nông nghiệp CNC vị lãnh đạo này căn cứ vào đâu để làm? Phải chăng đằng sau câu trả lời thiếu tinh thần trách nhiệm của vị Phó Chủ tịch huyện đó có điều gì khuất tất?

Đọc thêm