Tố ngược vì bị “gây phiền nhiễu”
Năm 2001, gia đình ông Phượng nhận chuyển nhượng nhà đất của gia đình bà Nguyễn Thị Hoa ở lớp nhà thứ 3, số 36B Hàng Khoai. Sử dụng yên ổn được 7 năm thì bà Vũ Thị Minh Hằng (con dâu cũ của bà Hoa) có đơn cho rằng mình được lưu cư tại đây theo bản án ly hôn với con bà Hoa từ năm 2000.
Theo bản án này thì sau khi ly hôn, chị Hằng được lưu cư tại 1 phòng rộng 6,7m2 và sân liền kề tại tầng 4, nhà 36 Hàng Khoai của bà Hoa cho đến khi có nơi ở mới. Vậy là từ đây, gia đình ông Phượng liên tục bị trì hoãn việc sửa chữa nhà cũng như hợp thức hóa quyền sử dụng nhà đất của mình chỉ vì cái gọi là “quyền lưu cư” trong đơn khiếu kiện của bà Hằng.
Tuy nhiên, theo cơ quan THADS thì bà Hằng đã không còn quyền yêu cầu thi hành về “quyền lưu cư” trên do đã hết thời hiệu yêu cầu THA. Ngoài ra, xác minh của Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm còn cho thấy, “từ năm 2001, chị Hằng đã không cư trú tại 36B Hàng Khoai và cũng không còn bất cứ tài sản gì tại đây.
Hiện chị Hằng và anh H đang là chủ sử dụng ngôi nhà 21B bãi rác Trung Liệt, quận Đống Đa. Chị Hằng đã có nơi ở mới ngoài nhà 36B Hàng Khoai”. Việc chị Hằng có nơi ở mới như trên đồng nghĩa với việc chị này đương nhiên không còn “quyền lưu cư” tại 36 Hàng Khoai vì bản án đã nêu rõ “khi chị Hằng có nơi ở mới phải trả lại diện tích nhà lưu cư cho bà Hoa”.
Bức xúc trước việc xuất hiện những lá đơn đòi chỗ lưu cư vô lý của bà Hằng, gia đình ông Phượng đã có đơn “tố” ngược và khẳng định hành vi của bà Hằng là “gây phiền nhiễu”, đề nghị chính quyền sớm giải quyết dứt điểm.
Trao đổi với phóng viên, ông Phượng cho hay, “đã có nhiều người khuyên tôi chi ít tiền, chịu thiệt để được yên chuyện, để chấm dứt tình trạng đơn thư liên miên như hiện nay. Tuy nhiên, tôi không chấp nhận điều này bởi tôi mua nhà ngay tình, hợp pháp. Tôi không phải là người thân của chị Hằng cũng không phải là đương sự trong vụ án mà phải có trách nhiệm lo chỗ lưu cư cho chị này”. Đến cuối năm 2013, UBND quận Hoàn Kiếm đã có kết luận nêu rõ, nếu có đề nghị giải quyết về quyền lưu cư, bà Hằng cần gửi đơn đến Chi Cục THADS Hoàn Kiếm để được xem xét giải quyết.
Nhà mình đang ở, bị coi là diện tích lưu cư của người khác
Trớ trêu thay, dù chỗ lưu cư chỉ ở trên giấy nhưng chị Hằng vẫn liên tục có đơn cho rằng, gia đình ông Phượng sửa chữa, cải tạo nhà làm ảnh hưởng đến chỗ lưu cư của mình.
Qua kiểm tra thực tế, UBND quận Hoàn Kiếm đã có Kết luận và khẳng định một số nội dung tố cáo của bà Hằng là không đúng, thiếu cơ sở hoặc việc xây dựng của ông Phượng không ảnh hưởng đến việc sử dụng tại tầng 4, lớp trong nhà 36 Hàng Khoai….
Cụ thể, việc xây dựng, cải tạo các lớp phía trong nằm trong khuôn viên diện tích nhà ông Phượng không ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc và vẫn đảm bảo lối đi lên tầng 4 rộng tối thiểu 0,7m theo đúng bản án ly hôn của bà Hằng trước đây.
Tuy nhiên, về một số nội dung xây dựng trên tầng 4 (như phá bệ bếp, bể nước, mở rộng phòng) thì UBND quận Hoàn Kiếm vẫn cho là có “liên quan đến diện tích lưu cư của bà Hằng” nên ông Phượng phải “bàn bạc, thỏa thuận với bà Hằng”. Nếu không thỏa thuận được thì phải khôi phục lại diện tích lưu cư cho bà Hằng.
Không đồng ý, ông Phượng cho hay “bà Hằng không có quyền đòi hỏi gì ở gia đình tôi cả. Riêng về việc xây dựng, gia đình tôi phải mở rộng phòng tầng 4 là chỉnh lại tường cho thẳng với tường tầng 3 nhằm tăng khả năng chịu lực. Điều này chỉ làm cho ngôi nhà chắc chắn thêm chứ không phải làm ảnh hưởng đến kết cấu và sự an toàn của ngôi nhà. Hiện, tôi cũng đã khôi phục lại bệ bếp và bể nước theo hiện trạng lúc chưa sửa nhà chứ không phải khôi phục lại phần diện tích lưu cư cho ai cả”
Đồng tình với ý kiến này, một số luật sư cho rằng, nếu đã coi việc lưu cư của bà Hằng là do cơ quan khác giải quyết thì UBND quận Hoàn Kiếm cần coi việc bà Hằng có đơn tố cáo về xây dựng của ông Phượng như đơn của một công dân bình thường khác, không thể “lồng” việc bà Hằng có “diện tích lưu cư” ở đây để đưa ra quan điểm giải quyết vụ việc.
Thực tế thì bà Hằng cũng chỉ từng có “quyền lưu cư” nhưng bà này lại không đề nghị cơ quan chức năng biến quyền này thành hiện thực thì làm sao có “diện tích lưu cư” ở đây được. Mà đã không có diện tích lưu cư thì không thể quy kết ông Phượng xâm phạm đến cái không hề có này.
Đáng nói hơn, cái gọi là “quyền lưu cư” trên đây không liên quan đến “quyền sử dụng đất” hay “quyền sở hữu nhà” nhưng từ nhiều năm nay, gia đình ông Phượng vẫn bị trì hoãn việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất với lý do “đang tranh chấp”.