Từ “cầu cứu” đến… ra “yêu sách”
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có thêm công văn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND huyện Thới Bình về việc xử lý tình trạng người dân tự ý đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa để nuôi tôm ở xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình.
Công văn trên của UBND tỉnh chưa biết sẽ có kết quả như thế nào nhưng đã vô tình “hâm nóng” dư luận vì thời gian trước đây, tỉnh này cũng đã có không ít văn bản chỉ đạo nhiều địa phương trong tỉnh về xử lý tình trạng đưa nước mặn vào ruộng lúa làm ảnh hưởng đến những hộ dân có ruộng lúa cạnh bên.
Tuy nhiên đến thời điểm này, tình trạng chẳng những không được khắc phục mà còn có chiều hướng tăng dần. Cụ thể, đã có một số vùng được quy hoạch cánh đồng mẫu lớn nhưng cũng bị “xâm mặn”. Và, người dân cứ “đội đơn” kêu cứu nhưng có lẽ cơ quan chức năng cũng đã… bó tay.
Ngồi tiếp chuyện với phóng viên trong căn nhà của mình, ông Trần Văn Hà (ngụ xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình) chỉ tay vào mấy bao lúa còn chất đống trong nhà ngậm ngùi nói: “Chú thấy đó, do nhiễm mặn nên 12 công đất chỉ thu hoạch được bấy nhiêu lúa đây thôi nhưng lại không bán được do lúa lép, không ai chịu mua. Thậm chí cho vịt ăn nó còn chê!”.
Lấy tay gạt mồ hôi trên trán, ông Hà nói tiếp: “Không lép sao được, lúa vừa dứt phân thì đất kế bên bơm nước mặn ầm ầm vào ruộng để nuôi tôm. Những năm trước, năm nào cũng thu hoạch trung bình từ 13 đến 15 bao lúa/công, có năm lên đến 18 bao, từ khi bị nhiễm mặn thì phải đi mót, mỗi công 1 hoặc 2 bao lúa lép là cùng…”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đất bị nhiễm mặn của ông Hà thuộc khu vực cánh đồng mẫu thuộc ấp 3 xã Tân Lộc Bắc (huyện Thới Bình), tổng diện tích hiện tại của cánh đồng mẫu này là 68ha. Trước đây, khi chưa bị nhiễm mặn, người dân trồng lúa trong khu vực này đạt năng suất khá cao, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Tuy nhiên, từ khi một số hộ dân đưa nước mặn vào ruộng lúa để nuôi tôm thì năng suất bị sụt giảm hẳn, cá biệt có trường hợp bị mất trắng không thu hoạch được hạt nào...
Được biết, không chỉ ở cánh đồng mẫu lớn ấp 3 và ấp 4 mà nhiều cánh đồng trong quy hoạch trồng lúa 2 vụ/năm ở huyện Thới Bình cũng lần lượt biến thành vuông tôm nhưng việc xử lý “không đâu vào đâu” nên một số người trồng lúa đành phải đưa xáng vào cuốc ruộng lúa của mình, nhưng chỉ để… ra yêu sách.
Đứng trên phần đất bị xâm mặn do hộ lân cận làm trái chủ trương, bà Hồ Thị Nga - một hộ dân có đất bị ảnh hưởng từ việc xả nước mặn của một hộ lân cận cho biết, gần 7 năm qua, việc sản xuất lúa của gia đình bà năm nào cũng thất bát. Và, ngần ấy thời gian, bà cùng hàng chục hộ dân lân cận đã vất vả đội đơn yêu cầu, khiếu nại đến cơ quan chức năng các cấp, thậm chí là kéo đến xin gặp lãnh đạo huyện, tỉnh phản ánh yêu cầu xử lý vụ việc.
Tuy nhiên, ngần ấy thời gian, con tôm của những người làm trái chủ trương vẫn khỏe mạnh, “ăn dần” đồng lúa.
Bà Nga thông tin thêm, trước khi đất ruộng của bà bị nhiễm mặn thì năm nào cũng đạt năng suất trung tình trên 35 – 40 giạ/công. Thấy trồng lúa có thu nhập ổn định, bà và nhiều hộ dân nơi đây đã quyết tâm bám ruộng lúa, nhưng với tình hình này, nếu không giải quyết dứt điểm thì bà cũng đành phải lấy nước mặn vào nuôi tôm theo hộ cạnh bên...
“Gương mẫu thực hiện đúng chủ trương thì được cái gì? Tôi nhất quyết rồi, nếu cán bộ địa phương không chịu xử lý dứt điểm, tôi sẽ không làm theo chủ trương nữa”, bà Nga bức xúc nói.
Tương tự, chỉ những con kênh mới cho xáng vào cuốc trên ruộng lúa của gia đình, ông Trần Văn Hà lên “án treo” để răn đe cán bộ địa phương: “Tôi mới thuê xáng vào cuốc đất làm bờ bao xung quanh 12 công đất để chờ xem hết năm nay chính quyền có giải quyết không, nếu không thì tôi nói trước là sẽ chuyển qua nuôi tôm. Lúc đó thì cán bộ đừng có xuống mà cản…”.
|
Người dân huyện Thới Bình dự đoán, nếu tình trạng này còn kéo dài thì không bao lâu nữa, ruộng lúa 2 vụ/năm ở huyện này sẽ hoàn toàn biến thành lúa - tôm. |
Chính quyền địa phương bó tay?
Trước thực trạng người dân ồ ạt chuyển sang nuôi tôm trong vùng quy hoạch khép kín trồng lúa 2 vụ/năm, thời gian qua UBND tỉnh đã có không ít văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành chức năng và các địa phương xử lý nghiêm những trường hợp tự ý đưa nước mặn vào ruộng lúa.
Mới đây, UBND tỉnh này đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, UBND huyện Thới Bình về việc xử lý tình trạng tự ý đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa để nuôi tôm ở xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình. Nội dung công văn nêu rõ,
UBND tỉnh giao cho UBND huyện Thới Bình chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNN, Sở TN&MT và các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xã Tân Lộc Bắc sản xuất nông nghiệp đúng quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, không tự ý đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa để nuôi tôm...
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo cơ quan chức năng củng cố hồ sơ, xử lý trường hợp cố ý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy với tình hình hiện nay thì việc thực hiện công văn là vô cùng khó khăn do chế tài… “chưa tới”.
Nói về những phương pháp giải quyết tình trạng đưa nước mặn vào ruộng lúa ở địa phương mình phụ trách, ông Nguyễn Văn Đáng, Trưởng ban Nhân dân ấp 3 (xã Tân Lộc Bắc) cho biết: “Khu vực cánh đồng mẫu thuộc ấp 3 có tất cả 13 hộ đưa nước mặn vào nuôi tôm, chính quyền địa phương cũng đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng những hộ này vẫn không chịu khắc phục”.
Còn bà Lâm Thị Trúc Mai (Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc) lắc đầu: “Ngoài tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng chủ trương, chính quyền địa phương chúng tôi cũng đã nhiều lần lập biên bản, xử lý phạt hành chính nhưng vấn đề này địa phương vẫn chưa giải quyết được và đang đợi sự chỉ đạo của cấp trên”.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Nguyễn Văn Tranh thì việc giải quyết vấn đề trên là của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nếu người dân không thực hiện quy hoạch thì mình cũng không có chế tài nào để xử lý.
Từ thực tế trên có thể nhận định, nếu chính quyền địa phương không có hướng giải quyết dứt điểm thì có lẽ trong tương lai không xa, vùng quy hoạch lúa 2 vụ/năm ở huyện Thới Bình nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung có nguy cơ “biến mất”./.