Mạnh ai nấy làm
Trong thời gian vừa qua, vấn đề cao độ nền xây dựng (hay thường được gọi là cốt nền) được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh khá rầm rộ. Đáng nói, tình trạng chênh lệch về cốt nền giữa nhà dân với đường phố có thể dễ dàng nhận thấy trên nhiều tuyến phố. Đoạn đường Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái là một ví dụ. Theo đó, nhiều gia đình sinh sống tại đoạn đường trên suốt một thời gian dài phải sống trong cảnh nhà biến thành “hầm chui”. Nhiều căn nhà thấp hơn mặt đường tới... 2,2 m khiến người dân mỗi khi muốn ra đường phải trèo thang, leo bậc.
Câu chuyện “lệch cốt nền” dường như càng “nóng” hơn trong đợt Hà Nội ra quân chấn chỉnh vỉa hè. Ở nhiều khu vực như đường Xã Đàn, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Văn Huyên… sau khi hàng loạt bậc tam cấp lấn chiếm bị phá dỡ, nhiều ngôi nhà lộ ra cao hơn vỉa hè từ 1,5 - gần 2m. Tình trạng chênh lệch cốt nền cũng xuất hiện tại các khu đô thị mới.
Theo đó, nằm sát khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, cứ mỗi mùa mưa, người dân thôn Đình Thôn lại được một phen khốn đốn vì đường làng thành “sông”, người xe bì bõm. Nguyên nhân được xác định là do cốt nền xây dựng trong thôn thấp hơn cốt nền của khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì và thấp hơn cốt đường Phạm Hùng nên mưa to là nước không thoát.
Không chịu được cảnh sống chung với nước mỗi khi mưa ngập, người dân trong làng thi nhau tôn nền, nâng ngõ. Cứ thế, chuyện ngập thì nâng, nâng xong lại ngập, ngập rồi lại nâng trở thành vòng tròn không lối thoát.
Chung hoàn cảnh trên, nhiều hộ dân sinh sống tại tổ 3, đường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm) thời gian qua cũng nơm nớp lo ngại cảnh ngập úng khi mùa mưa sắp đến. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cốt nền đường cao hơn nền nhà gần 1 mét khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Theo phản ánh của một người dân địa phương, đây là dự án cải tạo, nhằm phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất tại dự án đường sắt đô thị Nhổn- Ga Hà Nội. Cuối năm 2016 việc xây dựng mới được triển khai.
Tuy nhiên, do cốt nền đường cao hơn nền cũ khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Hệ thống cống thoát nước sinh hoạt của dự án chưa hoàn thiện, khiến những trận mưa lớn ít ngày gần đây nước mưa đã ngập vào trong nhà nhiều hộ dân ngõ 3. Trao đổi với bà Nguyễn Thị Hoa, Tổ trưởng tổ dân phố số 3, bà cho biết: “Hiện tại có hơn 40 hộ dân đang chịu ảnh hưởng bởi dự án. Điều khiến người dân lo lắng nhất là khi bắt đầu vào mùa mưa nguy cơ cao xảy ra tình trạng úng ngập”.
Quy hoạch bao giờ mới hết lệch pha?
Theo tìm hiểu, hiện Hà Nội căn cứ vào cao độ của hồ Yên Sở và 4 con sông chính (sông Hồng, sông Nhuệ, sông Lừ và sông Kim Ngưu) để tính cốt nền. Từng khu vực của thành phố lại có hệ thống cốt nền riêng được xác định trong đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, trên thực tế các chủ đầu tư xây dựng, cơ quan quản lý địa phương lại thường “quên” tính toán, quản lý cốt nền. Hệ lụy nhãn tiền là nhiều khu vực, trong đó có các khu đô thị mới lâm cảnh úng ngập.
Đồng quan điểm này, một chuyên gia xây dựng cho biết, một thời gian dài quy hoạch cốt nền ít được xem trọng, dẫn đến việc thoát nước toàn thành phố thiếu hiệu quả. Sau khi quy hoạch cốt nền được lập lại, các công trình được cấp phép xây dựng mới vẫn dựa theo cốt nền cũ, những khu vực có đường giao thông và hệ thống cấp thoát nước chưa được nâng hoặc hạ theo quy hoạch mới. Do đó, khi thực hiện nâng cấp đường giao thông và hệ thống cấp thoát nước theo quy hoạch mới thì xảy ra tình trạng nền nhà các khu đô thị thấp hơn đường.
Bàn về giải pháp khắc phục tình trạng “loạn” cốt nền, nhiều chuyên gia cho rằng, tùy khu vực, quy hoạch cốt nền không nên áp dụng máy móc theo nguyên tắc chỉ dựa trên lý thuyết cho toàn thành phố. Nói cách khác, cần nghiên cứu sâu hiện trạng của từng khu vực để có những giải pháp và cao độ nền phù hợp.
Đồng quan điểm này, trả lời trước báo chí cách đây ít lâu, ông Phạm Sỹ Liêm nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Đối với các khu đô thị mới trước khi xây dựng bao giờ cũng có quy hoạch chi tiết được phê duyệt với quy hoạch cao độ xây dựng nền của khu vực đó. Và giữa bản quy hoạch chi tiết với các khu vực xung quanh sẽ có khớp nối về cao độ hay khớp nối hạ tầng kỹ thuật bên ngoài.
“Trước mắt, cần có thêm những giải pháp phù hợp về kỹ thuật riêng cho các khu vực có hiện trạng dân cư phức tạp. Hà Nội cũng đã có bản đồ địa hình tỷ lệ 1/500. Như vậy, độ cao của từng khu vực, từng đường phố, độ dốc… đã có đầy đủ. Vấn đề là khi quy hoạch thì phải tính độ cao đến mức an toàn, trong trường hợp xấu nhất thì cũng không để người dân bị ngập lụt. Tất nhiên, độ cao chuẩn được xác định kết hợp với giải pháp thoát nước của thành phố” – ông Liêm đề xuất.