Bản làng sáng đèn compact

(PLO) - Trở lại bản Mồ Si Câu, xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trong buổi chiều muộn trung tuần tháng 9, núi rừng đã nhuốm một màu tím sẫm nhưng qua những ô cửa ấm áp ánh đèn, chúng tôi cũng cảm nhận được  cuộc sống nơi đây đang dần khởi sắc...
Công nhân Điện lực Lai Châu kéo điện về bản
Công nhân Điện lực Lai Châu kéo điện về bản
Đặt chân đến bản lần đầu cách đây chừng 5 năm, trong buổi nhá nhem chiều, nâng chén rượu với đồng bào dưới ánh lửa hiu hắt, người khách lạ không nghĩ một ngày bản làng sẽ có điện lưới.  Thế rồi một, hai năm sau đã nghe tin mừng “Nhà nước kéo điện về bản rồi, mỗi nhà còn được phát một bóng đèn”. 
Gần 100% hộ đồng bào có điện
Ngày 12/9 vừa qua, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức sơ kết Chương trình 30a do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hỗ trợ 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ giai đoạn 2009-2015. Ai có tường tận, sâu sát với đồng bào thì mới thấu hết được sự đổi thay trên những thôn bản xa xôi vùng Tây Bắc. 
Chương trình được EVN thực hiện từ năm 2009. Số liệu chốt vào cuối năm 2008 cho thấy, 3 huyện mới chỉ có 29/40 xã có điện (đạt tỷ lệ 72,5%) và 12.596/30.731 hộ dân có điện (tỷ lệ chỉ 41%). Sau 5 năm triển khai, đầu tư ngót nghét 500 tỷ đồng, Tập đoàn đã cung cấp điện cho đủ 100% số xã với 92,5% số hộ dân có điện sử dụng, hỗ trợ bình quân 3 triệu đồng/hộ để đấu nối sau công tơ và cấp cho mỗi hộ 1 ổ điện, 1 bóng đèn compact.
Tháng trước, tại huyện Nậm Nhùn, Cty Điện lực Lai Châu cũng vừa tổ chức lễ mừng công hoàn thành mục tiêu cấp điện lưới quốc gia. Xã Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn) và xã Tá Bạ (huyện Mường Tè) là hai xã cuối cùng được cấp điện lưới, nâng số xã có điện trên toàn tỉnh lên 100%, số hộ được dùng điện lưới quốc gia lên trên 85%, qua đó  hoàn thành chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra.
Anh bạn là thợ điện ở Điện lực Lai Châu kể, kéo điện vào Mồ Si Câu chưa nhằm nhò gì so với vào bản những bản làng heo hút khác. Đơn cử Như Huổi Pha (xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ) cách trung tâm huyện 140 cây số, qua không biết bao nhiêu vách đá, vực sâu… Đối với đồng bào vùng cao nơi đây, bóng áo màu cam của công nhân ngành điện được ví như tín hiệu của sức sống, hạnh phúc.
Xóa nhà tạm, xây trường học
Không chỉ kéo điện về thôn bản, EVN còn hỗ trợ xóa nhà tạm, xây dựng trung tâm đào tạo nghề, trường học nội trú, xây dựng “Nhà bán trú dân nuôi”, đào tạo cho các sinh viên được cử tuyển sau khi ra trường, đào tạo khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng mô hình sản xuất…
Cuối năm 2008, tính chung cả 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ có 3.005 nhà tạm thuộc Chương trình xóa nhà tạm đảm bảo đời sống thiết yếu. Cùng với chương trình  của Chính phủ, EVN đã thực hiện hỗ trợ để xây dựng được 16 căn nhà có diện tích sử dụng tối thiểu là 24m2/căn, tuổi thọ 10 năm trở lên với chi phí bình quân khoảng 40 triệu đồng/nhà, ngoài ra hỗ trợ 05 triệu đồng/hộ cho 1.400 hộ dân cần xóa nhà tạm.
Trong quá trình thực hiện, theo đề nghị của tỉnh, Tập đoàn còn hỗ trợ bổ sung so với thỏa thuận ban đầu thêm 1.095 hộ. Kết thúc năm 2010, tỉnh Lai Châu đã hoàn thành việc xóa nhà tạm theo Chương trình 167 của Chính phủ với sự đóng góp của EVN, xóa nhà tạm cho 2.511 hộ, chiếm tỷ lệ 83,6% số nhà tạm được xóa.
Ngoài ra, đến nay đã EVN đã hoàn thiện và bàn giao đưa vào sử dụng 32 nhà bán trú dân nuôi, còn 9 nhà sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015; hỗ trợ xây dựng 2 trường học tại huyện Tân Uyên với tổng kinh phí 18 tỷ đồng.
… Chỉ kịp choạng qua Mồ Si Câu vì thời gian không nhiều, tiếc không gặp được người đàn ông họ Tẩn từng nâng chén với nhau dịp trước. Nghe cán bộ nói ông bạn đã tậu hẳn một bộ loa đài mấy triệu đồng, bật oang oang cả bản. Mừng cho bạn. 
Trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước với xã hội
“Đến dự và phát biểu tại Hội nghị sơ kết Chương trình 30a do UBND tỉnh Lai Châu và EVN  tổ chức hôm 12/9, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao EVN đã dành nguồn lực cần thiết để hỗ trợ cho các huyện nghèo vùng cao. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Lai Châu là tỉnh nghèo, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. EVN thực hiện chủ trương tiến hành ký kết hỗ trợ đầu tư cho các địa phương ở Lai Châu có ý nghĩa lớn lao cho sự nghiệp cách mạng; thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước đối với xã hội, hướng tới vùng đồng bào khó khăn”.

Đọc thêm