Cả làng khốn khổ vì cầu dân sinh bị mưa bão đánh sập

(PLO) - Ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới, kèm mưa lũ vừa qua, cầu treo Đồng Nàng – con đường giao lên huyết mạch của làng Quy Thiện (xã Hải Quy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) bị cắt đứt, khiến hàng trăm hộ dân trở ngại trong việc đi lại.
Mỗi lúc sang sông, người dân lại chờ người thân chèo ghe đưa đón
Mỗi lúc sang sông, người dân lại chờ người thân chèo ghe đưa đón

Mỗi mùa mưa lụt cả làng bị cô lập

Đó là thực trạng được tái diễn đều đặn mỗi năm khi mùa mưa lũ đến ở thôn Quy Thiện (xã Hải Quy). Bởi cây cầu treo Đồng Nàng do người dân “tự chế”, kết nối giữa 2 xóm Hội và xóm Nàng của thôn lại bị mưa bão “thổi sập”. 

Theo lời kể của những người dân sống tại khu vực này thì những năm trước đây cầu treo Đồng Nàng cũng từng nhiều lần bị lũ quật ngã, nhấn chìm. Nhưng vì lúc đó tre gỗ trên toàn thân cầu vẫn còn “hạn sử dụng” nên người dân dễ dàng khắc phục những hỏng hóc và vẫn có thể đi lại được. 

Tuy nhiên, sau đợt mưa bão trong tháng 10 và 11 vừa qua thì cây cầu treo này đã bị gãy sập hoàn toàn mà chẳng cách nào gia cố được, khiến việc đi lại của 112 hộ dân với hơn 410 nhân khẩu của làng Quy Thiện hết sức khó khăn, đặc biệt việc đến trường của các em học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không những thế làm trì trệ quá trình sản xuất, canh tác của bà con nông dân.

Cầu treo Đồng Nàng bắc qua sông Nhùng vốn là công trình do người dân bỏ công sức và vật dụng sẵn có để dựng nên. Cầu có chiều dài khoảng 40m, bề rộng chỉ chừng 1m và nối với nhau trên thành đỡ chính từ sợi dây cáp. Toàn bộ thân cầu được lắp ghép bằng những thứ vật liệu hết sức thô sơ là những thanh tre và ván gỗ, sau đó buộc sơ sài bằng những sợi thép và những chiếc vỏ lốp xe đạp hư. Vì vậy sức chứa của cầu cũng hạn chế. Mỗi lần sang cầu chỉ vừa đủ 2 người và chỉ được phép đi bộ, mọi phương tiện vận tải đều cấm lưu thông.

Do đó, toàn bộ xe máy của những gia đình ở xóm Nàng đều phải gửi lại nhà của người dân xóm Hội trước khi muốn về nhà. Ngược lại, đến mỗi vụ thu hoạch lúa và hoa màu, người dân xóm Hội và xóm Phe phải gửi tạm nông sản ở nhà của người dân xóm Nàng, sau đó gánh chuyển dần về nhà.

Hàng chục năm nay, mỗi lúc sang sông là mỗi lúc người dân nơi đây lại đánh đu tính mạng mình với “hà bá”. Đã từng có 3 người tử nạn khi đi qua cây cầu này. 

Bà Hồ Thị Hoa (SN 1947, trú tại thôn Quy Thiện) cho hay: “Vào mùa nắng, dù nguy hiểm mọi người vẫn còn có thể qua cầu làm việc, chứ đến mùa mưa, nước sông dâng cao, lũ ở thượng nguồn ồ ạt đổ về tràn ngập mặt cầu, hơn nữa gió lớn khiến cầu luôn trong trạng thái lắc lư nên người dân nơi đây phải chịu cảnh bị cô lập. Mỗi lúc qua cầu để làm đồng áng, tôi cứ lại cảm giác bản thân lúc nào cũng chực chìm rơi xuống nước”. 

Ghi nhận của phóng viên, hiện tại cầu Đồng Nàng đã sập hẳn xuống lòng sông. Toàn bộ bề mặt ván trên cầu đều mục nát, tạo nên những lỗ hõm lớn. Chỉ cần một bất cẩn nhỏ là có thể rơi xuống nước.

Để có thể sang sông, người dân nơi đây phải dùng ghe để làm phương tiện di chuyển. Mỗi khi có việc phải qua sông, người dân lại mang ghe chèo qua, đến lúc xong việc lại chèo ghe trở về, hoặc đợi người thân đưa ghe qua chở đi.

Nhiều lúc muốn đến trường cho kịp, các em học sinh phải “liều thân” tự chèo ghe đi học
Nhiều lúc muốn đến trường cho kịp, các em học sinh phải “liều thân” tự chèo ghe đi học

Cầu Đồng Nàng tuy thô sơ, nhỏ hẹp nhưng là đầu mối giao thông duy nhất giúp người dân xóm Nàng giao liên với bên ngoài. Và là con đường huyết mạch để người dân trong làng ra đồng sản xuất nông nghiệp, với hơn 20ha lúa và cây màu.

Từ ngày cầu sập, việc đến trường của các em học sinh sống ở xóm Nàng thêm phần gian nan, vất vả. Mỗi lần đi học, bố mẹ các em phải đưa đón qua sông bằng những chiếc ghe nhỏ, chòng chành rất nguy hiểm. Nhiều lúc người thân không có, các em còn tự mình chèo ghe đi. Mực nước ở sông Nhùng khá sâu, khoảng 4m (chưa kể những khi mưa lụt mực nước có thể lên đến 8m) trong khi hầu hết các em học sinh đều không biết bơi.

Nhìn cảnh em Lê Bá Lộc (học sinh lớp 7, Trường THCS Hải Quy, Hải Lăng) tự mình chèo ghe sau khi học về mà ai nấy đều giật thót. Em Lộc kể, mỗi lúc sang sông bản thân cũng rất sợ nhưng không còn cách nào khác đành đánh cược tính mạng với “tử thần”. Hôm nào mưa gió, nước lên cao thì em phải nghỉ học. 

Khao khát có một cây cầu bê tông bắc qua sông

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Quốc, Trưởng thôn Quy Thiện cho biết, đời sống của người dân nơi đây còn rất khó khăn nên việc dựng lại cầu mới nằm ngoài tầm khả năng của bà con. Cầu Đông Nàng sập chẳng khác gì chặt đứt miếng cơm, manh áo và con chữ của người dân trong làng.

Cũng theo ông Quốc, hiện tại không riêng gì cầu Đồng Nàng, trên địa bàn xã Hải Quy còn thêm 2 cây cầu thô sơ chẳng kém đều đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Những cây cầu này tiềm ẩn muôn vàn nguy hiểm cho người qua lại, đặc biệt là vào mùa mưa bão. 

Mặc dù hiện tại toàn bộ thân cầu đã gãy sập xuống sông nhưng người dân vẫn cố tận dụng để sang sông cho nhanh
Mặc dù hiện tại toàn bộ thân cầu đã gãy sập xuống sông nhưng người dân vẫn cố tận dụng để sang sông cho nhanh

Với người dân nơi đây, niềm mơ ước có được một cây cầu dựng bằng bê tông, cốt thép chắc chắn bắc qua sông Nhùng cứ len lỏi trong tiềm thức của mỗi người từ bao đời nay.

“Bà con trong làng rất mong có một cây cầu mới để thuận tiện đi lại, sản xuất kinh tế và học hành. Trước mắt, xã sẽ trích ít kinh phí để sửa chữa tạm cầu. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hạn hẹp nên không làm được. Vì thế, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ban ngành trong tỉnh. Hiện tại, việc xây dựng, gia cố những cây cầu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để đảm bảo đời sống dân sinh” - ông Võ Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hải Quy cho biết. 

Đọc thêm