Cả xóm góp đồ làm đám cưới cho người vừa được tha tù

(PLO) - Hơn 30 tuổi mới thụ án xong trở về quê hương, Thịnh chẳng có gì trong tay. Bố đã qua đời, mẹ già, các em nhỏ, gánh nặng gia đình đều dồn lên vai anh. Ngày anh lấy vợ, dân làng rủ nhau “mỗi người một chân, một tay” giúp anh một đám cưới tươm tất.
Anh Thịnh nay làm nghề buôn chuối, mỗi tháng thu nhập từ 5 – 6 triệu.
Anh Thịnh nay làm nghề buôn chuối, mỗi tháng thu nhập từ 5 – 6 triệu.
Bốn lần giảm án, một lần đặc xá
Sân nhà anh Nguyễn Văn Thịnh (SN 1968, ngụ xóm 8, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) ngập tràn rơm rạ. Giữa trời nắng gắt, vợ chồng anh chị vẫn miệt mài làm việc, chồng phơi lúa, vợ phơi rơm. 
Nhìn người đàn ông nhỏ nhắn, tươi cười này, có người không tin anh từng có một quá khứ tội lỗi với bản án “Giết người”, mức án 18 năm tù.
Ngày 30 Tết năm 1989, người em út lúc đó mới 12 tuổi đi chơi gặp hai nhóm đánh nhau và bị đánh nhầm. Cậu em hoảng sợ chạy về nhà khóc. Anh Thịnh lúc đó vừa đi ăn cỗ về, đang say rượu nằm trong nhà, nghe tiếng em khóc, đã dậy hỏi. 
Tức giận vì em mình vô cớ bị đánh thâm tím mặt mày, lại sẵn hơi men, Thịnh cầm dao đi tìm nhóm thanh niên trên, trong lúc giằng co đã đâm trúng một người. Thấy nạn nhân nằm bất động, Thịnh sợ hãi vứt dao chạy về nhà, sau đó ân hận lên công an đầu thú. Tòa xử Thịnh 18 năm tù giam về tội “Giết người”. 
“Năm ấy tôi mới 22 tuổi, còn quá trẻ, vậy mà phải đi tù 18 năm trời. Bản án dài đằng đẵng khiến tôi tuyệt vọng nghĩ mình chẳng còn tương lai gì…”, anh Thịnh bộc bạch.
Khoảng hai năm đầu thụ án, anh Thịnh bị quản thúc chặt chẽ. Sau đó cán bộ trại giam thấy anh hiền lành lại chăm chỉ, thật thà nên cho đi ra ngoài lao động theo nhóm như cấy, gặt…
Cha Thịnh qua đời khi anh mới thụ án được một năm. “Hôm đó mẹ và anh trai lên báo tin, tôi như bị sét đánh ngang tai. Từ nhỏ đến lớn tôi chưa làm được gì báo hiếu cho bố, đến ngày ông qua đời cũng không ở bên cạnh được. Vừa thương bố vừa ân hận, nếu lúc trước tôi không lầm lỡ thì bây giờ đã có thể ở bên ông những tháng ngày cuối đời”.
Thịnh càng quyết tâm cải tạo tốt để được sớm trở về thắp cho bố nén nhang và chăm sóc mẹ già. Anh đã được giảm án bốn lần, thêm quyết định đặc xá nên được tự do trước thời hạn gần bảy năm. 
Năm 2002, Thịnh háo hức trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình. Hơn chục năm trong trại giam, người đàn ông phân vân không biết có nên ở lại địa phương hay không. Vui vì được gần người thân, nhưng anh cũng sợ phải đối diện với ánh mắt dò xét và sự kì thị của mọi người. 
Nhưng, “điều khiến tôi bất ngờ khi về là mọi người không hề xa lánh, ghét bỏ như tôi lo lắng. Ngược lại, bà con hàng xóm còn kéo tới động viên tôi làm lại từ đầu”. Tấm lòng rộng mở của tất cả mọi người đã giúp Thịnh có thêm sức mạnh, bắt đầu cuộc sống mưu sinh. 
Anh Thịnh xúc động kể chuyện dân làng góp tiền, góp gạo làm đám cưới cho anh.
 Anh Thịnh xúc động kể chuyện dân làng góp tiền, góp gạo làm đám cưới cho anh.
Làng xóm đóng góp làm đám cưới
Thương anh suốt ngày lầm lũi một mình, nhiều người nhắc anh lấy vợ. Nhưng nhà nghèo, thêm mặc cảm “tù tha”, anh không dám tơ tưởng đến ai. Qua mai mối của gia đình anh, chị Hoàng Thị Lương (SN 1973, ở xã Trung Thành, huyện Yên Thành) biết được quá khứ của anh, đã không xa lánh, còn thương cảm, quyết định gắn bó cuộc đời.
Nhà chị Lương ban đầu cũng ái ngại với cái lý lịch “có vết” của con rể tương lai, nhưng tìm hiểu biết anh bản chất tốt, đã đồng ý gả con.
Đến giờ, anh Thịnh vẫn không nén được xúc động khi nhắc lại đám cưới của vợ chồng mình: “Lúc đó mẹ tôi đã cao tuổi, sức yếu, trong nhà đông anh em, ăn uống còn không có, lấy đâu ra tiền làm đám cưới. Ngờ đâu hàng xóm kéo đến bảo: “Mi cứ cưới vợ đi, các bác, các o sẽ giúp đỡ cho”. 
Tôi cứ tưởng mọi người nói đùa. Bất ngờ hôm sau dân làng đến nhà rất đông. Người thì mang cho vài ký gạo nếp, người cho con gà, người cho buồng cau, chai rượu… Mỗi người một ít đã giúp vợ chồng tôi có một đám cưới ấm cúng, đầy đủ. 
Ngày rước dâu, tôi đã ứa nước mắt vì mọi người đến chúc mừng đông vui, mặc dù lễ cưới chẳng có mâm cao cỗ đầy gì. Chính những điều ấy đã giúp tôi có động lực sống tốt hơn”, anh nghẹn lời.
Sau khi kết hôn, Thịnh tạm thời chia tay vợ để vào miền Nam làm thuê. Hai năm lao động gom góp được ít tiền, anh trở về dự định đầu tư làm ăn. Nhưng trong một lần chở vợ đi khám thai, anh gây tai nạn đâm phải một bé gái. Vợ anh sảy thai. Nạn nhân bị thương khá nặng, anh phải bán hết tài sản và dồn tiền bạc bấy lâu chạy chữa.
Một lần nữa, vợ chồng anh lại rơi vào cảnh khốn khó. Nỗi đau mất đứa con còn chưa chào đời và nỗi lo sợ mơ hồ về “số khổ” khiến anh thoáng chờn lòng. Nhưng nhớ đến niềm hạnh phúc và quyết tâm từ ngày được đặc xá, anh lại cứng cỏi đứng dậy, vay mượn họ hàng ít tiền đi buôn chuối. 
Ngày nào anh cũng dậy từ 3h sáng, lên khu vực miền núi như Thanh Chương, Tân Kỳ... mua chuối, mít, đưa về xuôi bán. Vợ chồng anh còn chăn nuôi thêm bò, lợn, gà và làm sáu sào ruộng của gia đình.
Thu nhập gia đình mỗi tháng khoảng 5 - 6 triệu đồng. Thỉnh thoảng bà con lối xóm cũng mua chuối, mít ủng hộ anh.
Đến nay, anh Thịnh đã trở thành người làm ăn giỏi của xóm. Năm 2014, anh được tham gia Hội nghị biểu dương các cá nhân điển hình thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng ở huyện Yên Thành. 
Không chỉ có kinh tế vững, vợ chồng anh còn có một tổ ấm hạnh phúc với hai cậu con trai kháu khỉnh, đứa học lớp bốn, đứa học mẫu giáo.
Anh Thịnh tâm sự, những người từng lầm lỡ như anh thường mặc cảm với quá khứ, rất cần sự bao dung của người thân và xã hội../.

Đọc thêm