Cảnh báo vấn nạn bạo lực hẹn hò

(PLO) - Hôm nay 25/11 là Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Ở Việt Nam, trong những ngày này “bạo lực gia đình” là cụm từ thường được nhắc đến, còn bạo lực hẹn hò thì không nhiều người nghe và cũng chưa có nghiên cứu chính thức. Nhưng ít ai biết rằng, bạo lực hẹn hò chính là mầm mống của bạo lực gia đình và giải quyết được tận gốc cái này thì cái kia cũng sẽ chấm dứt.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những cái chết vì… yêu ?

Có quá nhiều cụm từ khóa để tìm hiểu thông tin về các vụ bạo lực hẹn hò trên công cụ tìm kiếm Google như: phóng hỏa bạn gái vì bị từ chối yêu; bị hành hung vì không nối lại tình cảm; cô gái bị người yêu chém, đốt vì không yêu… Điều này cho thấy tình trạng bạo lực hẹn hò đã và đang diễn ra rất nhiều. Có thể lấy một vài ví dụ như: ngày 7/9/2016 Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM cho biết tiếp nhận nạn nhân H.G.H (31 tuổi) là nạn nhân đã bị Hà Vũ Tài (31 tuổi, ngụ quận 5) tẩm xăng đốt tại một căn nhà trọ trên đường Hàn Hải Nguyên (quận 11, TP HCM). Nguyên nhân do cãi nhau vì ghen tuông, Tài đi mua xăng mang về phòng trọ rồi tạt xăng lên người H và lấy que diêm bật lửa. H. được đưa tới bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bỏng toàn thân 94%. Nạn nhân đã tử vong tại bệnh viện. 

Trước đó không lâu, tại Đà Nẵng, nạn nhân Phan Thị Hải Yến (24 tuổi) cũng đã tử vong tại bệnh viện vì tình trạng bỏng toàn thân. Kẻ thủ ác là Nguyễn Phước Thành (33 tuổi, phường Nam Dương, quận Hải Châu) người thường xuyên tán tỉnh nhưng chị Yến từ chối vì sắp tổ chức đám cưới với người khác. Bực bội vì bị từ chối tình yêu, Nguyễn Phước Thành đã gọi chị Yến ra nói chuyện và tạt xăng lên người chị Yến, châm lửa đốt, sau đó lên xe máy bỏ trốn, để mặc nạn nhân vùng vẫy như ngọn đuốc sống. 

Ở Hà Nội, Công an phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng đã từng thụ lí vụ việc Nguyễn Xuân Việt hành hung người yêu cũ vì không được đáp ứng tình cảm. Theo như trình báo của nạn nhân T., chị đã nhiều lần bị đánh vì từ chối nối lại tình cảm. Khi chở chị T. đi khám bệnh,  ở trên xe Việt nhiều lần muốn nối lại tình cảm nhưng bị chị T. từ chối nên đã quay sang chửi bới và đánh chị T. chảy máu  miệng. Nhiều lần chị T. đẩy cửa xe để chạy thoát nhưng bị Việt giữ lại và hành hung. Chỉ đến khi có một tốp người nhìn thấy sự việc do T. la hét thì Việt mới để nạn nhân xuống xe. Quá uất ức trước thói vũ phu của người yêu cũ, chị T. đã đến Công an phường Thanh Xuân Nam để trình báo sự việc… 

59% từng chịu bạo hành tinh thần khi yêu

Đó là con số khảo sát mà nhóm Y.Change (Phụ nữ trẻ tạo ra thay đổi) với hỗ trợ của UN Women đưa ra khi tiến hành nghiên cứu bạo lực hẹn hò trong hai năm 2014-2015. Năm 2015, Y.Change đã thực hiện một nghiên cứu qua mạng về bạo lực cặp đôi. Đối tượng tham gia là 569 bạn nữ ở lứa tuổi từ 18 - 30. Kết quả, gần 59% người được hỏi cho biết đã từng chịu bạo hành về mặt tinh thần, 23% từng bị quấy rối và bạo hành qua mạng, 24% từng là nạn nhân của quấy rối và đeo bám sau khi chia tay. Hậu quả là 21% trong số người được hỏi từng bị tổn thương về thân thể hoặc tinh thần, thậm chí hơn 6% trong số đó đã từng muốn tự tử. Đặc biệt, phụ nữ có xu hướng chịu bạo lực thể xác nhiều hơn.

Qua nghiên cứu, Y.Change đã chỉ ra 6 loại bạo lực hẹn hò gồm: bạo lực thể xác, bạo lực kinh tế, bạo lực tinh thần, bạo lực qua công nghệ thông tin, bạo lực tình dục, đeo bám sau khi chia tay. Trong bạo lực thể xác, những hành vi bạo lực gây thương tích nặng như: bóp cổ, dùng vũ khí... do nam giới gây ra nhiều hơn cho bạn tình. Với các dạng bạo lực gây thương tích nhẹ như cấu, tát, cắn, ném đồ, nữ giới gây ra cao gần gấp 2 lần. Đáng chú ý là nam và nữ đều bị bạo lực tinh thần ngang nhau, với các hành vi: kiểm soát, bắt báo cáo, ghen tuông; tỏ ra coi thường, xúc phạm người yêu, gia đình người yêu; cố tình làm người yêu xấu hổ vì bản thân… Mặc dù e ngại không muốn chia sẻ về hình thức bạo lực tình dục, nhưng đã 5 người cho biết đã bị quay phim, chụp ảnh trộm, 7 người bị cưỡng ép tham gia vào các loại hình tình dục không mong muốn.

Nói về bạo lực hẹn hò, Trưởng nhóm Y.Change Nguyễn Thị Phương Thanh chia sẻ: “Ở Việt Nam mọi người thường chỉ nói đến bạo lực gia đình, còn bạo lực hẹn hò chưa bao giờ được nhắc tới và chưa có một nghiên cứu chính thức về vấn đề này. Trước đây, cũng có nghiên cứu tập trung vào hình thức bạo lực thể xác và bạo lực tình dục, còn những bạo lực khác không liên quan đến thân thể vẫn chưa được ghi nhận và được nghiên cứu đầy đủ. Muốn chấm dứt bạo lực gia đình, chúng ta phải giải quyết từ gốc, nghĩa là phải chấm dứt được bạo lực hẹn hò. Mục tiêu của nghiên cứu là kêu gọi giới trẻ thay đổi nhận thức, hành vi xấu”.

Như vậy có thể thấy, bạo lực giữa các cặp đôi đang ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Để hạn chế tình trạng này, thì cách tốt nhất là mỗi người cần phải trang bị những kỹ năng để bình tĩnh xử lý tình huống, giải quyết khúc mắc và tôn trọng lẫn nhau trong tình yêu.

Đọc thêm