Cha mẹ ngỡ ngàng khi biết con là “anh hùng bàn phím”

(PLO) - Đối với các trang web đen, trang mạng “bẩn”, cha mẹ có thể ngăn chặn được con xâm nhập bằng các phần mềm trên máy tính. Nhưng, việc nhiều trẻ trở thành “anh hùng bàn phím”, dùng sức mạnh của internet để gây chuyện, cha mẹ rất khó để kiểm soát, thậm chí nhiều phụ huynh không thể hình dung được.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những “fan nhí” quá khích

Khi bài viết “Lo ngại phim hoạt hình “bẩn” đầu độc trẻ thơ” được đăng tải trên Báo PLVN cách đây không lâu, một lực lượng fan hâm mộ, bao gồm nhiều em học sinh cấp 1, cấp 2 và cấp 3 đã bày tỏ phản ứng khi thú vui của mình bị phê phán. Chuyện bày tỏ chính kiến của mình thì không có gì đáng nói, nhưng điều đáng nói ở đây là rất nhiều em đã hô hào nhau “truy tìm” tác giả bài viết. Một biên tập viên Đài Truyền hình Việt Nam đã vô tình bị nhận nhầm là tác giả bài viết và bị hàng ngàn fan hâm mộ “nhí” khủng bố suốt hai ngày trời với tin nhắn, bom thư… và đủ các lời chửi bới từ bình thường đến thô tục. Mặc dù trưởng nhóm fan này đã lên tiếng kêu gọi sự bình tĩnh, tiết chế cảm xúc nhưng nhóm fan nhí vẫn tiếp tục lên mạng, chửi bới và hành động quá khích. Đến nỗi, trưởng nhóm fan đã chia sẻ:  “Mấy hôm nay, nhiều bạn đã lặng lẽ rời nhóm fan hâm mộ truyện tranh Anime Nhât vì thấy xấu hổ trước hành động của các bạn”. 

Một nhóm fan của dòng truyện tranh khác, cũng ở lứa tuổi từ cấp 1 đến cấp 3 cũng đã có một cuộc “khẩu chiến” kịch liệt trên mạng. Nguyên do là nhóm này dung hình ảnh thô tục để ghép vào mặt các nhân vật truyện tranh của nhóm kia, khiến các fan bức xúc, “kéo quân” sang fanpage của “đối thủ” để chửi bới, tung các hình ảnh bôi xấu, thậm chí thách  đấu nhau bằng vũ lực…

Rất nhiều cuộc ẩu đả nhau trong trường học cũng bắt nguồn từ thói quen thách thức, chỉ trích nhau trên mạng xã hội. Chỉ vì lời khen chê xấu đẹp, hai nhóm nữ sinh tuổi teen đã kéo nhau ra phố đi bộ Nguyễn Huệ đánh nhau, kéo theo hàng nghìn “fan” cổ vũ, gây rối loạn trật tự, khiến cảnh sát phải đến giải tán. Một clip đánh ghen xuất hiện trên internet, trong đó nhân vật chính là một nữ sinh lớp 10 tuyên bố, “phải đánh cho bõ ghét, vì con này (nạn nhân bị đánh, cũng là nữ sinh lớp 9) dám lân la vào trang facebook của tao, làm quen với “chồng” tao (nam sinh lớp 10), có ý định giật chồng tao”(!).

Rất nhiều phụ huynh hiện nay hầu như không kiểm soát được hành động của con mình trên mạng xã hội. Nếu như trước kia, nỗi lo lớn nhất của các bậc cha mẹ là các trang web đen, web có nội dung đồi truỵ, bạo lực… thì nay nỗi lo đã mở rộng ra rất nhiều: nào là bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa đảo, tham gia các hội nhóm bất hảo, và giờ đây là nỗi lo con trở thành… “anh hùng bàn phím”.

Đừng làm ngơ trước mối nguy từ mạng xã hội

Tuy nhiên, hầu hết phụ huynh chưa nắm bắt được những hành vi nói trên của con mình. Minh Tuấn, học sinh lớp 6 tại TP HCM, thành viên nhóm hâm mộ truyện tranh Nhật nói trên cho biết, cha mẹ cậu không hề biết cậu tham gia nhóm fan này nọ, và cũng không thể ngờ cậu con trai mình có thể lên mạng, tụ tập ném đá người này, thách đấu người nọ hoặc văng tục… Tương tự, không ít phụ huynh chỉ “bật ngửa” khi hành vi của con mình trên mạng gây ra hậu quả nghiêm trọng. Còn nhớ nhiều năm trước đây, một học sinh cấp 3 vì thiếu hiểu biết cộng với ngông cuồng đã đăng tải những hình ảnh, ngôn ngữ phỉ báng lòng yêu nước. Cậu học sinh này sau đó đã phải hối hận vì không chỉ rắc rối với chính quyền địa phương mà còn bị rất nhiều bạn trẻ tìm ra địa chỉ, đến tận nhà để tụ tập trước nhà la ó, mắng nhiếc. Chỉ khi sự việc vở lỡ ra, cha mẹ học sinh nói trên mới biết hoá ra con mình lên mạng làm những việc như thế, trước đó họ chỉ nghĩ con mình lên mạng… học Anh văn.

Chị Trần Mỹ Nhung (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cũng đã có một bài học giật mình vì “thả lỏng” cậu con trai 14 tuổi trên internet. Anh chị kiểm soát khá chặt chẽ các trang web mà con mình đăng nhập vào. Một thời gian, cả hai yên tâm khi thấy con hoàn toàn không truy cập vào các web đen, web xấu. Cho đến khi nhà trường mời anh chị lên làm việc vì cậu bé tham gia vào nhóm đánh nhau trong trường, anh chị mới vỡ lẽ, con mình không “hiền” như vẻ ngoài. Cậu bé 14 tuổi lập một fanpage trên facebook, tập trung nhiều “đàn em” trong trường để chia sẻ thông tin về các “hot girl”, là các bạn học cùng trường, cùng lớp. Vì đăng hình và thông tin khiếm nhã về một bạn nữ cùng khối, con trai anh chị đã bị anh trai của cô bé kia hẹn gặp. Sau đó, cả hai kéo nhóm của mình đi, đánh nhau hỗn loạn trong sân trường sau giờ học. Sự cố ấy khiến con chị Nhung suýt bị đuổi học. Sau chuyện này, anh chị kiểm soát con chặt chẽ hơn, đặc biệt là tài khoản facebook, lịch sử truy cập các trang mạng xã hội, lịch sử bình luận…

Nhiều đứa trẻ, đặc biệt là ở lứa tuổi đang dậy thì, có tính hiếu thắng và nhu cầu thể hiện bản thân cao. Ở môi trường bên ngoài, do chịu sự kiểm soát của gia đình, nhà trường, các em không có dịp bộc lộ, và mạng xã hội đã cung cấp cho các em một mảnh đất lý tưởng để thoả sức “tung hoành”. Nếu chủ quan, thiếu quan tâm, cha mẹ sẽ không hề biết con mình đang làm gì, đang gây ra những sự việc thế nào.

Nhưng, muốn kiểm soát việc sử dụng internet của con cũng không dễ dàng. Nếu gây áp lực cho trẻ quá, cha mẹ dễ khiến con nổi loạn, hoặc tìm cách để chống đối, giấu giếm, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ. Vì vậy, điều cần làm trước hết là cha mẹ nhận thức hết những mối nguy trở thành “anh hùng bàn phím”  của con mình. Tiếp đó, bằng sự giáo dục, uốn nắn, bằng những bài học nhỏ hàng ngày, sự chia sẻ và lời khuyên gần gũi, thực tế, cha mẹ có thể khiến trẻ từ từ nhận thức ra những hiểm hoạ ẩn giấu sau bàn phím máy tính, sau những lời lẽ, hành vi tưởng chừng vô thưởng vô phạt trên mạng.

Đọc thêm