Chàng “Lục Vân Tiên” bị người yêu bỏ vì “mê” bắt cướp

“Chúng tôi có điểm chung là đam mê bắt cướp, giống như có sẵn trong máu vậy. Nhiều khi không biết mình làm vì điều gì, có lợi lộc gì nhưng cứ thấy người bị giật đồ té ngã lại không cầm được lòng. Lúc đó chẳng suy nghĩ gì nữa, lao xe ra đường thôi”, anh Phạm Khắc Trí (SN 1992) bắt đầu câu chuyện “hành hiệp” của mình như thế.
“Hiệp sĩ” Phạm Khắc Trí
“Hiệp sĩ” Phạm Khắc Trí

“Máu” bắt cướp ăn vào người

Anh Trí kể, anh bắt đầu gia nhập vào Đội Săn bắt cướp TP.HCM do anh Lâm Hiếu Long (SN 1990, thành lập từ năm 2011) tính đến nay cũng đã gần hai năm. Đến với “nghiệp” săn bắt cướp với anh đó là một sự tình cờ nhưng cũng là do cái “máu” nghĩa hiệp trong người. 

Từ nhỏ, khi thấy mẹ và người thân trong nhà bị cướp giật tiền, điện thoại... anh đã rất bức xúc, thế nên khi tình cờ gặp và biết anh Long thành lập đội săn bắt cướp, anh Trí đã xin gia nhập đội để được cùng mọi người làm việc thiện, mang lại bình yên cho chính những người thân trong gia đình cũng như cho xã hội.

Ban đầu, cứ hết giờ đi học, hay có thời gian rảnh là anh lại xách xe chạy ra đường quan sát. Đó cũng là cách anh tự tập cho bản thân khả năng nhận diện tội phạm và rèn luyện khả năng chạy xe ở tốc độ cao.

Anh Trí chia sẻ, do ở đội, mỗi người một việc, chủ yếu đi làm theo giờ hành chính nên các thành viên trong đội thường hẹn nhau đông đủ vào 2 ngày cuối tuần. Trong cuộc gặp, anh em trong đội thông báo những nhóm cướp mới phát hiện rồi lên phương án theo sát.

Những ngày thường, anh em trong đội sẽ phân công, cứ 9, 10h tối là các anh lại tập trung tại một điểm rồi bắt đầu chạy xe qua nhiều tuyến đường nóng về tệ nạn cướp giật thuộc các quận như: Tân Phú, Phú Nhuận, 10, 3, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú... đồng thời quan sát kỹ những thanh niên lái các loại xe độ bô hay khi thấy có đối tượng khả nghi thì lặng lẽ bám theo, chờ chúng ra tay là ập vào bắt quả tang.

Không chỉ đi tuần, dựa vào sự phát triển của công nghệ, các “hiệp sĩ” còn trực số hotline, facebook để tiếp nhận các cuộc gọi, tin nhắn trình báo về cướp giật. Mỗi ngày số hotline của đội nhận hàng chục cuộc gọi như thế rồi sàng lọc, tìm hướng trợ giúp nạn nhân. 

“Mỗi khi có vụ việc, anh Long đội trưởng sẽ thông báo cho các thành viên trong đội để hỗ trợ hoặc chuyển tiếp thông tin cho các chiến sĩ đặc nhiệm rà soát”, “hiệp sĩ” Trí cho hay.

Vóc người nhỏ con nhưng với những “ngón nghề” được võ sư Lê Hoàng Mai (Trưởng bộ môn Aikido ở Cung Văn hóa Lao động) dạy thêm các anh em trong đội về võ thuật, anh Trí đã xử lý nhanh nhiều vụ cướp giật trên địa bàn TP.HCM.

“Dụng cụ tác nghiệp” của Đội Săn bắt cướp TP.HCM
“Dụng cụ tác nghiệp” của Đội Săn bắt cướp TP.HCM

Anh Trí còn nhớ như in hôm đó, trời mưa vừa dứt, khi anh cùng anh Long đang di chuyển ở khu vực cầu Tham Lương (Phan Văn Hớn, Quận 12) thì thấy hai đối tượng có dấu hiệu chuẩn bị cướp giật. Hai anh bám theo, hai tên cướp đã nằm trong tầm ngắm từ trước nhưng vẫn chưa có cơ hội bắt quả tang.

Khi tìm được “con mồi” là 2 phụ nữ trung tuổi, hai đối tượng đi theo tới khu vực đường Tây Thạnh (Quận Tân Phú). Chạy được khoảng 100m, đường vắng, hai tên cướp liền thực hiện ý đồ, chị ngồi sau bị giật túi xách, té xuống đường tri hô “cướp, cướp”. 

Anh Trí và anh Long lập tức tăng tốc đuổi theo. Sau một hồi truy đuổi, bọn cướp vẫn phóng như điên trên đường, bất chấp xe cộ. Không hề nao núng, cũng không một chút run sợ, hai “hiệp sĩ” bám đuổi. Tới khu vực trung tâm KCN Tân Bình, có hàng rào chắn nên đối tượng định bỏ xe chạy liền bị anh Trí tung cú đá như trời giáng vào tên cướp cầm lái làm chúng ngã lăn ra đường. 

Anh Trí cho hay, cướp giật bây giờ xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi, bất kể ngày đêm. Có lần, anh cùng đồng đội đang cùng lưu thông trên đường Hòa Bình (Quận 11) thì phát hiện ra hai đối tượng có biểu hiện nghi vấn nên chạy xe theo dõi. 

Hai đối tượng đảo qua rất nhiều tuyến đường thuộc địa bàn Quận 11 và Quận 6. Nghi ngờ có người theo dõi, bọn chúng giả vờ tấp vào vỉa hè mua nước và thức ăn. Sau hơn 30 phút theo dõi, đến khi thấy tình hình hoàn toàn an toàn, chúng đi đến đường Bà Hom (phường 13, Quận 6) thì phát hiện 1 xe gắn máy dựng trước nhà không người trong coi.

Ngay lập tức, tên cầm tài là Vương Thế Vinh (SN 1991) dừng xe để tên ngồi sau Lâm Chí Tiến (SN 1993) đến bẻ phá khoá xe. Khi tên Tiến đang dắt xe ra nổ máy thì bị các “hiệp sĩ” ập đến. Tên Tiến hung hãn chống trả và nhanh chân quăng xe vừa trộm để nhảy lên xe đồng bọn tẩu thoát. 

Ngay khi đó, anh Trí cùng đồng đội quyết liệt tăng tốc truy đuổi qua nhiều tuyến đường. Bằng sự dũng cảm, anh Trí phóng thẳng vào tên trộm những cú đá lia lịa, tên cướp loạng choạng rồi ngã gục. Nhanh như chớp, anh Trí nhảy xuống khóa tay hắn rồi cùng đồng đội áp giải về trụ sở công an.

Bắt cướp nguy hiểm là thế nhưng cũng có vụ “cười ra nước mắt”. Khi đó cả đội đang đi tuần tra chung, thấy hai đối tượng cướp túi xách liền đuổi theo. Lúc khống chế được 2 đối tượng, mấy người dân nghe thấy tiếng hô “cướp”, anh Trí đang ngồi trên người đối tượng để khống chế thì bị hiểu nhầm, bị người dân cầm cây đánh cho nhừ tay. Phải mất vài phút, anh mới thoát được khỏi vòng vây đang hiểu lầm anh là cướp.

Bị người yêu bỏ vì “mê” bắt cướp

2 năm qua, “hiệp sĩ” trẻ Phạm Khắc Trí đã nhận được rất nhiều bằng khen của chính quyền các cấp, trong đó có cả bằng khen của Công an TP.HCM. 

Khi được hỏi: “Các anh không phải là lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm bắt cướp chuyên nghiệp, lại không được trang bị vũ khí, khi đối mặt với những tên cướp nguy hiểm có sợ tính mạng bị đe dọa hay sợ bị trả thù hay không?”

Anh Trí nói: “Khi đã quyết định vào đội là không sợ chuyện hiểm nguy, bởi nếu sợ thì không làm. Có khi họ cố tình gây sự để tấn công mình. Tất cả anh em trong đội đều dặn nhau bình tĩnh xử lý.

Anh em cũng chưa bao giờ tính toán thiệt hơn trong chuyện bỏ tiền đổ xăng hay tự trang bị bộ đàm. Chúng tôi chỉ nghĩ tới việc làm sao để giành lại được tài sản cho người bị hại, tóm gọn các tên cướp để giao cho công an để người dân được an toàn khi ra đường”.

“Hiệp sĩ” Trí cũng cho biết thêm, mỗi khi anh em trong đội đi trên đường luôn được anh Long căn dặn nên cẩn thận, những trường hợp nào nên can thiệp. “Khi họ tấn công mình bằng hung khí thì mình mới chống trả, nhưng cũng phải hợp lý, không phải lúc nào cũng có thể đối đầu với các đối tượng ngoài đường”, anh Trí cho biết.

Do hoạt động tự phát nên những lần bị thương, hư hỏng xe, các “hiệp sĩ đường phố” đều phải tự khắc phục. Để đuổi được cướp, xe của họ phải “ngon” hơn hoặc bằng với những chiếc “xế độ” của chúng. Mỗi lần nâng cấp xe thường mất 2-10 triệu đồng. “Những lần truy bắt mình phải tông thẳng vào xe nó. Chẳng may xe hư hỏng phải bỏ tiền túi chưa kể tiền thuốc men nếu bị chấn thương nặng”, anh Trí kể.

Làm một hiệp sĩ đường phố, gia đình nhiều khi là trở ngại khi không muốn người thân phải đối mặt với nguy hiểm thường trực. “Mình làm việc này, được thì thôi nhưng lỡ có chuyện gì thì chẳng ai lo ngoài gia đình nên người nhà can ngăn. Nhưng rồi chứng kiến người dân và ngay cả người thân của mình bị cướp thì không thể khoanh tay được. Cũng vì sợ bố mẹ lo lắng nên trước nay mình toàn giấu.

Giấu giếm gia đình hơn năm trời mà rồi một lần đi bắt cướp “không may” lên báo, bị người yêu đọc được nên bị bố mẹ giận mất mấy tháng. Bây giờ bố mẹ cũng xuôi xuôi rồi nhưng người yêu thì đi rồi, vì cô ấy không thích mình bị nguy hiểm”, anh Trí chia sẻ.

Dù gặp không ít khó khăn như: “tay không bắt cướp”, chưa được công nhận nên khó trong quá trình “tác nghiệp” nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Trí cho biết mình và những “hiệp sĩ đường phố” trong đội cũng như các “hiệp sĩ” khác sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi con đường chông gai và hiểm nguy, để bảo vệ cái tốt, điều thiện, chống lại cái ác đang diễn ra hàng ngày.

Đọc thêm