Chàng "sọ dừa" làm thơ, bán vé số

(PLO) - "Từng chiều em hát cho vơi đi nỗi buồn. Nỗi buồn của em, người lữ khách tha phương...."- ít ai biết tác giả của những vần thơ được phổ nhạc điệu đà như thế là một anh chàng bán vé số với hình thể không hoàn thiện...
Ninh và mẹ (Hình: Mesubim)
Ninh và mẹ (Hình: Mesubim)
Đời tật nguyền cực nhọc
 Trần Phước Ninh (SN 1972, ngụ Xuyên Đông 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cũng chính là tác giả bài thơ “Hát với dòng sông” mà nhạc sĩ Quốc An đã phổ nhạc, trở thành bài hát khá nổi tiếng. Cuộc đời kém may mắn, bất hạnh, đi đứng không bình thường, nói không tròn chữ... nhưng chàng trai tự đứng dậy, không chỉ tự mưu sinh mà còn chứng tỏ sống có ích với đời.Ở xóm nghèo Xuyên Đông 2, nhiều người vẫn ví von Ninh như chàng Sọ Dừa trong truyện cổ tích. Mẹ theo làm vợ nhỏ của 1 người đàn ông trong làng, mong kiếm mụn con. Ninh ra đời, không có diễm phúc biết đến cha. Học giỏi có tiếng, Ninh trở thành 1 trong những học sinh giỏi, năm học lớp 11 còn được đi thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh. 
Oái ăm, vào cuối năm ấy, Ninh bị một trận sốt cao dẫn đến bại não, tê liệt thần kinh… Những tưởng đã bỏ mạng, nhưng sau hơn ba tháng nằm liệt giường, Ninh tỉnh dậy dù tay chân co quắp, khuôn mặt méo mó, dị dạng. Di chứng của trận ốm quái ác theo suốt cuộc đời, Ninh đi đứng không được bình thường, chân cà thọt cà nhắc, câu chữ nói ra bị thiếu hụt như thể nuốt hết vào trong… 
Thương con, mẹ bán hết gia sản để chạy chữa nhưng vẫn vô vọng. Gia đình rơi vào khánh kiệt, không còn tiền để Ninh tiếp tục đến trường. 
Năm 24 tuổi, giận mình bệnh tật ăn bám mẹ, Ninh xin phép gói ghém mấy bộ quần áo, đón xe vào Sài Gòn bán vé số. Số tiền 200 nghìn đồng mẹ dấm dúi cho, 10 năm nơi đất khách, chịu nhiều đắng cay tủi nhục, Ninh vẫn không dám đụng đến. 
Ninh kể lại, 4 năm đầu anh thuê trọ, trải qua không biết bao nhiêu cơn đau hành hạ, đói khát và cả những đau đáu giờ giao thừa nhưng không tiền xe đành lỗi hẹn với mẹ; những lúc bị đám du côn giựt vé số, chân cà thọt không đuổi được, miệng ú ớ không ai nghe, phải nhịn ăn để dành tiền đền đại lý. Sáu năm tiếp, được sư Thích Nhuận Tâm, trụ trì chùa Lá (quận Gò Vấp) và một người tên Oanh đem về cưu mang, bên cạnh nghề bán vé số mưu sinh, Ninh tự tìm vui trong thơ ca. 
Ninh chính là tác giả bài thơ “Hát với dòng sông” mà nhạc sĩ Quốc An đã phổ nhạc, trở thành một ca khúc nổi tiếng. Ninh khiêm tốn cho biết, hồi ấy anh làm thơ như làm một điểm tựa tinh thần để vin vào đó mà vươn lên. 
Khó để tìm được những câu chữ hận đời, than vãn trong thơ Ninh. Họa hoằn lắm, Ninh mới vu vơ với tình yêu như “có thể em đã quên. Chỉ mình anh còn nhớ...”. 
Còn “Hát với dòng sông” với anh, cũng như bao người con xứ Quảng tha phương cầu thực, khi xa quê là nỗi nhớ con sông Thu Bồn bên nhà. “Em ngồi hát bên dòng sông/ Dòng sông nơi xa xôi, nơi đất khách quê người/ Từng chiều em hát cho vơi đi nỗi buồn/ Nỗi buồn của em, người lữ khách tha phương”. 
Trần Phước Ninh từng đoạt giải nhì cuộc thi thơ TP.HCM năm 1999. Năm 2011, đoạt giải ba cuộc thi thơ trẻ quận 1 (TP.HCM). Hiện tại, với gần 200 bài sáng tác, Ninh đã cho xuất bản 2 tập thơ “Tạ lỗi cùng quê” (NXB Văn Học) năm 2011 và “Tình thơ” năm 2014.
Vài năm sau rời Sài Gòn, Ninh về Đà Nẵng tiếp tục bán vé số thêm một thời gian. Năm 2007, Ninh về quê mở quán “Gió lùa”. Bảng hiệu quán đúng với nghĩa đen: Một mái nhà tranh trống hoác được Ninh gắn cho cái tên, bán cà phê. Chỉ có vậy. Khách toàn nông dân, dăm ba nghệ sĩ tìm đến ủng hộ. Nghèo vẫn nghèo. 
Nghèo tới mức mẹ Ninh muốn nhóm bếp nấu ấm nước sôi, không củi đun, cứ thế bẻ dần hết tấm phên tre che nắng mưa. Năm 2011, chính quyền, bà con chòm xóm thấy hoàn cảnh gia đình Ninh quá bi đát, vận động nhau góp tiền xây cho một căn nhà. Có được chỗ ở, khách đến lại thấy bức bách vì thiếu chiếc quạt máy vội mua cho, dòm cái giường ngủ không ra hồn, liền chở tới biếu. Từ đó, “Gió lùa” đổi tên thành “Thi hữu quán”. Bên cạnh cà phê, do nhà gần nghĩa địa, mẹ Ninh còn lọ mọ lấy hương về bán. 
Cho là nhận
Khổ, nghèo đã ám thân. Thế nhưng, nói theo lời của của bà con Xuyên Đông 2, lo cho mình không xong, Ninh lại… đi lo người khác. Hễ các nhà hảo tâm cho Ninh đồng nào, anh lại mang cho những mảnh đời bất hạnh tương tự. 
Mỗi ngày, đói, no gì, từ phần thu nhập ít ỏi từ “Thi hữu quán”, Ninh cũng bỏ ra 3 nghìn đồng, để cuối tháng có 90 nghìn, quá giang xuống Duy Thành (Duy Xuyên) trao cho một trường hợp khuyết tật như mình. Khắp Quảng Nam, nghe đâu có chuyện thương tâm, Ninh “cà thọt cà nhắc” tới. 
Hàng xóm cho biết, có lần nhà hảo tâm cho Ninh 1,5 triệu đồng, buổi sáng biết được, bà con chưa kịp vui vì Ninh có được khoản tiền lo bồi bổ sức khỏe, đến chiều anh đọc báo thấy cảnh hai anh em trai ở tận xã Quế Ninh (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) bị ung thư, mồ côi mẹ sống với ông bà nội, Ninh bám theo xe người quen tìm đến đi trao lại. Do nhà nạn nhân xa, tới trung tâm huyện, Ninh bắt xe ôm đi tiếp, rồi lội bộ. Chuyến đi đó, Ninh còn ngất xỉu vì kiệt sức. 
Nhìn lại cuộc đời của mình, Ninh đáp gọn: “Cuộc đời lạ. Bất hạnh, khổ đau cũng tận cùng nhưng có hạnh phúc, có may mắn. Cứ cho đi sẽ nhận lại được niềm vui…” 
Cũng vì vậy mà từ rất lâu, không chỉ chăm sóc mẹ chu toàn, người dân nơi xóm nhỏ bên dòng sông Thu Bồn còn thường xuyên bắt gặp hình ảnh Ninh miệng méo xẹo tìm đến chăm sóc tận tình cho cụ Trần Thị Miên (85 tuổi tuổi, bị liệt hai chân, sống một mình trong thôn Xuyên Đông 2). Có khi quét dọn nhà cửa, nấu giúp món ăn, hay thi thoảng chỉ ngồi trò chuyện để cụ Miên cảm thấy bớt cô đơn. 
Nói về Ninh, cụ Miên vòng lấy đôi tay ôm Ninh như một cử chỉ biết ơn: “Không có con, chắc bà cũng không vui như vậy được”. 
Hay chuyện chia sẻ với Nguyễn Văn Tùng, một người bạn cũng bị cụt hai chân vì tai nạn lao động, ngụ trong xã. Ninh ngậm ngùi: “Tùng đã bị như vậy nhưng còn gánh nặng nuôi cha già yếu, bệnh tật”. Ninh lấy hai vỏ lon sữa úp lại, mỗi ngày bỏ riêng vào đó 1.000 đồng. Cuối tháng, Ninh nhấc lon lấy ra 30 ngàn đồng giúp bạn. Ngày nào “Thi Hữu quán” đông khách một chút, lon sữa được bỏ thêm 2 ngàn đồng để số tiền giúp Tùng hằng tháng tăng lên. 
“Hễ trong túi thằng Ninh có chừng 200 ngàn đồng, hắn lại đòi đi. Có người còn nói, nó kỳ, lo thân không nổi mà đòi làm từ thiện. Mà từ thiện chi lại đi xe ôm, mỗi lần cho có… 200 nghìn. Nhưng thằng Ninh thì không cho đó là từ thiện. Được bao nhiêu, nó Ninh muốn cho hết bấy nhiêu, giúp người ta. Có bữa bán cà phê mấy ngày trời được 300 ngàn đồng, mà hắn tính trao cho hai phụ nữ neo đơn bệnh tật. Giữa đường tặc lưỡi nói ít quá, liền ghé vào nhà người quen, mượn thêm để mỗi suất đủ 200 ngàn đồng. Hắn rứa đó”, mẹ Ninh cười, nói về con.
Ru em một sợ tình buồn 
Có con bươm bướm trong vườn bay qua
Mười năm trọ chốn phồn hoa 
Mong ngày về lại quê nhà gặp em
Mười năm nỗi nhớ dày thêm 
Rưng rưng nước mắt trong đêm tình cờ 
(Ca dao ru người tình cũ, thơ Trần Phước Ninh)
Giữa Sài Gòn có kẻ sống xa quê
Chiều ba mươi khóc thầm nơi đất khách 
Giờ giao thừa chỉ còn trong khỏanh khắc 
Chuyến tàu về con hẹn chuyến tàu sau
Tết năm nay con không về kịp đâu
Thương đôi mắt mẹ già mòn mỏi đợi 
Giữa phố xá đông người con chới với 
Đành nhủ lòng… phải kiếm sống mẹ ơi 
(Chiều 30 Tết, thơ Trần Phước Ninh) 

Đọc thêm