Chúng ta cần “hoa hồng” cho những ngày mới bắt đầu…

(PLVN) - Câu chuyện anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) tìm cách cứu em bé 3 tuổi treo lơ lửng ở lan can chung cư tầng 12 rồi rơi xuống mái tôn đã trở thành món quà ấm áp với đông đảo người Việt Nam trong đêm 28/2/2021. Anh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, và được báo chí nước ngoài đưa tin. Tuy nhiên, ngay sau đó là những phân tích mổ xẻ gây tổn thương, như lẽ thường thấy sau những tung hô của đám đông…
Với Mạnh, làm người cha tốt quan trọng hơn sự nổi tiếng.
Với Mạnh, làm người cha tốt quan trọng hơn sự nổi tiếng.

Một người cha tốt, quan trọng hơn sự nổi tiếng

Ngay trong sáng 1/3/2021, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có thư khen. Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã tặng Bằng khen cho anh Nguyễn Ngọc Mạnh. Đó là sự ghi nhận kịp thời của người đứng đầu Thủ đô đối với hành động dũng cảm này,

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thư khen gửi anh Nguyễn Ngọc Mạnh. Thư của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi rõ: “Tôi rất xúc động được biết tin, trong ngày 28/2/2021, em Nguyễn Ngọc Mạnh đã nhanh trí, dũng cảm và kịp thời cứu được cháu bé bị ngã từ tầng 12, chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Tôi đề nghị UBND thành phố Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương biểu dương, khen thưởng em Nguyễn Ngọc Mạnh để ngày càng có nhiều tấm gương về nghĩa cử cao đẹp, lòng tốt và tình nhân ái lan tỏa rộng khắp trong xã hội chúng ta”. 

Vốn là một người lái xe tải chở hàng hóa bình thường, khi đang đợi công việc gần một tòa chung cư, anh đã bất ngờ nghe những âm thanh lạ. Ban đầu là tiếng hô hoán. Tưởng như có em bé nào bị bố mẹ la rầy anh không để ý.

Nhưng rồi anh phát hiện có một em bé bò ra lan can một căn hộ ở tầng 12A (tức tầng 13) của tòa chung cư số 60B Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và sắp bị rơi xuống. Trong khoảnh khắc cực kỳ nguy hiểm, như một bản năng, một mệnh lệnh cứu người thôi thúc, anh đã nhanh chóng lao qua bức tường cao 2 mét, điều mà sau này chính anh cũng cho biết không thể ngờ mình nhảy cao như thế, trèo lên mái che của sảnh tầng 1 để chờ sẵn. 

“Mái tôn là mái che của một lối dẫn xuống khu vực để xe, nên bị nghiêng. Tôi vừa cố trèo, vừa đưa tay ra cố gắng đỡ cháu. Điều tôi thấy hối hận nhất là không thể đỡ cháu được bằng cả hai tay để giảm thương tích cho cháu”…

Cuộc sống của anh Nguyễn Ngọc Mạnh sau khi cứu cháu bé cả đêm điện thoại cháy máy bởi những cuộc gọi, tin nhắn cảm ơn, bày tỏ lòng ngưỡng mộ được gửi đến anh. Facebook trước đây chỉ có vài chục lượt thích nay tăng lên hàng chục nghìn người thích, bỗng dưng trở thành người nổi tiếng, được gọi là “người hùng”, “superman” nhưng anh Mạnh thẳng thắn chia sẻ: “Tôi sẽ trở về với cuộc sống, công việc thường ngày của mình. Phấn đấu luôn trở thành một công dân có ích cho xã hội, người cha, người chồng tốt của gia đình là điều còn quan trọng hơn sự nổi tiếng…Lời khen của mọi người, quà tặng của các mạnh thường quân em xem đó là gánh nặng... đừng kéo em lên 9 tầng mây, cao quá em đi không được... việc em làm rất bình thường, mọi người đừng gọi em là anh hùng”...

Không ai “dọn sẵn” để thành… người hùng

Khi trên khắp các diễn đàn, trang mạng xã hội, hình ảnh và câu chuyện dũng cảm của Nguyễn Ngọc Mạnh đang được chia sẻ rầm rộ. Ngay khuya 2/3, trên trang Facebook cá nhân, Nguyễn Ngọc Mạnh chia sẻ lại video quay góc trực diện với dòng trạng thái: “Đây là một video mà mình mới nhận được. Thông qua video mọi người đều thấy được mình không hoàn toàn đỡ được em bé, sự việc xảy ra quá đột ngột, mình đã không nhớ rõ được hết các chi tiết. Thành thật mong mọi người thông cảm”.

Đoạn clip dài hơn 30 giây đã ghi lại cảnh anh Mạnh trèo tường, leo lên mái tôn để chuẩn bị đỡ bé gái. Góc quay này chính diện cho thấy, sau khi dùng hết sức nhảy qua hàng rào cao 2m và trèo lên mái tôn, phán đoán, xác định hướng rơi của bé gái, anh Mạnh bị trượt chân ngã. Khi bé gái rơi từ tầng cao xuống, chỉ một phần cơ thể bé chạm được vào tay Mạnh, sau đó nảy lên và rơi xuống hoàn toàn. Ngay lập tức, anh Mạnh bò tới ôm bé gái vào lòng và tìm cách đưa cháu bé xuống dưới để mọi người đưa đi cấp cứu.

Và rồi nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận từ góc quay này, có ý kiến cho rằng, nhờ cú đỡ một phần của anh Mạnh nên chấn thương của bé gái giảm bớt. Bên cạnh đó, nhiều người sau đó đã mổ xẻ, phân tích từng hành động trong video và lập tức quay ngoắt thái độ, kết luận rằng “anh Mạnh không hoàn toàn là người đỡ cháu bé”, “chính mái tôn đã giúp cháu bé thoát chết”... cay nghiệt hơn có người còn nói “anh này nhận vơ công lao về mình”.

Trong khi chỉ mới hôm qua, tất cả đều xôn xao gọi anh là người hùng, vào tận trang cá nhân của anh, chia sẻ mọi thông tin cá nhân của anh để “cảm ơn”, phỏng vấn tất cả các thành viên trong gia đình anh, gọi điện thoại cháy máy đến mức anh ấy sợ phải tắt nguồn điện thoại.  

Trước ý kiến trái chiều từ dư luận, ca sĩ Thái Thùy Linh đã thẳng thắn đưa ra góc nhìn rõ ràng về sự việc. “Tôi nghĩ lúc ấy bản năng cứu người đã bật công tắc cho toàn bộ năng lực của Mạnh phát tiết hơn cả 100%. Việc cháu bé bị chệch vài chục cm so với vị trí của Mạnh là ngoài mong mỏi của cậu ấy. Những 12 tầng. Ngửa cổ nhìn lên có khi còn hoa mắt chóng mặt chứ đừng nói căn được chính xác cháu bé rơi xuống chỗ nào.

Còn trong tình huống này, rõ ràng là Mạnh không chút mảy may tránh né hay phản xạ kiểu sợ hãi (như chúng ta thường có khi bất kì vật thể nào lao vào tới mình). Cậu ấy hoàn toàn chủ động sửa soạn tư thế để đỡ cháu bé vào mình, với đôi tay giang ra và đôi chân đứng vào thế chắc chắn nhất có thể, lúc ấy.

Cháu bé rơi không trúng Mạnh mà chỉ sượt qua tay cậu ấy là may hay không may? Tôi khẳng định là 1.000 lần may. Vì nếu cháu bé “may mắn” rơi trúng Mạnh như chúng ta tưởng, thì có lẽ kết quả cuối cùng đã không tốt đẹp đến kì diệu được thế này.

Có thể là chấn thương sẽ nặng hơn, nhiều hơn. Như vậy, mọi việc đều đã xảy ra tuyệt vời và hoàn hảo đến mức khó tin, như thể vũ trụ đã sắp xếp: không thiếu, không thừa, tưởng lệch mà thực ra quá chuẩn. Và  quan trọng: người tốt vẫn là người tốt, rất tốt. Kim cương vẫn là kim cương, không có gì thay đổi!

Chỉ có điều, xin hãy tôn trọng cậu ấy và để cậu ấy được làm một người lao động, một ông bố trẻ với đầy đủ ưu và khuyết như mọi người bình thường, như trước đây cậu ấy đã từng vậy. Xin hãy đừng bắt cậu ấy từ giờ phải sống như một tấm gương đạo đức mà bạn mong muốn hay như một người hùng trong phim”... 

Cùng với đó, nhà báo Nguyễn Hồng Lam bày tỏ: “Đúng lúc, đúng chỗ, làm đúng việc, người bình thường sẽ hóa anh hùng. Đó là khi anh Trần Văn Tròn, 20 tuổi ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nghe tiếng kêu cứu đã nhanh chóng lao ra biển và cứu sống được 3 em học sinh từ sóng dữ. Đó là khi hai nhân viên nhà hàng Mỹ Khê, anh Phạm Văn Phó, chị Lê Thị Hồng Tâm ở Tịnh Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi lao ra sóng dữ cứu người. Anh Phó bị nước cuốn, không qua khỏi. Chị Tâm đuối sức, bị sóng đánh chấn thương sọ não.

Không ai có thể dọn sẵn cho mình để thành người hùng cả. Chỉ hành động nói lên phẩm chất, giúp người bình thường lập kỳ công và trở thành những anh hùng giản dị giữa đời thường. Anh thanh niên Trần Văn Tròn chỉ xót xa, tiếc nuối vì đã quá đuối sức, không kịp để cứu sống nạn nhân thứ 4. Người hùng Nguyễn Ngọc Mạnh, đã rất sợ hãi khi thấy máu chảy ra từ miệng em bé nạn nhân.

Người bình thường trở thành anh hùng khi toàn bộ bản chất thiện lương, quả cảm trong họ trỗi dậy, tạo nên năng lượng phi phàm để cứu giúp kẻ khác  trong khoảnh khắc. Phần còn lại, họ bình thường, và hãy để họ bình yên với những lựa chọn, và có thể những sai lầm bé mọn”…

Đã có lúc chúng ta chứng kiến ngoài đường phố, trên mạng xã hội nhiều sự việc, tai nạn chỉ do một giây bất cẩn, hay một vụ đánh nhau từ nguyên nhân nào đó... Cuộc sống luôn có những bất trắc, nên con người luôn coi tấm gương quên mình như những “siêu nhân” bất ngờ xuất hiện mang lại điều lành.

“Siêu nhân” chính là lòng tốt và sự dũng cảm của con người được nhân lên nhiều lần và sẵn sàng vì người khác. Nhờ những người như vậy mới có những em nhỏ được cứu sống, người chết đuối được hồi sinh, kẻ yếu thế thoát khỏi sự truy bức của bọn côn đồ...

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Hậu, lòng trắc ẩn, lòng tốt “bản năng” rất dễ bị tổn thương do những va chạm trong đời sống, càng nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội thì “bản năng gốc” tốt đẹp càng “ẩn trốn” kỹ hơn trong sâu thẳm của tâm thức... nếu không được ủng hộ và nuôi dưỡng thì con người khó có thể bộc lộ những hành xử tốt. 

Và xin hãy để lòng trắc ẩn, sự thiện lương, những cao đẹp trong cuộc đời được hiện diện. Khi mà ngoài “bánh mì”, chúng ta cần “hoa hồng” tỏa hương, cần lòng trắc ẩn của con người cho những ngày mới tốt đẹp… 

Đọc thêm