Chuyện “yêu xa” của người Viettel

(PLO) -"Thương một người ở xa, một mình đôi mắt đỏ, con thuyền đi sóng vỗ, sông nước sao đôi bờ", tôi đã rơi nước mắt khi nghe em hát trong một đêm Niassa lạnh cóng. Khi ấy ở Việt Nam đang là 3 giờ sáng và người em yêu hẳn đang trong giấc ngủ, có lẽ cô ấy cũng đang mơ về Phi Châu như em đang mơ về "một Hà Nội ngây ngất gió, một Hà Nội run run heo may"...
Chuyện “yêu xa” của người Viettel

"Khi thị trường cần, họ biết sống xa nhau"

"Công tác xa nhà như thế này, chắc nhớ người yêu lắm nhỉ", sáng sớm hôm sau, vẫn trong cái lạnh cóng của tiết trời Niassa đầu đông, tôi trêu Đỗ Đình Quang, PGĐ kinh doanh của chi nhánh này, cũng là người run run hát "thương một người ở xa" cho tôi và các đồng nghiệp từ Việt Nam sang nghe đêm qua. Anh chàng người quê Bắc Giang lúng túng, có phần ngượng bởi "phút yếu lòng" của mình và bảo "cuối năm em sẽ về Việt Nam, nếu cô ấy vẫn còn đợi, bọn em sẽ tổ chức đám cưới".

Quang là một trong số hàng trăm cán bộ trẻ của Tập đoàn Viettel tình nguyện sang làm việc ở thị trường Mozambique từ khi liên doanh Movitel bắt đầu đi vào hoạt động. Trước khi nhận nhiệm vụ đi thị trường - cách người Viettel gọi hoạt động đi làm việc ở nước ngoài của cán bộ, nhân viên Tập đoàn- Quang mới chỉ kịp có bạn gái mà chưa kịp tiến tới hôn nhân. "Ơn giời là tới giờ này cô ấy vẫn yêu thương và chờ đợi em", Quang hài hước nói.

Chuyện của Quang không phải hy hữu,"khi thị trường cần, họ biết sống xa nhau"dường như là một quan niệm mà mỗi người Viettel đều rất "thấm" nhuần.

Trần Trung Hiếu, giám đốc chi nhánh Tete cùng các cộng sự bán hàng ở chợ phiên, anh đã sang công tác tại thị trường Mozambique 4 năm
Trần Trung Hiếu, giám đốc chi nhánh Tete cùng các cộng sự bán hàng ở chợ phiên, anh đã sang công tác tại thị trường Mozambique 4 năm 

Trần Trung Hiếu, giám đốc chi nhánh Tete lăn lội ở thị trường này hơn 3 năm qua. Hỏi thăm chuyện gia đình, anh chỉ nói giản dị "có 2 con còn nhỏ". Hỏi vợ có "trách móc" vì chồng ở xa không đỡ đần được những khi cần không, Hiếu cười hiền: cũng có lúc cô ấy vất vả quá thì chạnh lòng trách móc nhưng cơ bản là tư tưởng thông suốt. Tôi cũng phải làm công tác tư tưởng cho vợ con trước khi đi vì "tư tưởng không thông thì đeo bình tông cũng nặng".

Nguyễn Hải Hòa, giám đốc chi nhánh Niassa của Movitel cũng đằng đẵng ở thị trường nghèo khó bậc nhất Mozambique này trong khi "hậu phương" của anh tần tảo chăm con, phụng dượng cha mẹ hai bên mà không nửa lời ca thán hay hờn trách. Nhờ có sự "hậu thuẫn" của vợ con, Hòa luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chi nhánh Niassa luôn ở "top" đầu của Movitel cả về tăng trưởng thuê bao cũng như doanh số.

Một buổi bán hàng tại chợ phiên chi nhánh Niassa
 Một buổi bán hàng tại chợ phiên chi nhánh Niassa

"Chiếc ghế buộc ruy băng" và "bà mối" "bắc cầu hạnh phúc"

Hôm đến thăm trung tâm điều hành của Movitel tại Thủ đô Maputo, nơi có khoảng hơn 400 nhân viên người Việt lẫn người Mozambique làm việc, tôi được mời ăn cơm trưa tại căng tin của công ty. Bước vào phòng ăn, tôi được "chỉ định" ngồi vào chiếc ghế có buộc chiếc ruy băng màu hồng phía sau.

Giải thích cho sự "ưu ái" đặc biệt này, đại tá Nguyễn Đức Quang, TGĐ Movitel cho biết nhân viên nữ ở đây khá ít ỏi lại thường ngần ngại mà ngồi co cụm với nhau từng bàn riêng. Nhận thấy điều này, Ban Giám đốc rất muốn thay đổi để không khí chan hoà vui vẻ hơn. Tuy nhiên, đó dù sao cũng là việc cá nhân, không thể dùng mệnh lệnh hành chính.

Và thế là một sáng kiến được đưa ra: ở mỗi bàn ăn, sẽ có 1 chiếc ghế buộc ruy-băng màu hồng. Các nhân viên nữ được đề nghị ngồi vào chiếc ghế trang trí rất dịu dàng ấy. Sáng kiến này lập tức phát huy hiệu quả: từ đó, các nhân viên nữ không còn co cụm mà chia đều ra các bàn ăn cùng các nhân viên nam. Điều đó tạo ra không khí mềm mại, ấm cúng, mà chỉ có những người phụ nữ mới mang lại được.

Bữa cơm trưa hôm đó trên chiếc ghế có buộc ruy băng của tôi trở nên nghẹn ngào, giống như tâm trạng khi tôi và các đồng nghiệp nhìn qua ô cửa sổ phòng ở của cán bộ, nhân viên chi nhánh Niassa thấy các anh con trai tự là quần áo mà cái áo nào cũng có 2 nếp ly.

Hồng Ngọc trong hành trình bay từ Việt Nam sang thăm chồng ở Mozambique
Hồng Ngọc trong hành trình bay từ Việt Nam sang thăm chồng ở Mozambique 

Và tôi cũng chợt nhớ, trên chuyến bay từ Hà Nội sang Maputo, đoàn của tôi có một cô gái có gương mặt hiền lành, mộc mạc. Em tên là Hồng Ngọc, được Tập đoàn "ưu tiên" cho đi thăm chồng đang công tác ở một chi nhánh thuộc Movitel ở Mozambique. Được biết đây là một chính sách của Tập đoàn Viettel nhằm "bắc cầu hạnh phúc" cho những cặp vợ chồng vì nhiệm vụ thị trường mà đi công tác xa khi chưa kịp có con.

Lúc chia tay Ngọc ở sân bay, anh em ở Viettel chỉ "nhắn nhủ": sớm có em bé nhé. Câu nói giản dị mà người đi, người ở cứ rưng rưng suốt dọc đường đi.

Thay lời kết

Quang hẹn "cuối năm em về cưới vợ, chị nhớ tới dự bữa cơm thân mật chia vui với tụi em nhé". Bây giờ mới là tháng 7, còn tới nửa năm "thử thách" nhưng tôi tin rằng Quang sẽ có một happy ending cho chuyện tình của mình, bởi vì em và cô gái ấy, cũng như bao người vợ Viettel xa chồng, bao người chồng Viettel thầm "thương một người ở xa" như em, xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Và bởi, "vẫn có những điều thơ mộng trên đời này, cho những ai xứng với nó*

* trích "Hoa violet ngày thứ tư" - Andre Maurois

Đọc thêm