Cô gái tốt bụng đi khắp Sài Gòn phát cơm từ thiện

(PLO) - Mỗi tuần một lần, cứ vào tối thứ Năm, người lao động, vô gia cư ở TP.HCM lại đón nhận những phần cơm, cháo, bánh từ một nhóm từ thiện. Người khởi xướng nhóm từ thiện là một phụ nữ từng có một tuổi thơ đầy bất hạnh.
“Thủ lĩnh” của nhóm hoạt động thiện nguyện tâm sự từng có một tuổi thơ cùng cực
“Thủ lĩnh” của nhóm hoạt động thiện nguyện tâm sự từng có một tuổi thơ cùng cực
Trong suốt bảy năm qua, chị Đinh Thị Ngọc Linh (SN 1982, ngụ quận 8, TP HCM) đã ra sức tạo dựng, phối hợp cùng những tình nguyện viên làm nhiều việc giúp đỡ những người vô gia cư. 
Chị Linh sinh ra trong một gia đình nghèo ở quận 4, bố đạp xích lô, buôn bán sắt vụn, mẹ vì sức khỏe yếu nên ở nhà nội trợ. Gia đình khó khăn, Linh nghỉ học từ năm lớp Sáu. Hai đứa em sau cũng vậy. Mới 12 tuổi, Linh đã phải đi làm giúp việc cho những nhà giàu trong xóm. 
Đến năm 2000, ngôi nhà bị giải tỏa, gia đình về quận 8. Cũng từ đây, bắt đầu những bất hạnh ập đến. Năm 2003, bố chị Linh là ông Đinh Thế Tý phát bệnh tâm thần do làm việc quá mức. Ông bắt đầu những ngày lang thang khắp các phố phường. 
Gia đình đi tìm, lần nào cũng bắt gặp ông đang bới móc thùng rác tìm thức ăn. Nhưng về nhà được vài hôm, ông Tý lại bỏ nhà tiếp tục lang thang.
“Lúc ấy tôi đang làm nhân viên cho một khách sạn, công việc thu nhập khá cao nhưng phải lo cho hai em và cha nên rất chật vật. Cha tôi được đưa vào điều trị ở bệnh viện tâm thần. Sau một thời gian, bệnh tình tiến triển tốt, được về nhà, cha tôi lại tiếp tục đi đạp xích lô. Nhưng oái oăm căn bệnh tâm thần cứ hết rồi lại tái phát, những lúc tái phát, cha tôi bỏ nhà đi hàng tuần lang thang, mệt ngủ lại vệ đường, đói moi thùng rác”, chị Linh kể.
Từ đây, cái tâm làm từ thiện của chị Linh bắt đầu. Những ngày cha tỉnh táo, nhà có dư được vài ba đồng, chị vận động các đồng nghiệp trong khách sạn mỗi người một ít mua gạo phát cho người nghèo ở quận 4. Đó là vào năm 2009, là lần đầu tiên chị Linh làm thiện nguyện. 
“Vì ít tiền nên lâu lâu chúng tôi mới tổ chức một lần. Còn đi ra đường thấy người nào ăn xin, nghèo khổ, tôi luôn dừng lại cho họ đôi ba chục ngàn. Không ai bắt mình cho, nhưng nhìn họ, tôi thấy chạnh lòng” chị Linh chia sẻ.
Các tình nguyện viên phát cơm cho những người vô gia cư
 Các tình nguyện viên phát cơm cho những người vô gia cư
Một đêm đi làm về khuya, nhìn những người vô gia cư, chị nhớ tới người cha những lúc lang thang, ngủ vỉa hè, đói khát. Một lần chị Linh đăng tải những hoạt động thiện nguyện của mình lên facebook, một người hảo tâm đã gửi tặng 1 triệu đồng. Cũng từ đó nhiều người khác đóng góp, chị bắt đầu lập quỹ, dùng số tiền đó giúp đỡ người lang thang.
Từ lâu nay, cứ mỗi tuần, hoạt động phát cơm miễn phí diễn ra vào tối thứ Năm. Công việc của nhóm bắt đầu từ 16h chiều. Vì không thành lập nhóm cụ thể nên đa số các tình nguyện viên là sinh viên, lúc nào rảnh thì sang phụ giúp. Công việc nấu nướng 300 phần thức ăn do mẹ chị Linh đảm nhận.  
Cuộc nấu nướng luôn đầy ắp những tiếng cười. Các tình nguyện viên ai cũng nhiệt tình làm việc. Thức ăn được chia phần trong các hộp xốp cùng một chai nước suối. Do thức ăn, cơm, cháo được nấu tại nhà nên đảm bảo vệ sinh, còn nóng sốt. Khoảng 20h, cả nhóm xuất phát, chia nhau nhiều tuyến đường trong thành phố, mỗi tuần một quận.  
Công việc phát thức ăn kéo dài đến tận 3h sáng. Những bạn tình nguyện viên dù mệt bơ phờ nhưng vẫn vui tươi, cuối buổi tập trung nghe nhận xét công việc rồi mới ra về. 
Các tình nguyện viên phát cơm cho những người vô gia cư
 Các tình nguyện viên phát cơm cho những người vô gia cư
Chị Linh nói: “Nhiều tình nguyện viên nhiệt tình đến mức không cần phải kêu gọi, cứ gần đến ngày thứ Năm là họ tự động liên hệ nhận công việc”.
Ông Thanh (60 tuổi, một người vô gia cư nhiều năm nay) tâm sự: “Cuộc đời khốn khổ thế này cũng do tôi. Hồi xưa nhà cửa đường hoàng lắm, nhưng rồi mê cờ bạc, số đề. Mấy năm trước, căn nhà bị chủ nợ siết nợ. Con cháu không có nên tôi đành ăn xin gần 10 năm nay. 
Tôi đi xin khắp thành phố, gặp nơi nào ngủ nơi ấy chứ không cố định. Bây giờ không dám về xóm cũ xin ngủ nhờ, may mà còn có những nhóm tình nguyện cho thức ăn”. 
Ngồi bên cạnh, chị Linh động viên vỗ về ông: “Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi số phận, nhưng bác yên tâm vì còn có chúng con sẽ luôn giúp đỡ”./.

Đọc thêm