Con giết cha và những giọt nước mắt rơi rớt của những phận người bất lực

(PLO) -Không phải bẩm sinh mà càng lớn, Vũ Văn Minh (SN 1961) càng có biểu hiện của tâm thần không bình thường. Gia đình nông thôn nghèo, họ đành bất lực, chấp nhận số phận “trêu ngươi” đứa con trai đầu lòng. Thế nhưng, sự sắp đặt của số phận tréo ngoe đó lại cứ thế đeo đẳng Minh cho đến tận giờ, khi anh dần chẳng còn chút nhận thức mà lỡ tay đánh bố đẻ đến chết…
Bệnh tật khiến bị cáo Vũ Văn Minh tỏ ra đau đớn, vẹo vọ trước tòa
Bệnh tật khiến bị cáo Vũ Văn Minh tỏ ra đau đớn, vẹo vọ trước tòa

Hoàn cảnh éo le

Có lẽ, bắt nguồn của sự việc là từ đói nghèo, bệnh tật đeo đẳng nên mới sinh ra sự việc đau lòng như ngày hôm nay. Vẫn biết rằng không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh nhưng với trường hợp này, nếu không phải do số phận sắp đặt thì chắc sẽ chẳng nảy sinh thảm cảnh con giết cha, gia đình ly tán như vậy…

Tìm hiểu ra, từ ngày đứa con đầu lòng bị bệnh tật đeo bám, bố Minh - ông Vũ Văn Khuê (SN 1931) cũng sinh trái tính. Và cũng kể từ ngày mẹ Minh mất, cả Minh lẫn ông Khuê lại càng lún sâu vào rượu chè. “Trong nhà lúc nào cũng có hai người say, mà say là sinh chuyện chửi bới lẫn nhau” – bà Lê Thị Thà, vợ bị cáo Minh rầu rĩ. 

Bà Thà còn kể, những lúc bị cáo tỉnh táo, vợ con đều khuyên can nên lựa tính cụ, cụ hay chửi bới thì coi như không biết, không nghe. Nào ngờ, khoảng 14h ngày 17/4/2014, khi cả nhà đều đi làm hết, Minh đang nằm ngủ thì tiếng ông Khuê lại lè nhè say rượu chửi bới, nói lời khó nghe rồi từ đâu chạy lại, tay cầm một chiếc gậy gỗ liên tục đánh vào người Minh.

Bị ức chế lâu ngày, lại bị đánh đau, Minh vùng dậy chạy ra sân, ông Khuê tiếp tục đuổi theo, hai bố con giằng co nhau chiếc gậy gỗ. Do tuổi cao sức yếu mà ông Khuê bị ngã ngửa ra sân, làm rơi chiếc gậy. Được đà, Minh vớ chiếc gậy và viên ngói đánh vào người ông Khuê. Ông Khuê tử vong.

Ít phút sau, bà Lê Thị Thà (con dâu bị hại, vợ bị cáo – pv) đi làm đồng về thấy bố chồng nằm bất tỉnh thì cuống cuồng hô hoán hàng xóm đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng nên ông Khuê đã tử vong vào hồi 15h15 cùng ngày.

Phiên tòa chóng vánh

Khác với những phiên xử có tội danh truy tố tương đương thường được tính thời gian hàng giờ đồng hồ thì phiên xử hôm nay lại chỉ bằng một phần thời gian ấy… Phần vì diễn biến được điều tra ghi chép rõ ràng và phần nhiều là do bị cáo mắc chứng nặng tai, hội đồng xét xử hỏi một đằng, bị cáo lại “rành rọt” trả lời một nẻo. 

Tại tòa, bị cáo nom nhăn nhó, đau đớn bởi bị nhiều bệnh tật dày vò, phần bởi hoàn cảnh bị cáo quá éo le và cũng đã thành khẩn thừa nhận toàn bộ tội trạng nên ngoài hội đồng xét xử, Viện kiểm sát hay cả luật sư cũng không hỏi gì thêm. Phiên xử kết thúc khá nhanh, khá sớm.

Khi được cho nói lời sau cùng, bị cáo Minh chỉ xin hội đồng xét xử cho về để điều trị bệnh tật: “Ở trong trại giam khổ quá, bị cáo không ăn được, không ngủ được, cơ thể đau nhức vô cùng”. Bị cáo “hồn nhiên” đề nghị khiến vị chủ tọa cũng không khỏi cảm thông với gia đình, ông ân cần giải thích:

“Hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, bị cáo đã tước đi mạng sống của chính người thân sinh ra mình, gây đau thương, tang tóc, ly tán cho gia đình, gây phẫn nộ trong dân cư thì làm sao cho bị cáo về được”.

Mặc dù vậy, xét đến nhân thân và hoàn cảnh phạm tội của bị cáo, sau khi nghị án, hội đồng xét xử vẫn quyết định dành một bản án khoan hồng để bị cáo sớm được trở về với xã hội. Do đó, bị cáo Minh sẽ phải chấp hành hình phạt 7 năm tù về tội danh “Giết người” theo điểm đ, khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự.

Những phận đời ở lại.

Rầu rĩ và mệt mỏi là tất thảy những gì hiện lên trên khuôn mặt khắc khổ của người vợ gầy guộc, bà Lê Thị Thà thều thào nhớ lại những tháng ngày cả hai bố con (tức bị cáo và bố chồng mình) quẩn quanh, ngày nào cũng rượu: “ông cụ có tuổi mà cứ rượu nên người cũng bắt đầu phát bệnh, cũng bắt đầu đau ốm. Nhưng thấy bố uống thì ông Minh cũng tập theo làm thần kinh gần như không khi tỉnh táo”. 

Hướng đôi mắt ra xa, bà Thà cho hay vào buổi chiều ấy, bỗng dưng ông Khuê đi từ đâu về lại buông lời chửi bới bị cáo không biết giữ vợ, để vợ đi tìm hạnh phúc bên ngoài: “bình thường bố con chỉ to tiếng những chuyện không đâu, không biết hôm ấy ông cụ gặp chuyện gì mà lại về rủa mắng như thế”, bà chợt ngưng lại rồi ngập ngừng rằng ông Khuê bảo bà có quan hệ bất chính, ngoài luồng là do Minh không biết giữ… sự việc không có thật nhưng trong cơn say ông cụ chửi bới lại đánh đập đau đớn, bất ngờ khiến Minh kích động gây ra hành vi đáng tiếc mà còn khiến dân làng đặt điều nghi ngại “không có lửa làm sao có khói”…

“Các cô chú hiểu cho, nhà có hai đứa con lớn, cũng đã lập gia đình riêng từ lâu, còn 3 ông con thì 2 người lúc nào cũng như trên mây trên gió, tất cả mọi lo toan mình tôi gánh vác thì tâm trí nào mà bồ bịch…” – nghe những lời bà Thà phân trần, chúng tôi cũng không giấu được những ánh nhìn ngần ngại…

Quả thật, trông dáng bộ gầy gò, đen nhẻm, lúc nào cũng vội vã, tất bật của bà thì chắc hẳn chẳng có thời gian mà vẩn vơ chuyện khác. Thế nhưng sau sự vụ đau lòng ấy, xóm làng chẳng mấy ai chịu chia sẻ cùng bà. Ai tốt thì chỉ chép miệng bảo thương, ai xấu thì đặt điều thêu dệt:

“Họ đồn rằng tôi có quan hệ với một người đàn ông xóm khác nên mãi đến giờ ông cụ mới biết, mới tức giận thế chứ không thì sao giờ ông cụ lại nói vậy khi mà từ trước đến nay có khi nào ông cụ không say…” 

Cuộc sống đã nhiều mệt mỏi, nay lại chịu điều tiếng thêu dệt, bà Thà buồn rầu đến hao gầy… thế nhưng khi vị chủ tọa cho phép bà được phát biểu trước tòa, bà không giấu nổi những giọt nước mắt ái ngại xin tòa đừng chấp thuận đề nghị của Minh:

“xin tòa xử theo pháp luật, đừng để bị cáo về vội bởi lẽ ngày nào ông ấy cũng say, không say thì cũng hiếm khi tỉnh táo. Lúc nào khỏe mạnh lại uống rượu rồi đánh vợ con, đập đồ đạc. Lúc nào tỉnh táo là lại mang đồ đi bán lấy tiền uống rượu”.

Bà Thà còn cho biết, trước kia lúc nào cũng phải có người ở nhà trông nom sợ ông cụ Khuê và Minh gây rối hay làm càn ở nhà nhưng rồi cũng khó khi chẳng thể mãi ngồi trông như thế. Gia đình cũng chỉ mới rời ra ít hôm thì sự việc trên kéo đến:

“tỉnh táo được như người ta thì sau khi đánh ông cụ, ông Minh đã chẳng lấy nước dội đi cho bớt máu ở sân, đã chẳng bỏ vào nhà hút thuốc lào như không. Nếu tôi không về kịp, chắc ông cụ cũng sẽ phải nằm đấy cho đến chết…”. 

Phiên tòa khép lại, chẳng có gì nhiều “dấm dúi” cho chồng ngoài dăm ba hộp sữa với cái bánh mỳ. Vẫn biết là trái quy định nhưng cán bộ tư pháp cũng cảm thông, tạo điều kiện.

Nhìn chồng ăn vội miếng bánh mà trực nghẹn, bà Thà thẫn thờ rớt nước mắt từ khi nào không hay: “biết để ông đi tù là khổ nhưng ông về bây giờ, tôi cũng khổ theo. Thôi để ông đi mấy năm, tôi ở nhà làm lụng tích cóp, ông ra thì đi chữa bệnh nhé…” 

Đọc thêm