Đã là một tượng đài

(PLO) -Thông tin cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô, người hiến tặng Nhà nước 5.147 lượng vàng trong Tuần lễ vàng (năm 1945), qua đời làm nhiều người tiếc thương nhưng không khỏi ngỡ ngàng, dẫu vẫn biết sinh – lão – bệnh – tử là “quy luật muôn đời”.
Đã là một tượng đài

Trong những năm tháng khó khăn nhất của đất nước, ông Trịnh Văn Bô - một nhà tư sản giàu có đã thể hiện tình cảm, tinh thần yêu nước rất nhiệt thành qua việc đóng góp số lượng vàng “khủng” cũng như nhường nhà cho cán bộ ở. Bên cạnh đó, bản thân ông Bô đã đi đầu, tích cực vận động nhân dân quyên góp tiền cho cách mạng, phục vụ đất nước, đây là việc làm rất hiếm có.

Có thể nói những đóng góp, cống hiến vật chất cho cách mạng, cho đất nước của gia đình ông Trịnh Văn Bô là rất to lớn, vô cùng quý giá, đáng trân trọng, khâm phục.  

Những người tiếc thương sự ra đi của bà Hoàng Thị Minh Hồ đã được an ủi ít nhiều khi biết Lễ tang của cụ Hoàng Thị Minh Hồ sẽ được cử hành vào trưa 14/11 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng - số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội và Nhà tư sản Trịnh Văn Bô (1914-1988) được Hà Nội dự kiến đặt tên cho đoạn đường dài 1,2 km trên địa bàn quận Cầu Giấy.

Đó là điều cần thiết và đáng trân trọng như chính cuộc đời đáng phải tôn trọng của vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ. Hoàn cảnh lịch sử không lặp lại để xuất hiện những con người có những hành động “phi thường” này.

Điều này hoàn toàn có cơ sở để khẳng định nhất là trong thời đại là “văn minh đồng tiền”, thờ phụng “chủ nghĩa vật chất” trong quan niệm của không ít người hiện nay.

Cách đây vài hôm Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng. Những câu nói không mới: tham nhũng ở Việt Nam lây lan nhanh hơn virus đã khẳng định một thực tế, càng phòng, chống tham nhũng càng phát triển. Đại biểu không phải là đảng viên, ông Dương Trung Quốc bày tỏ “gan ruột”, theo ông, với giặc ngoại xâm không có trận nào là trận cuối cùng, nhưng với sự tồn vong của chế độ, của đảng cầm quyền thì đây là “trận đánh cuối cùng”. Đáng lo ngại, tham nhũng vẫn đang biến thái hết sức giảo hoạt.

Trong hoàn cảnh đó, sẽ khó xuất hiện lại những tấm gương như ông bà Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ.

Tuyên truyền, tôn vinh những người có hành động cao quý, đóng góp tinh thần, vật chất cho cách mạng, cho đất nước là việc đáng phải làm. Điều này không chỉ thể hiện truyền thống “uống nước, nhớ nguồn” mà còn giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước rất thiết thực, hiệu quả cho các thế hệ trẻ mai sau.

Khi mà vật chất ít nhiều đnag làm biến thái các giá trị đạo đức và thách thức kỷ cương xã hội như hiện nay thì tấm gương của ông bà Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ đã có giá trị như một tượng đài.

Đọc thêm