Dải đất lận đận tình duyên

(PLO) - Những mái nhà liêu xiêu chắp vá, những khu vườn hắt hiu nằm lọt giữa rừng tràm, những người phụ nữ đơn thân gối chiếc, những đứa trẻ biết cha mình là ai... Đó là những gì vây quẩn xung quanh khu xóm nghèo là chốn nương thân của những người đàn bà một mình nuôi con ở phường Phú Bài (Hương Thủy, Thừa Thiên Huế). 
Khu xóm nghèo đìu hiu, vắng bóng người.
Khu xóm nghèo đìu hiu, vắng bóng người.
Những ngôi nhà vắng đàn ông
Dải đất đặc biệt nằm thọt lỏm giữa một cánh rừng tràm rộng lớn, thuộc tổ 11,12 phường Phú Bài. Trên con đường mòn sỏi đá gồ ghề, rộng chưa đầy 1m dẫn đến khu vực có không ít lời thị phi, tai tiếng về những phận người khốn khổ, lận đận trong tình duyên. 
Nhưng bỏ qua tai tiếng và những ánh mắt dò xét, những người phụ nữ cùng cảnh không hẹn mà gặp, từ nhiều nơi tập trung sống thành một khu vực.
Bà Võ Thị Nguyên, Chủ tịch Hội phụ nữ phường Phú Bài cho biết: “Họ là những người phụ nữ có cuộc sống rất khó khăn, tất cả đều phải tự mình mưu sinh để nuôi con. Hội phụ nữ cũng thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt này”.
Chung tôi ghé thăm căn nhà chẳng có gì giá trị ngoài chiếc vô tuyến và chiếc máy may cũ của chị Nguyễn Thị Thuận, không gian vắng vẻ, chị mình chị ở nhà. Chị Thuận là người phụ nữ bất hạnh đầu tiên chuyển tới vùng đất này sinh sống. Người phụ nữ có tật ở chân vui vẻ tiếp chuyện, cởi mở tâm sự về hoàn cảnh mình cũng như những người phụ nữ khác trong xóm.
Cuộc sống còn khó khăn, mỗi ngày trung bình chị làm được 50 ngàn đồng, dành dụm, tích góp nuôi cậu con trai duy nhất đang học cuối cấp ba, chuẩn bị thi Đại học. Con trai chị có lẽ là người được học hành đến nơi đến chốn nhất so với đám trẻ lớn lên từ xóm này. 
Chị Thuận chỉ lên ngôi nhà chắp vá: “Dành dụm, vay mượn khắp nơi mới xây lên được chừng này. Mười năm mà xây nhà 5 lần, mỗi đợt nối một bức tường, mãi đến bây giờ vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thiện được”. Dù khó khăn, vất vả đến mấy, người phụ nữ ấy vẫn luôn vui vẻ, và tin tưởng vào con trai, hi vọng con học thành tài. 
Cách đấy không xa, ngôi nhà tồi tàn khoảng 30m2 của chị Dương Thị Thúy là nơi trú ngụ của bốn mẹ con. Mái tôn lợp đã nhuốm màu năm tháng. Khung cảnh trước khuôn viên nhà khá “mất trật tự” bởi những dây áo quần chằng chịt, cũ kỹ. Cánh cửa khóa im lìm. 
Bà Lị hàng xóm (60 tuổi) khi nhìn thấy khách dừng chân trước sân nhà chị Thúy thì nhanh nhảu: “Con Thúy nó đi khỏi rồi, lâu lâu mới về nhà một lần, tìm gặp nó khó lắm”. 
Tìm hiểu mới biết người mẹ 3 con này đã lên thành phố làm giúp việc để lấy tiền gửi về cho con ăn học. Người con trai đầu đã lấy vợ nhưng cuộc sống khó khăn nên chẳng giúp được gì cho mẹ. Hai người con nhỏ đang học lớp sáu và lớp bốn. Tiếng là 3 anh em nhưng không gọi chung một tiếng cha bởi mỗi người sinh ra bởi một người cha khác nhau. 
Hàng xóm kể lại, chị Thúy có bốn đứa con, nhưng vì khó khăn, nghèo khổ quá, chị đứt lòng cho đi một đứa khi nó còn chưa biết gọi tiếng mẹ. Một thân một mình chị làm đủ nghề, từ thợ hồ, chăn bò, làm mướn, đến ở đợ cho người ta để lo cho con. Đôi chân bị tật nguyền đôi khi khiến chị ngã quỵ trong đau đớn. Nhưng người phụ nữ này vẫn gắng gượng, mong con cái có thể sống tốt hơn.
Cách đó chưa đầy 10m là ngôi nhà của chị Lê Thị Tươi (39 tuổi) cũng cùng chung số phận bấp bênh. Chị gánh vác mọi công việc nặng nhọc, làm phụ thợ nề từ sáng sớm tới chiều tối để lo miếng ăn cho 3 đứa con cũng không có hơi ấm từ cha. 
Dạo quanh khu xóm nhỏ hiu quạnh ấy còn có nhiều số phận cùng cảnh đáng thương như thế. Họ đến từ nhiều vùng miền khác nhau, giống nhau ở sự thiếu thốn tình yêu thương của người chồng, người cha. Trong căn nhà nát, họ chỉ biết tìm niềm vui ở những đứa trẻ ngây thơ và sống nương tựa vào nhau. 
 
Những đứa trẻ không biết gọi cha
Khi được hỏi đã bao giờ em gặp được bố chưa, sắc mặt cô con gái đầu lòng của chị Tươi đã 16 tuổi bỗng thay đổi. Đôi môi run run, những giọt nước mắt chực trào ra khóe mắt, cô bé trả lời trong sự dè dặt: “Dạ, em chưa từng…”.
Cô bé trắng trẻo, bầu bĩnh, chuyện trò lễ phép, sau còn hai em, một lớp 5 và em út mới 2 tuổi. Ngoài thời gian lên lớp, cô bé ở nhà trông giữ hai đứa em, phụ mẹ nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa.
Khác với những đứa trẻ khác trong xóm, 3 chị em Thắm có được hơi ấm từ người cha dượng, một người đàn ông đã ngoài 40 tuổi, từ Quảng Bình vào Huế phụ hồ, quen chị Tươi, mới dọn về ở chung cùng mấy mẹ con không lâu.
Tuy chưa từng nhìn thấy cha mình, cũng không biết cha của hai đứa em là ai, nhưng Thắm vẫn quan tâm, chăm sóc hai em như cùng cha cùng mẹ. Ánh mắt trong sáng của cô bé lâu lâu trĩu xuống, đượm buồn. 
Em chia sẻ: “Em không giận mẹ, chỉ thấy thương mẹ nhiều hơn mà thôi”. 
Trong khu xóm nghèo ấy, những đứa trẻ chơi với nhau, lớn lên với nhau trong cái lấm lem của sự nghèo khổ, thiếu thốn. Có đứa đã nhìn thấy cha, có đứa chỉ nhớ ngờ ngợ, có đứa chưa từng gọi cha, chưa từng nghe mẹ kể, cũng có đứa chưa lọt lòng, cha đã bỏ đi hoặc chối bỏ trách nhiệm.
Ở cái xóm nhỏ này còn rất nhiều ngôi nhà thiếu đi bóng dáng của người đàn ông. Những người mẹ đơn thân đảm nhiệm luôn vai trò người cha, người trụ cột của gia đình. Cuộc đời họ đã lầm lỡ, bất hạnh, họ dồn cả tình yêu thương, hi vọng vào những đứa con.
Họ có niềm tin mạnh mẽ, con cái sẽ thay đổi được cảnh đời trớ trêu mà họ đã vướng phải. Như bà Lê Thị Thúy có đến 5 người con, hiện 3 người đã cưới vợ lấy chồng. Cuộc sống của bà cũng không còn khó khăn như trước. Nhưng không ít người vẫn đang phải sớm hôm lặn lội nuôi con như những thân cò yếu ớt, như chị Thân, chị Thúy, chị Tươi... 
H1. Khu xóm nghèo đìu hiu, vắng bóng người.
H2: 

Đọc thêm