(PLO) - Nếu trước kia, chuyện phụ nữ độc thân có con bị cộng đồng xầm xì, đánh giá thì giờ đây, quyền làm mẹ của họ đã được pháp luật bảo vệ.
Sợ lấy chồng nhưng vẫn khao khát có con
Chị Kim Quy là con gái duy nhất của một gia đình sống ở ngoại thành TP.Hòa Bình. Năm chị 14 tuổi, bố chị đi làm dưới Hà Nội và bị tai nạn lao động. Hay tin, mẹ chị tất tả bắt xe đi Hà Nội. Vì đang vướng thi học kỳ nên chị ở lại một mình trông nhà.
Mẹ đi được hai hôm, một buổi chiều chị đang ngồi học bài ở nhà thì người đàn ông vẫn hay bán than tổ ong cho mẹ chị ghé qua giao than. Trẻ con thật thà, khi người bán than hỏi mẹ đâu, chị Quy khai tông tốc mẹ đi Hà Nội chăm bố chắc phải một tuần mới về, để con gái ở nhà một mình.
Nào ngờ, người bán than lòng dạ xấu, sau khi xếp than vào bếp, ông ta xin vào nhà uống ngụm nước rồi giở trò đồi bại. Cũng may khi ông ta sắp đạt được mục đích thì có người bạn học tìm đến hỏi bài nên chị Quy thoát nạn.
Nhưng cũng từ đó chị bị ám ảnh bởi sức vóc lực lưỡng, mùi người hôi hám và đôi bàn tay nhớp nháp, đen đúa toàn than của ông ta. Chị đâm ra sợ đàn ông. Nỗi sợ ấy đeo bám chị dai dẳng nên dù sau này đã xa quê đi học, đi làm nhưng chị vẫn không thể có người yêu. Năm tháng qua đi cùng với tuổi xuân, chị quyết định ở vậy không lấy chồng.
Dù vậy, chị Quy vẫn rất khao khát có một đứa con. Chị đến bệnh viện đề đạt nguyện vọng xin được thụ tinh trong ống nghiệm để có con, nhưng bị từ chối với lời giải thích “pháp luật chưa cho phép”. Cực chẳng đã, theo lời khuyên của bạn bè, chị đã “xin” con của một người đàn ông.
“Ai nói nam, nữ gặp nhau là hạnh phúc chứ tôi thì không, hôm đó đối với tôi như cực hình tra tấn. Cũng may trời thương cho tôi đậu thai ngay sau đó ”, chị Quy giãi bày. Nếu không biết câu chuyện của chị Quy qua một người bạn và sau đó được trực tiếp nghe chị kể chuyện đời mình thì nhìn cảnh mẹ con chị hạnh phúc bên nhau, đố ai đoán được nỗi truân chuyên mà chị đã trải qua.
|
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Quyền làm mẹ được pháp luật bảo vệ
Quan điểm xã hội Việt Nam rất nặng nề chuyện phụ nữ “không chồng mà có con” và pháp luật trước đây cũng chưa có quy định về vấn đề này nên không nhiều người phụ nữ dám bày tỏ mong muốn của mình. Mà có bày tỏ thì cũng không cơ sở y tế nào đáp ứng được, nên họ đành “cắn răng đi xin” như trường hợp chị Quy.
Khi kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thành công ở Việt Nam thì thực tế cho thấy không chỉ những cặp vợ chồng hiếm muộn mà cả những người phụ nữ độc thân cũng rất quan tâm. Tiếp đó, năm 2003 Nghị định 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học ra đời với quy định “phụ nữ sống độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa” đã chính thức đánh dấu thời điểm quyền làm mẹ của phụ nữ độc thân được pháp luật bảo vệ.
Tuy nhiên, sau khi đi vào thực tiễn, Nghị định 12 cho thấy các quy định liên quan đến vấn đề phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản còn chưa chi tiết, nên nhiều bệnh viện vẫn phải từ chối yêu cầu của khách hàng, chưa dám thực hiện. Từ thực tế này và cộng thêm việc cho phép mang thai hộ được đưa vào luật, Nghị định 10/2015/NĐ-CP về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã ra đời thay thế Nghị định 23.
Theo quy định của Nghị định 10, phụ nữ độc thân (là phụ nữ không có quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật) có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Phụ nữ độc thân có nhu cầu sinh con có quyền nhận tinh trùng nguồn hiến tặng và noãn của họ phải bảo đảm chất lượng để thụ thai. Phụ nữ độc thân mà không có noãn hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai sẽ được nhận phôi…
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép tiếp nhận yêu cầu thụ tinh trong ống nghiệm của phụ nữ độc thân là cơ sở phụ sản, sản - nhi của Nhà nước từ tuyến tỉnh trở lên; bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa sản, khoa sản – nhi; bệnh viện chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa sản - nhi tư nhân; bệnh viện chuyên khoa nam học và hiếm muộn…
Ngày 15/3/2015, Nghị định 10 bắt đầu có hiệu lực. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều phụ nữ đơn thân sẽ tìm thấy niềm hạnh phúc làm mẹ của mình trong sự cho phép và bảo vệ của pháp luật.
Chi phí một ca hỗ trợ sinh sản từ 30-70 triệu đồng
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, để được tiến hành kỹ thuật hỗ trợ sinh sản về mặt thủ tục, các chị cần có chứng nhận của địa phương hiện tại là đơn thân, xác nhận tiền sử gia đình và con cái. Nếu đã ly hôn thì cung cấp thêm quyết định cho phép ly hôn của tòa án để bệnh viện xem xét, tiến hành kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Về mặt kỹ thuật, nếu các chị có chất lượng trứng bình thường, các chức năng đường sinh sản, vòi tử cung bình thường thì cơ sở y tế sẽ dùng kỹ thuật bơm tinh trùng, còn trường hợp cổ tử cung tắc nghẽn sẽ làm kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Cũng theo ông Tiến, ở Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, tỉ lệ thành công trong hỗ trợ phụ nữ đơn thân sinh con cũng tương tự hỗ trợ sinh sản cho các gia đình là 50%. Còn về chi phí một ca hỗ trợ sinh sản là từ 30-70 triệu đồng, tùy theo độ tuổi của cha mẹ, các bệnh lý kèm theo. Với phụ nữ đơn thân, chi phí cũng như vậy nhưng sẽ kèm thêm một khoản chi phí nhỏ để trả phí bảo quản lưu giữ mẫu tinh trùng.