Dân công sở lo ngay ngáy bị dán mác “quấy rối tình dục“

(PLO) - Khi đọc những nội dung của Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam vừa được công bố, không ít người Việt lo lắng bởi dễ như chơi bị dán mác "quấy rối tình dục".
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc được thể hiện dưới nhiều dạng hành vi khác nhau. Ảnh minh họa: M.H
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc được thể hiện dưới nhiều dạng hành vi khác nhau. Ảnh minh họa: M.H
Khi “cây tiếu lâm” của  cơ quan thành kẻ biến thái
Anh Nguyễn Văn Bình là một “cây tiếu lâm” ở cơ quan. Ở chỗ nào anh Bình xuất hiện là ở đó rộ lên những trận cười nghiêng ngả. Những câu chuyện khôi hài của anh Bình phần lớn xoay quanh chủ đề phòng the khiến nhiều lần người nghe đỏ mặt. 
Nhưng quan điểm của anh Bình là: “Tiếu lâm mà không nhắc tới “chuyện đó” thì sao cười được”. Chẳng muốn làm mếch lòng đồng nghiệp nên không ai góp ý với anh Bình. Đến “giờ kể chuyện” của anh Bình, người nào không muốn nghe thường kiếm cớ ra ngoài hoặc đeo tai nghe vào cho yên chuyện. 
Khi báo chí đưa tin Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc ở Việt Nam vừa được công bố, nhiều đồng nghiệp đã đưa tờ báo tới tận mặt anh Bình nói: “Đọc đi, căn cứ theo quy định trong này thì ông là kẻ QRTD chuyên nghiệp nhé”. 
Ghé mắt đọc, anh Bình giật mình khi biết “QRTD bằng lời nói được xác định là những lời nhận xét không phù hợp, ngụ ý tình dục, ví như việc kể chuyện cười gợi ý về tình dục…”. Từ hôm đó, “giờ kể chuyện” biến mất khỏi thời gian biểu của anh Bình.
Anh Bình không phải là trường hợp cá biệt giật mình khi đối diện Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc. Những nội dung trong Bộ quy tắc đã khiến không ít người Việt Nam thú nhận “từng là nạn nhân và cũng không ít lần là… thủ phạm!”. 
Theo nội dung của Bộ quy tắc, QRTD bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, hay cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.
QRTD bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục, cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. 
Hình thức này bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục. QRTD bằng hành vi phi lời nói gồm các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón tay. 
Hình thức này cũng bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các áp phích điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan đến tình dục… 
Tuy nhiên, những quy định này theo đánh giá của nhiều người, càng chi tiết bao nhiêu thì càng làm mỏng manh ranh giới giữa việc một người lúc này là nạn nhân, nhưng lúc kia lại là… thủ phạm (!) bấy nhiêu. 
Vì trong quan hệ ứng xử với đồng nghiệp tại cơ quan, rất nhiều lúc “tưởng vậy mà không phải vậy”, như anh Bình đơn giản chỉ kể chuyện để mọi người cười giải trí chứ không hề biết là mình đang QRTD đồng nghiệp. 
Bộ quy tắc có giúp gỡ bỏ được sự mơ hồ về quấy rối tình dục của pháp luật?
Trước khi Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc ra đời thì khái niệm về QRTD cũng đã được đưa vào luật. Cụ thể, Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/5/2013 có 4 điều đề cập đến QRTD, bao gồm: nghiêm cấm “ngược đãi người lao động, QRTD tại nơi làm việc” (Điều 8), “người lao động bị ngược đãi, QRTD” có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 37). 
Đồng thời những hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động với lao động là người giúp việc trong gia đình, trong đó có việc cấm “ngược đãi, QRTD, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình” (Điều 183) và người lao động giúp việc gia đình có nghĩa vụ “tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi…, QRTD” (Điều 182). 
Trước nữa thì có một vài văn bản pháp luật cũng đã thể hiện tinh thần nghiêm cấm hành vi QRTD như Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 6/4/2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định QRTD bệnh nhân bị phạt từ 2 triệu đến 5 triệu đồng; Điều 75 Luật Giáo dục 2005 nghiêm cấm giáo viên xâm phạm danh dự, nhân phẩm hoặc thân thể người học….
Nhưng QRTD là gì thì không thấy văn bản luật nào định nghĩa. Đến nay, dù Bộ luật Lao động có hiệu lực được một thời gian nhưng vẫn chưa có nghị định, thông tư nào hướng dẫn cụ thể bao gồm việc giải thích và mô tả để xác định chính thức thế nào là QRTD. Chính vì thế, Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc được coi là văn bản hướng dẫn cách hành xử giữa người lao động với nhau, giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. 
Tuy nhiên, theo nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý, tuy Bộ quy tắc đưa ra định nghĩa thế nào là QRTD, phân loại hành vi QRTD ở các dạng thể chất, lời nói, cử chỉ, điệu bộ, tin nhắn điện thoại, thư điện tử, hình ảnh, tài liệu khiêu dâm… , nhưng dù sao đây cũng chỉ là quy tắc, còn hành lang pháp lý để bảo vệ các nạn nhân bị QRTD vẫn chưa có. Do đó, dù có bộ quy tắc hỗ trợ như vậy, nạn nhân vẫn chưa thật sự được bảo vệ./.

Đọc thêm