Đàn ông cũng cần bình đẳng giới!

(PLO) - Đó là một trong những khuyến nghị được đưa ra tại hội thảo “Công tác truyền thông về bình đẳng giới của các cơ quan nhà nước” là hoạt động thuộc Dự án “Hợp tác truyền thông góp phần cải thiện chính sách kinh tế” do Bộ Các vấn đề toàn cầu của chính phủ Canada (GAC) hỗ trợ.
Nhiều phong trào dành cho nữ giới không còn phù hợp với thực tế và là biểu hiện phân biệt giới, như quy định mặc áo dài tại công sở) (Ảnh minh họa từ internet)
Nhiều phong trào dành cho nữ giới không còn phù hợp với thực tế và là biểu hiện phân biệt giới, như quy định mặc áo dài tại công sở) (Ảnh minh họa từ internet)

Mặc dù Luật Bình đẳng giới đã thực thi ở Việt Nam trong một thời gian dài nhưng khái niệm về bình đẳng giới không phải ai cũng nắm được. Ở một khía cạnh đơn giản nhất khái niệm bình đẳng giới ngụ ý rằng nam giới và nữ giới, trong đó gồm cả cộng đồng người đồng tính luyến ái và người chuyển giới cần nhận được những đối xử công bằng trong tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội và quyền con người như: giáo dục, y tế, văn hóa, hôn nhân, gia đình, việc làm, các chính sách phúc lợi... Để đạt được điều đó, yêu cầu thông tin giáo dục truyền thông về giới và bình đẳng giới cần phải không mang định kiến giới, không tạo ra định kiến giới; loại bỏ mọi sự phân biệt về giới.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH, đây vẫn là vấn đề mới đối với nhiều cơ quan nhà nước mặc dù Luật Bình đẳng giới và Nghị định 48/2009/NĐ-CP đã có quy định về lĩnh vực này, trong khi đó một số tổ chức xã hội đã đi trước về nhận thức, hoạt động truyền thông, nghiên cứu.

Thời gian qua, công tác truyền thông về bình đẳng giới đã được thực hiện tốt ở Tuyên Quang, Long An, TP  Hồ Chí Minh, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức nhiều sự kiện truyền thông có hiệu ứng lan tỏa xã hội rộng lớn, Bộ TT&TT đã tham gia xây dựng “Bộ chỉ số về Giới” trong sản phẩm của các cơ quan truyền thông nhà nước...

Nhưng theo ông Tiến, một số mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 chưa phù hợp và khó đánh giá định lượng, cần tiếp tục hoàn thiện. Công tác truyền thông vẫn tập trung vào đối tượng là phụ nữ, khuôn mẫu giới, định kiến giới vẫn tồn tại trong các sản phẩm truyền thông (80% đề cao vai trò của phụ nữ trong gia đình, 83% phụ nữ xuất hiện với vai trò là làm nội trợ)... 

Cùng quan điểm, bà Trần Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH TP HCM nêu lên những khó khăn trong truyền thông về bình đẳng giới hiện nay, đó là: chủ đề về bình đẳng giới quá rộng, thiếu định hướng truyền thông có chiều sâu từ bộ, ngành Trung ương; nhân sự làm công tác bình đẳng giới các tỉnh, thành chưa được đào tạo chuyên sâu ở 8 lĩnh vực được quy định trong Luật nên gặp nhiều khó khăn tư vấn, hỗ trợ chuyên môn khi phối hợp với các đơn vị; nhiều phong trào dành cho nữ giới không còn phù hợp với thực tế và là biểu hiện phân biệt giới (quy định mặc áo dài tại công sở); và báo, đài và các cơ quan đơn vị chỉ tập trung truyền thông về bình đẳng giới vào ngày 8/3, 28/6, 20/10 và yêu cầu phối hợp thực hiện trong thời gian ngắn nên hiệu quả về nhận thức trong các tầng lớp xã hội còn hạn chế và chưa trở thành nhận thức xã hội.

Về giải pháp, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng công tác truyền thông bình đẳng giới không chỉ là nội dung của cơ quan chuyên trách của Bộ LĐ-TB&XH mà phải là nhận thức chung trong điều hành và hoạch định nội dung chính sách của các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt ở cấp lãnh đạo đơn vị và cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông; hoạt động truyền thông cần sự phối kết hợp giữa cơ quan chuyên trách với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, được thông qua mạng lưới nhân sự trong khắp các địa phương và các bộ, ngành...

Trong đó cũng cần lưu ý rằng, quan niệm về bình đẳng giới  không chỉ là bênh vực quyền của người phụ nữ và chỉ hướng tới đối tượng là phụ nữ, nam giới cũng là đối tượng có quyền và nghĩa vụ trong khái niệm về bình đẳng giới; truyền thông bình đẳng giới cho đối tượng đồng bào dân tộc ít người chưa có; không chỉ báo chí, cán bộ truyền thông cơ sở và ngay trong cơ quan nhà nước cũng cần huy động ý thức trách nhiệm về bình đẳng giới, mạng xã hội cũng là kênh truyền thông quan trọng và hiệu quả trong thời đại ngày nay.

Các đại biểu đã đưa ra khuyến nghị cần xây dựng Bộ tiêu chí về bình đẳng giới trong chính sách, thiết lập “Bản đồ” mức độ bình đẳng giới trong cả nước và việc đánh giá mức độ bình đẳng giới nên giao cho một tổ chức độc lập thẩm định...

Đọc thêm