Dấu mặt cười thay điểm số, giáo viên áp lực, phụ huynh hoang mang

(PLO) - Sau 2 tuần triển khai việc thay chấm điểm bằng nhận xét ở bậc tiểu học, rất nhiều trường tiểu học dùng con dấu thể hiện lời nhận xét hoặc ký hiệu sao, hoa, mặt cười… Tuy nhiên, việc sử dụng con dấu “vô hồn” khiến không ít giáo viên cảm thấy áp lực, còn phụ huynh thì hoang mang. 

Dấu mặt cười thay điểm số, giáo viên áp lực, phụ huynh hoang mang
Vui nhưng cảm thấy… “cá mè một lứa”? 
Hiện ở nhiều trường, giáo viên (GV) có nhiều cách nhận xét thay cho điểm số như đóng dấu “Cô khen”, “Hoàn thành”,  “Con làm bài tốt”, tặng hình hoa, hình mặt cười… cho học sinh. Chị Thu Thảo (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Từ ngày bỏ không chấm điểm học sinh tiểu học, tôi thấy con vui vẻ và hào hứng học hơn. Bản thân cha mẹ cũng không bị áp lực đưa con đi học thêm nhà cô để con không bị áp lực hoặc bị phân biệt đối xử. Tôi nghĩ đây là một cải cách văn minh và tạo điều kiện cho thế hệ tương lai phát triển toàn diện các kiến thức cũng như kỹ năng mềm. Rất ủng hộ phương án này của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT)”.
Tuy nhiên, việc GV “lạm dụng” những con dấu với lời nhận xét chung chung, chiếu lệ “cho xong”, thậm chí là để đối phó, cũng đã khiến không ít phụ huynh hoang mang. Chị Mai Hoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội), một phụ huynh có con học lớp 3 cho biết: “Từ đầu năm học đến nay, cô giáo không chấm điểm nữa. Với môn toán, câu nào, bài nào con tôi làm đúng, làm sai, cô chữa vào đó thì tôi có thể ước lượng cháu được mấy điểm. Nhưng môn Tiếng Việt thì chịu. Chủ trương này tránh cho các con cũng như phụ huynh bị áp lực về điểm số. 
Tuy nhiên, trước đây bài được chấm theo thang điểm 1 - 10 thì hai mẹ con đều biết rõ là mức độ hoàn thành bài của mình đến đâu, giờ cứ ghi “hoàn thành” hoặc “tốt trừ”… khiến tôi thấy rất mơ hồ và không biết làm như thế nào để con đạt mức tốt nhất”. 
Còn anh Vũ Sơn (Cầu Giấy, Hà Nội) băn khoăn: “Trước đây điểm các môn của con chỉ ở mức trên trung bình một chút. Nhìn vào điểm số đó tôi biết con yếu phần nào để kèm cặp, bồi dưỡng và có thể thấy sự tiến bộ thể hiện qua từng ngày. Việc không chấm điểm cũng có phần làm giảm căng thẳng cho con và cháu tỏ ra rất vui. Thế nhưng, tôi lại thấy lo lắng khi những lời nhận xét của GV rất chung chung, sáo rỗng, trẻ sẽ chủ quan và cứ như thế này thì không biết kết quả học tập của con sẽ ra sao. 
“Đạt” và “Không đạt” không phải tương đương với giỏi và yếu đâu. Đạt = 5 điểm, không đạt < 5 điểm. Giờ bỏ điểm rồi, tức là hoàn thành nửa bài thì là đạt. Tôi nghĩ cái này đánh đồng học sinh giỏi, khá, trung bình vào làm một”. 
Dễ nửa vời, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục
Ở góc độ một người đứng lớp, cô Hoàng Yến (Hà Nội) chỉ rõ: “Mình năm nào cũng chủ nhiệm  56-60 học sinh, một ngày phải nhận xét khoảng 56 học sinh x 2 vở = 120 vở, chưa kể đến các loại sổ sách, giấy tờ khác như sổ chủ nhiệm, sổ liên lạc, sổ họp, sổ dự giờ, giáo án hàng ngày, sổ sinh hoạt chuyên môn... và giờ là sổ theo dõi hàng tháng. Một điều đáng buồn nữa là ngành giáo dục lúc nào cũng kêu gọi ứng dụng công nghệ thông tin nhưng trong cách làm việc của GV hiện nay thì chẳng được ứng dụng công nghệ là mấy. Cái gì cũng viết tay. Một quyển sổ có khi phải chép đi chép lại mấy lần cái danh sách lớp!”.
Cô Phạm Thúy Hà, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP.HCM) cho rằng: “Nếu chỉ ghi “đúng”, “sai”, “chưa hoàn thành”… thì sẽ không có tác dụng gì với học sinh. Dù vất vả nhưng GV vẫn cần phải quan tâm sâu sát để có những nhận xét cụ thể, tỉ mỉ nhằm uốn nắn từng em”. Cô Hồng Nhung, Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội) thì cho biết, với những lỗi phổ biến thì cô dùng dấu gỗ, lỗi của học sinh cá biệt thì cô vẫn dùng lời phê…
Không chỉ GV mà nhiều chuyên gia giáo dục cũng lo lắng. TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, năm học trước đã không chấm điểm ở lớp 1 nhưng đến nay vẫn chưa có tổng kết rút kinh nghiệm, vậy mà lại triển khai luôn cả bậc học. Thế nên, nhiều GV chưa thực sự hiểu lợi ích của việc bỏ chấm điểm nên họ làm chiếu lệ cho xong, điều đó sẽ phản tác dụng giáo dục. 
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, để việc đổi mới có hiệu quả thì thứ nhất, phải tập huấn kỹ và tổ chức rút kinh nghiệm cho GV thường xuyên, thứ hai, tăng cường tuyên truyền phối hợp giữa phụ huynh với nhà trường để cùng giúp đỡ con em; thứ ba, sĩ số học sinh một lớp hiện còn rất đông nên trước mắt cần tăng cường GV và giảm bớt các thủ tục rườm rà để GV đỡ áp lực. Nếu Bộ không có các giải pháp triển khai đồng bộ thì e rằng việc đổi mới này có thể sẽ chỉ làm nửa vời, hình thức và chất lượng giáo dục tiểu học sẽ giảm sút.
Còn GS. Phạm Toàn, Chủ nhiệm Bộ sách Cánh Buồm nói về việc đánh giá học sinh tiểu học: “Ai sẽ đánh giá? Và trước đây ai cho điểm? Chỉ cần trả lời hai câu hỏi này là thấy rằng với quy định đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra, “lõi” của vấn đề không hề thay đổi”. 

Đọc thêm