Để người cao tuổi yên tâm sống tiếp

(PLVN) - Già hóa dân số là vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt khi đứng trong tốp 10 quốc gia có tỷ lệ già hóa nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm khoảng 12,9% dân số và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên 23%. 
Người cao tuổi cần hệ thống an sinh xã hội tốt và tư duy xã hội thấu hiểu để yên tâm đối mặt với tuổi già.
Người cao tuổi cần hệ thống an sinh xã hội tốt và tư duy xã hội thấu hiểu để yên tâm đối mặt với tuổi già.

Đa số người cao tuổi sống ở nông thôn, không có lương hưu, không có tích lũy, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Phải làm gì để người cao tuổi yên tâm sống tiếp – đó là câu hỏi mà ngay từ bây giờ đã cần câu trả lời. 

Bức tranh có nhiều nét vẽ buồn

Bà Nguyễn Thị Chi sinh năm 1930 sống ở Cồn Phụng, Bến Tre cùng gia đình cháu trai. Từ trước đến nay bà Chi làm nghề vườn, thỉnh thoảng làm rượu nếp bán cho du khách nhưng thu nhập ít ỏi. Cháu trai bà làm nghề lái thuyền cho công ty du lịch chở khách tham quan mức lương cũng hạn hẹp.

Khó khăn về kinh tế đeo đẳng suốt tuổi già nên khi được hỏi “Nếu trẻ lại bà sẽ làm gì?”, bà Chi liền nói ngay về ước mơ của mình: “Nếu được trẻ lại thì mình sẽ có sức khỏe, làm được nhiều việc, kiếm được nhiều tiền để cuộc sống gia đình sung túc hơn. Như cái nhà này, làm mãi mới xong phần thô mấy năm rồi nhưng đã có có tiền để hoàn thiện đâu”.

Để có nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống, hằng ngày, bà Nguyễn Thị Tuyết 62 tuổi, ở xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, HN nhận làm nhân viên dọn vệ sinh cho một tòa chung cư tại quận Hà Đông. Từ số tiền công trung bình khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, bà Tuyết dành 60% chi tiêu và 40% để tích lũy. “Nếu sức khỏe cho phép, tôi sẽ đi làm khoảng 5 năm nữa”, bà Tuyết cho hay. 

Không riêng bà Chi, bà Tuyết, theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nước ta có khoảng 45,3% người cao tuổi nam giới, 34,9% người cao tuổi nữ giới đang làm việc, tập trung nhiều nhất ở độ tuổi 60 đến 69 tuổi. 

Ngoài nhu cầu tiếp tục làm việc, đa số người cao tuổi cần được tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe. Tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, HN vào thời điểm giao mùa từ thu sang đông như hiện nay, có rất đông người cao tuổi được đưa đến đây cấp cứu. Ông Đào Anh Tuấn 78 tuổi ở phố Tây Sơn, quận Đống Đa chia sẻ: “Bị mắc cùng lúc bệnh tim mạch, đái tháo đường, suy giảm trí nhớ, nên mỗi khi thời tiết thay đổi, bệnh lại tái phát và bệnh viện trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi...”. 

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều trên mạng xã hội các vụ con cháu hành hung cha mẹ, ông bà. Ngược đãi người cao tuổi không phải là vụ việc cá biệt của một gia đình, mà đã trở thành vấn nạn diễn ra ở nhiều địa phương. 

Như vụ người con gái ở miền Tây tắm rửa mẹ già bằng bàn chải chà sân, vừa tắm vừa đánh đập, kéo lê mẹ khắp nơi; một cặp vợ chồng, cũng ở miền Tây, vừa thay quần áo cho mẹ, vừa đánh đập, chửi rủa người mẹ không tiếc lời; hay người con trai tàn ác, cha nằm liệt giường, liên tục mắng chửi, tát vào mặt cha, người mẹ cũng già, yếu, nằm bên cạnh vừa khóc vừa lấy thân thể đỡ cho chồng khỏi những cú đánh của con trai mình…

Trên đây là bức tranh về phần đông người cao tuổi Việt Nam, khi về già thường phải đối mặt với nhiều tình huống, có sức khỏe nhưng eo hẹp về kinh tế, có thu nhập ổn định nhưng phải coi bệnh viện là nhà, vừa không có sức khỏe, kinh tế, lại bị con cái hắt hủi, thậm chí hành hung… 

Gánh nặng “bệnh tật kép” đè nặng

Thống kê cho thấy, Việt Nam vừa mới bước vào giai đoạn dân số vàng đã phải đối mặt với vấn đề già hoá dân số. Tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh liên tục từ 7,1% (năm 1989) lên 8,7% (năm 2009) và 10,2% (năm 2014). Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm cuối 2018, nước ta có hơn 11,3 triệu người cao tuổi, bằng 11,95% tổng dân số, trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên, chiếm 17,5% tổng số người cao tuổi.

Chỉ số già hoá dân số tăng nhanh, từ 18,2% (năm 1989) lên 44,6% năm 2014 và sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn sắp tới. Tỷ lệ dân số cao tuổi càng lớn, gánh nặng bệnh tật và tử vong, nhất là với các bệnh không lây nhiễm càng lớn, đặt ra những vấn đề cần phải giải quyết để bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi hay nói cách khác là để người cao tuổi yên tâm tiếp tục sống. 

Tuy nhiên, đến thời điểm này, hệ thống dịch vụ chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi ở nước ta còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Cả nước mới thành lập được 86 cơ sở chuyên chăm sóc người cao tuổi. Mạng lưới trung tâm bảo trợ xã hội của các tỉnh, thành phố mới chăm sóc thường xuyên cho khoảng 20.000 người, bao gồm cả người cao tuổi và người khuyết tật. Hệ thống bệnh viện thuộc ngành Y tế mới có hơn 70 đơn vị thành lập khoa Lão.

Thách thức lớn nhất đối với việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiện nay là mô hình và nguyên nhân bệnh tật của người cao tuổi đang thay đổi nhanh chóng khiến cho gánh nặng “bệnh tật kép” ngày càng rõ ràng.

Do hệ quả của sự thay đổi mô hình bệnh tật là các bệnh không lây nhiễm đang nhanh chóng trở thành nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn phế cho người cao tuổi và xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong những thập niên tới. 

Chi phí trung bình để chăm sóc sức khỏe cho một người cao tuổi bằng 7-8 lần chi phí trung bình chăm sóc sức khỏe cho một người trẻ tuổi, gánh nặng lớn về nguồn lực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là điều không tránh khỏi.

Trong khi đó, mức độ hiểu biết về chăm sóc sức khỏe và tự chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi còn thấp, phần lớn người cao tuổi không biết các biểu hiện hoặc cách phòng chống các bệnh thường gặp. Khả năng và tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe giữa các nhóm người cao tuổi hết sức khác nhau và đây là một nguyên nhân khiến cho một bộ phận không nhỏ người cao tuổi không được điều trị, chăm sóc đầy đủ ngay cả khi phát hiện ra bệnh tật.

Mặt khác, mặc dù tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng nhưng mạng lưới y tế cho người cao tuổi ở Việt Nam còn yếu, nhân viên y tế phục vụ tại cộng đồng còn thiếu; kỹ năng phát hiện, điều trị và chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế.

 “Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh, di chuyển khó khăn, nên họ cần được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Tiếc rằng, nhiều đơn vị, địa phương chưa dành sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này”, ông Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, đã từng trăn trở.

Hiện tại, mức trợ cấp hằng tháng đối với nhóm người từ 80 tuổi trở lên hoặc có hoàn cảnh khó khăn cũng bộc lộ những bất cập. Trong những năm gần đây, mức chuẩn nghèo liên tục được điều chỉnh tăng, trong khi mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi không tăng, hiện mới bằng 30% so với chuẩn nghèo ở thành thị, 40% chuẩn nghèo ở nông thôn.

Điều này lý giải vì sao, cả nước đã giải quyết chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng cho khoảng 1,7 triệu người cao tuổi và 100% người cao tuổi, thuộc đối tượng được trợ giúp xã hội đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng khi qua đời..., nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong các gia đình có thành viên là người cao tuổi vẫn cao hơn mức trung bình của cả nước… 

Đưa cha mẹ đến nhà dưỡng lão – đừng vội nói là bất hiếu

Với người Việt Nam, việc đưa người già vào các trung tâm dưỡng lão vẫn còn nhiều chiều ý kiến trái chiều. Không ít người còn giữ quan niệm để bố mẹ già vào viện dưỡng lão là bất hiếu. Tuy nhiên thực tế gần đây cho thấy ngày càng có nhiều người cao tuổi chọn mô hình nhà dưỡng lão để sống tuổi già và việc lựa chọn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. 

Trao đổi với truyền thông, bà Hoàng Thị Thu Ngân – Phó Giám đốc Trung tâm dưỡng lão D.H ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, hiện có 3 nhóm người già vào các viện dưỡng lão. Nhóm thứ nhất là các cụ già thích và chủ động vào viện dưỡng lão, không muốn làm phiền tới các con, muốn được làm bạn cùng những người cao tuổi nên đề xuất vào đây.

Nhóm thứ hai là các cụ vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn nhưng phải ở nhà một mình, các con đề xuất các cụ vào các viện dưỡng lão. Nhóm thứ ba là các cụ có vấn đề về sức khỏe, có thể mắc một số bệnh mãn tính, có những trường hợp bị lẫn, con cái khó chăm sóc tốt nhất cho bố mẹ nên đưa vào viện dưỡng lão để được chăm sóc tốt hơn. Đây là nhóm được đưa vào viện dưỡng lão nhiều nhất.

Theo bà Ngân, các gia đình nếu có thể hãy tự chăm sóc bố mẹ, bởi bản chất thói quen của người phương Đông là bố mẹ thích được gần con cái. Tuy nhiên, “chữ hiếu” bây giờ cần được thay đổi. Tức là “có hiếu” không phải là luôn giữ bố mẹ ở bên cạnh mình mà là tôn trọng và làm theo ý muốn của bố mẹ, ít nhất là khi họ còn tỉnh táo.

Nếu như bố mẹ muốn ở nhà thì nên để ông bà ở nhà, còn nếu bố mẹ muốn đi viện dưỡng lão thì nên đưa các cụ đến. Với những trường hợp mà các gia đình không có đủ điều kiện về thời gian, bởi quá bận rộn với công việc và không có kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, nhất là khi các cụ ốm bệnh thì nên suy nghĩ tới việc đưa các cụ vào trung tâm dưỡng lão.

Bởi tại đây sẽ có các điều dưỡng, những người có chuyên môn về chăm sóc người cao tuổi. Mặt khác, tại trung tâm dưỡng lão cũng sẽ có nhiều cụ già, họ có thể làm bạn, nói những câu chuyện xưa và chia sẻ cùng nhau. Đó cũng là một điều thuận lợi.

Từ kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi, ông Nguyễn Tuấn Ngọc -  Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức - cũng nhận định: “Số người cao tuổi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc chuyên sâu ngày càng lớn, nên Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân xây dựng trung tâm chăm sóc người cao tuổi đạt chất lượng”.

Về vấn đề khắc phục bất cập trong chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi cũng như thành lập các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước hiện có gần 20 doanh nghiệp triển khai xây dựng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi theo mô hình của Đức, Nhật Bản…

Đây là những quốc gia có nhiều kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số, nên một bộ phận người cao tuổi ở nước ta sẽ được tiếp cận với các dịch vụ tiên tiến trong tương lai gần. Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục kiểm tra, rà soát, đánh giá nhu cầu cần được trợ giúp của các đối tượng người cao tuổi, làm căn cứ đề xuất các chính sách trợ giúp phù hợp. 

Đọc thêm