Gặp gia đình Hà Nội "gốc", 4 đời mưu sinh trên sóng nước sông Hồng

(PLO) - Đến bãi sông Hồng đoạn qua phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, chúng tôi được nghe kể về một đại gia đình đã 4 đời sống nhờ vào con thuyền lênh đênh trên sóng. Ngỡ rằng đại gia đình ấy đến từ một vùng quê xa, bám lấy sông Hồng mưu sinh để trụ lại đất Hà thành nhưng thật bất ngờ, quê gốc họ ở làng Phú Thượng nhưng lại gắn với sông nước như một định mệnh.
Chị Trần Thị Dung và con trai trong khung cửa “ngôi nhà” màu xanh.
Chị Trần Thị Dung và con trai trong khung cửa “ngôi nhà” màu xanh.
Xuống sông ở vì “đất dữ”…
Chị Trần Thị Dung, con dâu của đại gia đình này cho biết, các cụ tứ đời ngày xưa có hộ khẩu, nhà đất ngay mé sông Hồng, ở làng Phú Thượng. Nhưng rồi cụ ông, cụ bà cứ có cảm giác vùng đất này dữ, khi thì làm cho cụ ông dở, khi thì làm cho cụ bà điên nên hai cụ bàn nhau bán mảnh đất đi. Lấy được tiền rồi, các cụ lại nhắm đến mảnh đất gần đấy nhưng rồi đi xem bói, thầy lại phán mảnh đất ấy cũng dữ nên các cụ bàn nhau không mua đất nữa, làm tạm con thuyền, sống trên sông. Không ngờ thành tạm… đến tận mấy đời...
Ngày mới sống dưới sông, làm nghề đánh cá cũng kiếm được, ăn không hết mang lên chợ bán, sẵn đồng ra đồng vào. Riết rồi quen, rồi gắn bó và không muốn rời xa dòng sông Hồng đã chở che cho các cụ vào những ngày tháng phải rời nhà cửa xuống sông vì vận hạn. Rồi con cháu dần dần ra đời, cứ thuyền nọ nối thuyền kia, mỗi gia đình một thuyền, chủ yếu làm nghề chài lưới. 
Anh Bì Văn Cường, chồng chị Dung mới 39 tuổi nhưng trông có vẻ nắng gió dãi dầu, cho biết suốt ngày anh phải làm việc sông nước nên già trước tuổi. Vợ anh Cường cũng vậy, chị mới 38 tuổi nhưng nhìn người đàn bà này, chắc chẳng ai đoán trúng tuổi của chị bởi sự khắc khổ, lam lũ hằn rõ trên từng nét mặt của chị. Gia đình anh chị sinh được 3 người con, đứa con gái đầu đã 20 tuổi nhưng chưa biết chữ vì không có điều kiện để đi học. Gia đình chị vẫn có hộ khẩu ở phường Phú Thượng nhưng con chị phải chịu phận mù chữ chỉ vì bố mẹ quanh năm đánh cá ven sông, không đủ để nuôi 5 miệng ăn trong nhà, nói gì đến chuyện học hành. 
Mãi đến năm 2014, nhà chị chạy vạy cùng chính quyền, công an giúp sức, Trường Tiểu học Phú Thượng mới miễn học phí cho con. Thế là con chị đứa con gái 12 tuổi và thằng em 9 tuổi cùng dắt nhau vào lớp 1 trong một năm. Chị Dung tâm sự: “Tôi vẫn còn nhớ như in tháng 9/2014, hai chị em nó hăm hở với cái cặp xin được, dắt nhau lên bờ, băng qua đường đi học. Hai đứa nhỏ đi rồi, quay lại nhìn ánh mắt đứa lớn mà không khỏi xót xa cô ạ. Ánh mắt nó cứ vời vợi... ám ảnh tôi đến tận bây giờ”. 
Những chiếc thuyền của đại gia đình nhà chị Dung, anh Cường.
Những chiếc thuyền của đại gia đình nhà chị Dung, anh Cường. 

Nhìn hai đứa con mới được cắp cặp đi học của chị mà mừng cho chúng nó, sinh sau nên được đến trường. Con bé Vân trán dô, bướng bỉnh nhưng toát lên vẻ rất thông minh. Thằng em tên Chiến thì có vẻ nhút nhát, sợ sệt nhưng cái miệng lúc nào cũng tươi rói. Hai chị em vừa học được một năm thì nhận được danh hiệu “Học sinh Vượt khó học giỏi” của trường, cũng được quà động viên từ Hội cha mẹ học sinh của lớp, của trường. 

Lên bờ cũng không biết làm gì để sống
Ngồi xa hơn là con gái lớn chị Dung tên Bì Thị Hường, đã 20 tuổi, nhưng có vẻ ngờ nghệch kiểu trẻ con do ít va chạm với cuộc sống. Hỏi Hường “Bao giờ lấy chồng”, cô gái xấu hổ đáp gọn lỏn: “Còn lâu cô ạ”. “20 tuổi rồi, còn lâu gì nữa”. Chỉ thế thôi mà cả nhà, cả chủ và khách phá lên cười sảng khoái. Nghe dặn dò: “Nếu muốn lên bờ thì phải lấy chồng trên bờ nhé”, Hường ngượng ngùng gật đầu. 
Bất ngờ, bố nó ở thuyền đánh cá ngó vào bảo: “Duyên số rồi cô ơi, muốn sao được. Mình cũng muốn nó lên bờ lắm chứ, nhưng nhỡ rồi loanh quanh lại vớ phải anh dưới sông thì cấm đoán chúng nó sao được”. Tôi quay qua nhìn Hường, ánh mắt con bé vời vợi đâu đó. Mỗi lúc khách lạ trêu trọc 2 đứa em, nó cũng vui lắm nhưng  chỉ thảng hoặc, ánh mắt nó lại xa xăm… 
Tết vừa rồi, cả nhà bên ngoại  gom góp được khoảng 100 triệu, làm cho cả gia đình một chiếc thuyền để chống chọi với mùa mưa bão. Một chiếc thuyền được sơn  màu xanh, mát mắt, dễ chịu. Thuyền được chia làm các ngăn nhỏ, đủ để cho con cái, bố mẹ có căn phòng  riêng. “Thế này bố mẹ cũng có chỗ sinh hoạt riêng còn gì”? - chúng tôi cất tiếng đùa. Nét mặt chị Dung chợt chùng xuống, bảo: “Không gian riêng cũng có làm gì đâu cô. Cả ngày ngoài thuyền đánh cá, mỗi ngày ngủ ở nhà cả trưa, cả tối được 3 tiếng đồng hồ. Cái nhà này chủ yếu để chống đỡ mỗi khi cơn cớ đến thôi”. 
Hai chị em Bì Thị Vân, Bì Văn Chiến cùng được học lớp 1 năm 2014
Hai chị em Bì Thị Vân, Bì Văn Chiến cùng được học lớp 1 năm 2014 
Cơn cớ mà chị nói đến chính là vào mỗi mùa mưa, gặp vài trận bão, nước dâng lên cao, cả nhà phải vào trú ngụ trong một chiếc thuyền. Lúc này được nghỉ ở nhà cả ngày, có muốn đi đánh cá cũng khó vì nước lên, dòng chảy mạnh, phải giữ an toàn mạng sống của mình trước đã. Có những thời điểm chị phải cho trẻ con sơ tán lên bờ vì sợ nhỡ đêm hôm nước lên, không kịp đẩy thuyền vào gần bờ, nhỡ xảy ra tai nạn cho con thì hối hận cả đời. 
Chị Dung cho biết, cả hai vợ chồng chị quần quật cả ngày nhưng chỉ được vài cân cá. Ngày chưa xây cầu Nhật Tân, chị còn có mảnh đất trồng rau, thỉnh thoảng mang ra chợ bán hoặc đổi cho con tí thịt, tí giò để chúng đổi bữa, chứ quanh năm ăn cá, ăn tôm bố mẹ đánh bắt được cũng ngán lắm. Nhưng bây giờ cầu xây rồi, nhiều gia đình buộc phải di dời, họ dạt ra gần mép sông, lấy luôn mảnh đất chị vẫn hay trồng rau. 
Bên cạnh thuyền nhà chị Dung là thuyền của chú ruột anh Cường, ông Bì Văn Thắng. Ông Thắng mới hàn một chiếc thuyền khá vững chắc, cũng để phục vụ cho cuộc sống của đời con, đời cháu tiếp theo. Cách bờ sông Hồng không xa, một người chú anh Cường, ông Bì Văn Dũng cũng neo thuyền bên cầu Đuống.  Ban đầu ông Dũng cũng làm nghề chài lưới nhưng rồi ông gặp một người anh em kết nghĩa, rủ nhau lặn xuống đáy sông Hồng để tìm phế liệu như sắt, thép, nhôm… 
4 anh em nhà anh Cường đều quanh quẩn bên mép sông Hồng, chỉ có một chú lên được bờ. Cụ bà cũng mới được lên bờ sau khi được phường cho mượn một mảnh đất nho nhỏ cất một góc lều, lợp bro xi măng để che mưa, che nắng, tránh cho cụ tuổi già phải vất vả, lênh đênh theo sóng nước sông Hồng.  
Anh Cường tâm sự, nhiều lúc anh chị cũng muốn lên bờ lắm nhưng không có nhà để lên, đi kiếm một tháng không được bao nhiêu, không đủ tiền thuê nhà nên vẫn phải chung sống với nghề chài lưới ven sông. Mà nếu có lên bờ anh cũng không biết làm gì vì sinh ra đã gắn với sông nước. Gia đình họ Bì ở trên sông đã 3-4 đời. Và hình như họ đã quen, đã cam chịu, hình như không ai trong số họ dám mong ước một ngày nào đó họ được lên bờ sinh sống…/.

Đọc thêm