Góc khuất cuộc đời ở 'Đảo lầu xanh' tại Bangladesh

(PLO) - Rina đã quá quen với sự đau khổ. Chị từng bị bán, bị buôn lậu và trốn thoát ở xứ hải ngoại, sống sót qua bệnh tật và bão nhiệt đới. Chị buộc phải chối bỏ con trai khi chị tròn 20 tuổi. Và giờ đây, Rina sống và làm việc tại một “lầu xanh” ở Tây Nam Bangladesh.
Những túp lều tồi tàn của gái mại dâm trên “Đảo lầu xanh” Banishanta, thành phố cảng Mongla, Bangladesh
Những túp lều tồi tàn của gái mại dâm trên “Đảo lầu xanh” Banishanta, thành phố cảng Mongla, Bangladesh

“Vương quốc son phấn” là một ngôi làng tồi tàn với những cái chòi chật hẹp ngay trên bờ của một hòn đảo đang sắp chìm gọi là Banishanta. Đảo dài đúng 100m và mỗi ngày, sông Pasur khoét vào đảo thêm một chút.

Banishanta từng là một trong những “động mại dâm” có đăng ký lớn nhất ở Bangladesh. Đầu thập niên 1950, khoảng 1200 phụ nữ đã sống và làm việc ở Banishanta khi Bangladesh vẫn còn là một vùng đất thuộc Đông Pakistan. Những ngày đó, giới thương nhân và cánh thủy thủ từ Anh đến Indonesia, hạ neo ở cảng Mongla - một địa điểm kết nối với nhiều hải cảng của thế giới - thủy thủ lên đảo, tung tiền “tẩy trần” với gái. 

Nhưng rồi “lầu xanh” bị tàn phá bởi nhiều trận bão và lụt lội. Cảng Mongla rơi vào suy tàn. Cuối năm 2017, Rina nằm trong số 105 công nhân tình dục, nhưng có lẽ chẳng mấy chốc sẽ chẳng còn ai trên đảo.

Người nghèo khổ thêm

Rina trạc tuổi 30, giống như phần đông cánh phụ nữ trên đảo Banishanta, không có giấy khai sinh. Gia cảnh bần hàn, Rina đợi khách và làm tình với họ. Rina nhớ lần đầu tiên lên đảo còn là một bé gái, đã nô đùa trong căn phòng mà chị đang ngồi bây giờ. Không biết tại sao làng Banishanta đang dần dần biến mất, chị chỉ cầu mong Thánh Allah cứu vớt hòn đảo.

Với hơn 160 triệu người, Bangladesh nằm trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi sự ấm lên của trái đất, từ giữa năm 1997 và 2016, và các nhà khoa học tính toán rằng quốc gia này sẽ đối mặt nhiều thảm họa hơn. Theo LHQ, vào cuối thế kỷ 21, mực nước biển sẽ dâng cao 0,9m khiến cho 20% dân cư Bangladesh phải di dời lên đất cao hơn.

Bờ kè đắp để chống nước sông Pasur xâm thực khu “nhà thổ” trên đảo Banishanta, nơi đang có nguy cơ biến mất trong tương lai
Bờ kè đắp để chống nước sông Pasur xâm thực khu “nhà thổ” trên đảo Banishanta, nơi đang có nguy cơ biến mất trong tương lai 

Thêm nữa, Bangladesh cũng đối mặt với hiện tượng xói mòn sông làm ảnh hưởng tới nơi sống của từ 5 vạn tới 20 vạn dân nước này. Bờ sông của đảo Banishanta đang bị xói mòn 100m trong những năm qua, và rất nhanh chóng cả hòn đảo sẽ biến mất, làm sụt giảm nguồn khách hàng của Rina. Trong các tháng mùa Đông, có khi chị đi rã chân cũng không tìm thấy ông khách nào. Rina không muốn quan hệ với người lạ vì họ thường xuyên đánh chị. 

“Gái làng chơi” trên đảo Banishanta vẫn không thôi kể về hoài niệm của họ với các thủy thủ nước ngoài hồi trước. Họ nhớ lại việc hút thuốc lá Marlboro, uống rượu Scotch whisky, nhớ lại đã từng “phục vụ” 10 khách mỗi ngày. Razia Begum, “tú bà” quản lý gái trên đảo Banishanta, tuyên bố đã đón tới 31 khách hàng chỉ trong 1 đêm.

Theo “má mì” Begum, bão tố đã tàn phá hòn đảo nhiều lần, ánh tanh bành sàn nhà của “lầu xanh”, kéo theo sự bấp bênh thu nhập của “gái làng chơi” trên đảo. 

Đau đớn phận má hồng

Rina lên đảo Banishanta từ khi còn nhỏ, và cuộc đời truân chuyên bắt đầu. Một người bạn của cha mẹ Rina ngỏ lời muốn lấy đứa con gái nhỏ để giúp việc nhà cho một gia đình giàu có ở Chittagong (thành phố lớn ở phía Đông Bangladesh, cách “đảo lầu xanh” khoảng 350km theo đường bộ). Mẹ của Rina đồng ý, nhưng hóa ra chị đã bị bán thẳng cho một “tú bà” ở đảo Banishanta. Rina bắt đầu làm tình với “khách làng chơi” đâu đó khoảng năm 14 tuổi.

Dù mại dâm trẻ em bị xem là bất hợp pháp, nhưng “má mì” không quan tâm, chính quyền cũng không đoái hoài. Hàng ngày, chị phải đón tiếp từ 8 đến 10 người đàn ông, mỗi người kiếm được 5 USD. 

Rina nhớ lại những cơn đau toàn thân, phải uống thuốc paracetamol đêm này sang đêm khác. Rina khóc lóc vật vã, cô độc trong phòng. Sau khoảng 7 năm làm việc tại “lầu xanh” trên đảo Banishanta, Rina bị bán lại cho một nhà môi giới ở Ấn Độ. Nhưng trời thương, Rina được một “khách làng chơi” Bangladesh giúp đỡ và trả hết nợ cho tay môi giới để về lại quê hương.

Khách mua dâm rời thuyền lên đảo Banishanta tìm “đào”
Khách mua dâm rời thuyền lên đảo Banishanta tìm “đào” 

Rina tin rằng chị còn may mắn hơn ối người, một số gái mại dâm trẻ bị hành hạ đủ đường. Rina kể, một số “má mì” bày cách chèn chai thủy tinh vào âm đạo của gái mại dâm để giúp “mây mưa” lâu hơn. Khi gái mại dâm có thai, họ sẽ bị ép đi phá thai, hay sinh con ra rồi trao đứa bé cho những gia đình giàu có – những đôi vợ chồng hiếm muộn ở đâu đó tại Bangladesh. 

Mại dâm được xem là hợp pháp ở Bangladesh dù cộng đồng Hồi giáo vẫn bảo thủ quan điểm của mình. Hiện có 14 “lầu xanh” đăng ký hoạt động ở Bangladesh, nhưng còn hàng trăm cơ sở khác hoạt động chui. Qũy từ thiện ActionAid ước tính có khoảng 20 vạn gái mại dâm đang làm việc ở Bangladesh, nhiều gái bị buôn bán.

Theo các báo cáo thì các “má mì” chỉ cần trả 200 USD là có thể sở hữu một “đào”, và gái phải làm việc cật lực thì mới có thể trả hết số tiền nợ này (gái mại dâm được “má mì” bao thức ăn và chỗ ở). Trong phần lớn trường hợp, gái mại dâm bị giới hạn việc kiếm sống nếu một khi họ rời “nhà thổ”. Nghèo đói đẩy nhiều gia đình đi vào tình cảnh tuyệt vọng, khiến họ sẵn sàng làm mọi việc miễn là có tiền, kể cả là chấp nhận làm “gái”.

Sau khi trả xong nợ cho người đàn ông đã cứu mình ở Ấn Độ, Rina lại… biến mình thành một “tú bà”, lấy số tiền dành được mở một phòng trà bán đủ thứ và thêm vài căn phòng để tuyển “gái”. Một phần khoản tiền kiếm được, Rina dùng để tu bổ nhà cửa, vì không trông đợi vào ai giúp được.

Khát vọng lương thiện

Trên đảo, gái mại dâm được nhà chức trách khám sức khỏe theo định kỳ 2 lần/tháng. Trước hiểm họa lây lan các căn bệnh tình dục cùng mối đe dọa của biến đổi khí hậu, nhiều tổ chức phi chính phủ đã ghé Banishanta để cung cấp bao cao su và giáo dục y tế cho gái mại dâm.

Bác sĩ Golap Ali - đại diện của một trong các tổ chức phi chính phủ - đã xét nghiệm các dấu hiệu khối u trên cơ thể gái mại dâm, tư vấn tránh các rủi ro của tình dục không được bảo vệ, khuyên họ không uống rượu hay phải dùng “áo mưa” khi quan hệ tình dục. Ngoài cần sa, nhiều gái mại dâm trên đảo Banishanta nói rằng họ hay dùng “Yaba” (một loại methamphetamine) nhằm giúp kích thích khoái cảm tình dục, còn không ít đàn ông không thích quan hệ tình dục bằng “áo mưa”.

Gái mại dâm đang ngã giá với khách làng chơi

Gái mại dâm đang ngã giá với khách làng chơi

Rina cho rằng nhiều khách có vợ con và họ không muốn lây bệnh truyền nhiễm. Những công nhân tình dục làm việc tại 2 “lầu xanh” lớn là Kandapara và Daulatdia thì bị buộc phải dùng một loại steroid gọi là Oradexon giúp tăng cân. Mặc dù được kê đơn để điều trị bệnh hen suyễn, nhưng khi dùng thuốc này nhiều lần thì không chỉ gây nghiện mà còn gây ra chứng cao huyết áp, phát ban, tổn thương gan và thậm chí cả cái chết. 

Màn đêm đổ bóng lúc 5 giờ rưỡi chiều. Ngay trước phòng trà của Rina, nhiều toán phụ nữ trang điểm đậm trong bộ sari màu tươi sáng, nhảy vũ Bollywood với bản nhạc trên điện thoại di động. Rina nhìn xa xăm. Gia đình chị không biết con gái mình làm việc này, mà cứ ngỡ con đang sống với người chồng ở.

Đã nhiều năm, Rina không về nhà, chị nhớ con quay quắt. Một phần số tiền kiếm được, Rina dùng để trả học phí cho con trai 10 tuổi, đang sống với ông bà ngoại ở Chittagong. 

Rất nhiều gái mại dâm trên đảo Banishanta cũng làm y như Rina. Bản thân Rina không muốn con trai đến gần Banishanta, không muốn con trai biết mẹ làm gái điếm. Rina muốn con lớn lên và thành một người đàn ông tốt.

Đọc thêm