Hắt hủi cha mẹ - lương tri nhức nhối

(PLVN) - Những hành vi đánh đập, bỏ rơi cha mẹ gần đây đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức, về sự hao mòn những giá trị con người. Không chỉ thế, đó còn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đáng bị trừng trị. 
Hình ảnh trong clip hai vợ chồng con trai hành hạ mẹ già khiến dư luận bức xúc.
Hình ảnh trong clip hai vợ chồng con trai hành hạ mẹ già khiến dư luận bức xúc.

Bị con cái bạo hành, cha mẹ đau gấp hai lần

Cách đây không lâu, một sự việc xảy ra ở Tri Tôn, An Giang khiến dư luận hết sức bức xúc, đó là vụ con gái ruột đánh đập, hành hạ mẹ già bị tung clip lên mạng.

Thời điểm ấy, clip quay cảnh một người phụ nữ to béo tắm cho cụ bà già yếu dưới nền xi măng, vừa tắm, người phụ nữ vừa thực hiện hành vi “xối nước” mạnh từ trên cao xuống, sau đó dùng bàn chải chà thật mạnh lên thân hình bà cụ, vừa chà vừa chửi bới. Tắm xong, người phụ nữ này lại kéo lê bà cụ trên nền đất, vừa kéo vừa chửi rủa, bảo bà cụ “chết đi cho đỡ cực”.

Trong clip có tiếng người can ngăn, nhưng người phụ nữ vẫn không dừng hành động bất nhân của mình lại. Trước đó, nhiều người dân chung quanh kể lại, cụ bà trong clip, cụ Nguyễn Thị L., 87 tuổi đã ốm yếu, thường chống gậy đi chợ và kể cho mọi người là bị con gái đánh đập. Sau đó, cụ bà bệnh liệt giường, ốm yếu trơ xương rồi mất đi. Nhiều người cho rằng, sự bạo hành của người con gái chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của mẹ già.

Một vụ việc khác xảy ra cùng thời gian, ở Yên Bái, là vụ việc con trai say rượu vác ghế đánh mẹ già. Cũng từ một clip lộ ra trên mạng, qua điều tra, người ta mới được biết, người mẹ 60 tuổi ở huyện Văn Yên, Yên Bái có con trai nghiện rượu. Mỗi lần con trai say rượu, người mẹ già thường khuyên can và bị con dùng hung khí rượt đuổi đánh. Gần đây nhất là hình ảnh người cha già mang nguyên chiếc bồ cào trên vai vì bị con trai bổ vào do ông không kịp nấu cơm để con về ăn…

Cứ thi thoảng, một clip xuất hiện trên mạng xã hội lại khiến cho người ta nhói lòng. Có cảnh, con trai và con dâu hùa vào đánh mẹ già nằm liệt giường. Có người quay được cảnh con trai vừa hầu hạ, nâng niu vợ, vừa chửi bới mẹ già “ăn hại” ngay tại phòng chờ bệnh viện. Có đoạn clip cho thấy, con trai đánh cha già yếu bệnh, khiến người cha đầy đau đớn, bất lực, còn mẹ già nằm cạnh dùng tay đỡ cho chồng, rồi hai vợ chồng ôm nhau khóc…

Khó có thể kể hết bao nhiêu clip vô tình quay được những cảnh tượng đau lòng như thế. Nhưng đó chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng. Tồn tại trong rất nhiều gia đình là thực trạng bạo hành người già. 

Có nhiều lý do cho hành động bạo hành ấy: Đời sống cơ cực, trách nhiệm nuôi cha mẹ già khiến con cái áp lực; cha mẹ già bị lẫn, gây ra nhiều hành động oái oăm, hoặc bị bệnh, con cái phải chăm nom vất vả sinh bực dọc.

Có trường hợp, cha mẹ ngày xưa từng là những người nóng nảy, bạo hành con cái, để rồi con cái lại dùng hành động ấy “trả đũa” cha mẹ. Nhưng, không ít trong số đó là trường hợp cha mẹ từng yêu thương, nuôi nấng, lo lắng cho con từ tấm bé, nhưng đến khi con đủ lông, đủ cánh, lại quay sang hắt hủi, đối xử tệ với cha mẹ vì sự ích kỉ của bản thân, cộng với sự thiếu đạo đức của bạn đời. 

Cho dù lý do gì đi nữa thì hành vi đánh đập, hắt hủi cha mẹ là cực kì bất hiếu, vô cảm và không thể chấp nhận được. Điều đáng nói là hầu hết các cụ, khi bị con cái đánh đập đều “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Không phải vì các cụ không dám nói, mà là không muốn nói, không nỡ nói. Nói ra thì xấu mặt con, xấu hổ cả cho mình. Bởi, con cái là niềm tự hào của cha mẹ, một khi con cái bất hiếu, bất nhân, bạo hành thì cha mẹ không chỉ đau nỗi đau thể xác, mà còn tổn thương về mặt tinh thần, tâm hồn… Nỗi đau nhân lên gấp hai lần. 

Người già cô đơn, bị bỏ rơi - nỗi đau thời đại

Cụ Lê Văn H., 80 tuổi, góa vợ sống thui thủi trong một căn nhà xập xệ ở một huyện sông nước thuộc tỉnh Hậu Giang. Cụ đã già, yếu rồi nhưng vẫn phải tự đi chợ, nấu nướng, tự chăm sóc bản thân. Lúc trái gió trở trời, lúc cụ đau ốm, thi thoảng có một người cháu bà con xa ở xã bên, được hàng xóm gọi đến chăm cho cụ chút ít rồi về. Nhìn gia cảnh cụ, người ngoài cứ ngỡ cụ tứ cố vô thân. 

Thế nhưng, thực ra cụ có 3 đứa con trai, cũng có gia đình đề huề, có của ăn của để. 2 con trai sống ở Sài Gòn, kinh doanh buôn bán cũng có đồng ra đồng vào, một người đi biển ở Kiên Giang. Mỗi năm, các con cụ tạt qua nhà 1, 2 lần, cho cụ ít tiền rồi đi, còn vợ con họ thì nhiều năm không bén mảng về. Ngày lễ, chung quanh người ta con cháu tụ tập đông đúc tổ chức ăn uống. Ngày Tết, gia đình nào cũng có con có cháu quây quần.

Hỏi, sao con cụ không về, cụ chống chế, con cụ bận quá, còn có gia đình phải lo. Hỏi, sao nó không đón cụ đến nhà ở chung cho vui vầy mấy ngày lễ, Tết, cụ bảo, cụ già, yếu, thế hệ trước nên không hợp với dâu, với cháu.

Nhưng nhìn vào đôi mắt kèm nhèm, nhìn vào khoảng trống buồn mênh mông trong mắt cụ, có thể hiểu được nỗi buồn tủi, cô đơn của người cha già, lúc còn trẻ đã bôn ba kiếm tiền nuôi dưỡng con, nhưng đến già lại bị chúng đặt ra ngoài cuộc đời của chúng.

Những người cha, người mẹ quạnh quẽ trong những làng quê, vò võ chờ những đứa con đi xa lập nghiệp trở về đã thành câu chuyện không quá xa lạ trong gia đình Việt hiện nay. Với cái cớ công việc bận rộn, với cái cớ “chăm sóc gia đình”, rồi sợ đón cha mẹ lên làm “xáo trộn đời sống”, nhiều người con nhắm mắt, coi như không thấy, không biết chuyện cha già mẹ yếu ở quê nhà không có con thăm hỏi, săn sóc về vật chất, tinh thần. 

Đó là còn chưa kể, nhiều người con sống chung quanh, nhưng vẫn để cho cha mẹ thiếu thốn, khổ sở mà không chăm non. Nhiều sự việc nhức nhối trong xã hội như chuyện con cái dắt cha mẹ đã già, lẫn ra giữa đường, đến khu hoang vắng bỏ rơi đã gióng lên hồi chuông về đạo đức của những người con thời nay. Không chỉ thế, đó là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải lên án, nghiêm trị để có sự cảnh tỉnh trong xã hội. 

Hãy chăm sóc cha mẹ

Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ những điều nên làm trong mối quan hệ giữa con cái đối với cha mẹ để mỗi gia đình được ấm êm, hạnh phúc.

Cha mẹ là những người có công sinh thành, dưỡng dục con cái, vì vậy, làm con phải biết bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, thể hiện lòng hiếu kính chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Tùy theo tuổi nhỏ hay đã trưởng thành mà có những ứng xử cho phù hợp: Phải kính trọng bố mẹ thể hiện bằng việc làm, lời nói, cách đối xử; phải thường xuyên thăm viếng, nói chuyện, hỏi han; nên hỏi ý kiến cha mẹ trong những việc lớn, coi trọng ý kiến của cha mẹ; mời cha mẹ chủ trì những việc quan trọng, thay mặt gia đình tiếp xúc với ông bà, họ hàng giúp cha mẹ chăm lo hương khói tổ tiên; nên chăm sóc đời sống vật chất (tùy theo điều kiện), tinh thần khi cha mẹ tuổi cao… 

Đọc thêm