Karaoke - thú vui và sự nhức nhối sau hỏa hoạn

(PLO) - Hàng loạt quán karaoke bị cháy, đã có nhiều người chết trong những vụ hỏa hoạn này. Câu trả lời vẫn là một ẩn số nhức nhối.
Vụ cháy lớn tại quán karaoke Nhật Thực ở số 4B, ngõ 43 Giảng Võ, Hà Nội khiến 5 người tử vong, trong đó có một chủ quán và 4 nhân viên (nguồn: Internet)
Vụ cháy lớn tại quán karaoke Nhật Thực ở số 4B, ngõ 43 Giảng Võ, Hà Nội khiến 5 người tử vong, trong đó có một chủ quán và 4 nhân viên (nguồn: Internet)
Vừa hát vừa run
Thằng bạn trúng mánh mối làm ăn. Để ăn mừng, hắn mời lũ bạn bữa trưa kèm hát túy lúy. Địa điểm được cả nhóm nhất trí chọn là quán karaoke  trên phố Nguyễn Khang, nằm ngay ven sông Tô Lịch. Đây là quán hát được giới yêu hát thích nhất trên con phố này. 
Đó là quán hát 6 tầng với 15 phòng hát hiện đại. Cậu nhân viên đưa khách vào phòng hát, rồi nhanh chóng bật hai chiếc điều hòa, sau đó ra ngoài khuân mấy két bia.  Căn phòng khoảng 20 mét vuông lúc này như ma quái với đủ ánh đèn trang trí khắp nơi. 
Cả phòng hát chứa đầy thiết bị điện, điện tử với lũ trai ngấm men đang gào thét, hú hét điên dại trong men bia, ngập ngụa trong thuốc lá. Cậu nhân viên lại trở vào châm thêm mấy ngọn nến cho bớt mùi khói thuốc. Quá nhiều lửa, nhiều nhiệt trong một căn phòng nhỏ. 
Thấy vậy, tôi hỏi: “Nhiều lửa thế này không sợ cháy à?” Cúi sát tôi, cậu hét trả lời: “Cũng cháy nhiều lần rồi, nhưng đều nhỏ nên khách và chúng em đều dập được. Anh nhìn xem, mấy tấm nệm trên ghế có tấm nào nguyên vẹn đâu, toàn nham nhở bởi các anh hút thuốc vứt vào đó”. 
Quán ngày càng đông. Thuốc lá, nến trông qua  các ô kính ở phòng hát lập lòe... Tranh thủ lúc ra nhà vệ sinh, tôi quan sát quán hát thấy không hề có bất cứ bảng chỉ dẫn cũng như bình cứu hỏa nào nếu hỏa hoạn xảy ra. Khách lên, xuống đều dùng thang máy, cầu thang bộ nằm khuất nẻo, tối thui trong góc xa căn nhà.
“Cháy làm sao được mà lo!” 
Ở TP.Hà Nội, mấy năm gần đây đã hình thành lên những con phố được mệnh danh là phố karaoke như ven sông Tô Lịch, Đê La Thành, Nguyễn Chí Thanh, đường Láng, Hồ Tùng Mậu... Lượng khách ra vào các điểm vui chơi, giải trí này luôn nườm nượp, nhất là vào các buổi tối cuối tuần, dịp nghỉ lễ, tết. Thậm chí có những quán ở phố Đê La Thành đông khách đến nỗi cứ chiều chiều, chủ quán lại cho hàng chục nhân viên ra đứng giữa đường… phân làn giao thông cho khách vào ra thuận tiện trong lúc tắc đường. 
Tuy nhiên, một thực tế các quán karaoke đều chung đặc điểm là  công tác PCCC đang bị bỏ ngỏ. Nguy cơ hỏa hoạn lơ lửng trên đầu. Một chủ quán karaoke mà tôi quen trên đường Đê La Thành hỉ hả kể cho tôi “chiến dịch xây dựng” cấp tốc ngày đêm căn nhà nằm ngay bên đường của mình hồi cuối năm ngoái. 
Mọi việc kết thúc cũng là khi đến ngày ông Táo chầu giời. Ông chủ bảo quán cái gì cũng có, toàn đồ hiện đại, đảm bảo khách hát chỉ có khen hay. Nhưng khi được hỏi vì sao  chẳng thấy cái bình cứu hỏa nào trong gian nhà mênh mông kia thì ông cười xòa, phẩy tay: “Cháy làm sao được mà lo!” .
Anh Hoàng Bách Tuấn, chủ một tổ hợp chuyên nhận thi công, trang trí nội thất cho các quán hát chia sẻ rằng, trong gần chục năm hành nghề, nhận rất nhiều đơn hàng thi công nhưng gần như chẳng mấy ông chủ đề cập với anh câu chuyện chú ý phòng ngừa cháy nổ. Tất cả các đơn hàng đều cùng mục đích làm càng nhanh càng tốt, thêm nhiều màu sắc của đèn trang trí, quảng cáo và nhất là giá cả phải rẻ. 
Anh cho biết thêm, do tính chất mùa vụ, hay chủ yếu chú trọng trang trí sao cho bắt mắt nên phần nhiều vật liệu, nội thất làm bằng mút, xốp, nhựa… có xuất xứ từ Trung Quốc, là những vật liệu rẻ tiền, dễ trang trí, thay đổi nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cực cao khi thi công hay sử dụng. Đó là chưa kể một hệ thống máy móc, thiết bị tiêu tốn một lượng điện rất lớn cũng là nguyên nhân dễ xảy ra chập điện gây cháy nổ.
Làm một vòng khảo sát các quán karaoke trên địa bàn Hà Nội, điều có thể dễ nhận thấy nhất là đa phần các quán đều nằm ở vị trí đông dân cư, cấu trúc nhiều quán không thông thoáng, diện tích chật hẹp, không có lối thoát hiểm nên rất nguy hiểm. Có những quán sâu trong ngõ, khi xảy ra cháy  rất khó tiếp cận hiện trường để khống chế ngọn lửa. Mặt khác, nhiều quán không trang bị các dụng cụ chữa cháy tại chỗ và hệ thống báo cháy tự động, nhân viên không được huấn luyện về công tác PCCC. 
Yêu cầu của  Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội về lối thoát nạn khi hỏa hoạn
Có đủ lối thoát nạn, có giải pháp ngăn lửa, chống tụ khói; cửa đi trên lối thoát nạn mở theo chiều thoát nạn, làm bằng vật liệu không cháy; có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho toàn bộ công trình, từng khu vực, từng tầng; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn lối và đường thoát nạn.

Đọc thêm