Khổ như làm dâu thời ...@!

(PLO) - Ngày bước chân lên xe hoa về nhà chồng, Hải đứa bạn thân nhất của Trà My đã từng dặn đi dặn lại cô “mày xuất thân cũng từ nông dân, chỉ được tý học hành, về nhà đấy chịu khó mà lo việc nhà chồng không lại khổ đấy”. Dù ghi lòng tạc dạ lời dặn của bạn nhưng khi về làm dâu, Trà My vẫn “sốc toàn tập”.
Khổ như làm dâu thời ...@!

Tối ngày cưới, khi Trà My vừa cởi chiếc áo cô dâu thì bà mẹ chồng lôi tuột cô ra sau nhà, chỉ vào đống bát đĩa cao như núi và bảo, con rửa dần đi, mẹ gọi mấy bà hàng xóm sang dọn cùng. Thế rồi 1 tiếng, 2 tiếng…chả thấy bà hàng xóm nào sang còn hai cô em dâu của My thì mất mặt vì lý do con nhỏ. Dọn dẹp đến gần 12h đêm mượn cớ phục vụ ông chồng say xỉn trong phòng tân hôn, My mới được đi ngủ trong trạng thái mình mẩy ê ẩm, đầu óc trống rỗng.

Sáng hôm sau, bảnh mắt đã thấy mẹ chồng loảng xoảng dọn dẹp bên ngoài rồi tiếng chì tiếng bấc khiến cô có nằm cũng chả yên. Rồi thì 3 ngày “hậu cưới” cũng qua trong mệt mỏi bơ phờ. Tưởng nhà có đám hỷ mới vậy nhưng sau thì Trà My hiểu ra cái nếp nhà chồng cô là vậy. Con trai trưởng thì lo kinh tế, còn dâu trưởng thì phải quán xuyến tất cả mọi việc trong nhà. 1 năm 22 đám giỗ, đám bé thì 3 mâm, nhiều thì bằng cả cái đám cưới. Mà đã là dâu trưởng thì bất luận thế nào cũng phải có mặt không những lo cỗ bàn, dọn dẹp mà sau đấy phải đi chia phần, đem đến từng nhà bẩm báo các cụ. Có lần, nhà chồng có giỗ, My bận lịch công tác không hoãn được, thế là thành chuyện lớn, bố mẹ chồng, chồng rồi cả họ nhà chồng bảo cô không coi ai ra gì, đến cái giỗ còn không có mặt.

Lần khác, quá mệt mỏi với những chuyện cỗ bàn, dọn dẹp, cô nhờ người quen thuê một người về rửa bát cùng với tiền công 200 ngàn. Bố mẹ chồng cô biết chuyện cho là cô sang chảnh, làm trò nên đay nghiến, trì chiết suốt cả năm. Đấy là mới nói chuyện giỗ chạp, cỗ bàn. Mặc dù không sống chung cùng bố mẹ chồng, chỉ một tuần về thăm một lần nhưng cũng có một tỷ thứ để bố mẹ chồng phàn nàn về dâu trưởng, từ chuyện cô không biết đẻ (Trà My sinh hai con gái) đến chuyện không biết kiếm tiền, không khéo việc nhà, không lo được cho các em… Thôi thì đủ thứ chuyện trên đời. Sau này cô mới biết căn nguyên là do ngay từ đầu bố mẹ cô đã ngăn cản chuyện chồng My lấy My nhưng vì anh làm dữ quá nên họ phải chấp thuận. Làm dâu 10 năm, ngoảnh lại nhiều khi My tự ngưỡng mộ mình, tại sao lại có thể chịu đựng trong một gia đình nhà chồng gia trưởng, hà khắc đến như vậy. Nhưng có lẽ cũng đã thành thói quen, thói quen cũng do cô quá nhẫn nhịn mà ra.

Không tháo vát, đảm đang như Trà My nhưng Minh Trang lại xuất thân từ con nhà khá giả, cuộc sống đơn giản vì cô không bao giờ phải lo chuyện tiền bạc hay tích cóp. Chính vì được bố mẹ quá nuông chiều, ỷ thế tiền bạc mà mãi đến khi lấy chồng ở tuổi 29, Minh Trang hầu như không biết tý gì về nữ công gia chánh, cả việc tối thiểu nhất như nấu một bát mỳ hay luộc một đĩa rau. Ngày đầu về nhà, bố mẹ chồng cô hết sức ngỡ ngàng khi cầm quả chanh, Trang cắt dọc không suy nghĩ. Sáng hôm sau ngủ dậy, anh chồng đói bụng, đòi ăn mỳ tôm nấu rau ngót thì Trang đổ đầy một nồi mỡ, còn cho thêm cả nước mắm. Biết con dâu từ bé đến lớn chưa từng mó máy việc nhà, mẹ chồng cô kiên nhẫn dạy bảo cô từ đầu, từ thứ nhỏ nhất.

Biết mình đoảng, Trang cũng chịu khó học nhưng lúc nào cũng trong trạng thái phải gồng mình lên. Lo nhất là những ngày mẹ chồng đi vắng, vào bếp nấu một bữa cơm cô phải gọi cho mẹ đẻ, cho chị gái đến cháy cả điện thoại để hỏi xem nấu món này thế nào, món kia thế khác…Những lúc như vậy cô lại thầm trách bố mẹ mình, đã không làm cho cô hiểu, con gái đi lấy chồng không phải cứ mang về nhà chồng một đống tiền là đủ, nhất là những gia đình nền nếp, gia phong như nhà chồng cô…

Câu chuyện làm dâu có lẽ nói cả ngày không hết, mỗi người mỗi phận. Có câu con gái như hạt mưa sa… sướng hay khổ có lẽ cũng một phần do duyên trời định. Tuy nhiên, nói một cách thực tế hơn thì cuộc sống của mình là do mình quyết định. Hạnh phúc hay không là do quan điểm của mỗi người. Cùng một hoàn cảnh, khó khăn cũng như nhau mà sao có người chịu được, vẫn thấy cuộc đời tươi sáng còn có người lại phải vùng vẫy thoát ra. Xã hội hiện đại, những đòi hỏi với nàng dâu cao hơn nhưng cũng thông thoáng hơn, tùy vào nề nếp mỗi gia đình.

Quan trọng là mỗi nàng dâu cần phải hiểu rằng thời nào cũng vậy, dù xã hội có thay đổi như thế nào đi nữa, thì trước hết người phụ nữ vẫn là người vợ, người mẹ, người con trong gia đình. Hơn hết, họ phải coi gia đình nhà chồng như gia đình của mình, để nỗ lực, cố gắng và yêu thương. Học vấn càng cao càng phải biết cư xử, lễ nghĩa. Tuy nhiên, để tìm được tiếng nói chung trong gia đình, các nàng dâu cũng rất cần sự chia sẻ, cảm thông của những người thân, đặc biệt là các ông chồng.

Đọc thêm