Kiếm bộn từ trào lưu “low - carbonhydrate”

(PLO) - Trào lưu ăn kiêng “low – carbonhydrate” đang trở nên rất phổ biến và len lỏi đến từng chị em, cộng đồng mạng. Việc bùng phát trào lưu đã tạo thời cơ để các cửa hàng kinh doanh thực phẩm trực tuyến đẩy mạnh công việc quảng bá nhãn hiệu, tăng doanh số.
Bên cạnh vẻ bóng bẩy của món ăn người dùng cần cẩn trọng khi mua phải hàng giả, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bên cạnh vẻ bóng bẩy của món ăn người dùng cần cẩn trọng
khi mua phải hàng giả, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. 
Trào lưu ăn kiêng “low – carbonhydrate” được tiến sĩ người Hoa Kỳ phát kiến từ năm 1972. Nó trở nên phổ biến như vậy là nhờ vào quá trình áp dụng, lăng xê nhiệt tình từ những thiên thần của Victoria’s secret. Để tiến hành phương pháp này, người ăn kiêng cần cắt bỏ một lượng lớn các chất như đường, bột thay bằng chất xơ trong khẩu phần ăn. Trào lưu hiện được các chị em thừa cân áp dụng mỗi ngày. Nó vừa giúp họ giảm cân theo ý muốn vừa giảm áp lực về mặt tinh thần trong công việc. 
“Trào lưu ăn kiêng “low – carbonhydrate” tuy có đôi chút khó khăn nhưng đôi khi nó đem lại cho tôi niềm vui, tiếng cười, giảm một cân an toàn. Tôi và các chị em rất hào hứng khi tham gia trào lưu này” – chị Nguyễn Thị Vệ, một thành viên (Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Nhận thấy việc bùng phát trào lưu là cơ hội để mảng kinh doanh thực phẩm trực tuyến tung ra các chiêu quảng cáo, bán hàng khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng, anh Hoàng Văn Linh, Giám đốc kinh doanh cửa hàng đồ ăn kiêng tại Đền Lừ, Hoàng Mai cho biết: Hơn một tháng nay, số lượng khách hàng đến mua trực tiếp cũng như đặt hàng online tăng mạnh. Ước tính doanh số bán ra các mặt hàng ăn kiêng hai tuần đầu tháng sáu đạt hơn 300 đơn hàng, tăng gấp đôi và bằng doanh số cả tháng năm. Anh Linh kỳ vọng với đà này, trong hai tuần cuối tháng sáu và đầu tháng bảy doanh số sẽ liên tiếp tăng nhanh như hiện tại.
Để tăng sức hấp dẫn, gây ấn tượng với du khách, không ít cửa hàng trực tuyến đã liên tục đưa ra chương trình khuyến mãi, tri ân khách hàng, chạy quảng cáo trên các trang web bằng những từ khóa “căn kiêng theo yêu cầu”… 
Chị Nguyễn Minh Hiền, nhân viên kinh doanh thực phẩm trực tuyến bán đồ ăn kiêng theo yêu cầu trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh cho biết: Số lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng nhanh, đặc biệt vào những ngày thời tiết nắng gắt, chị em lười ra ngoài nên dịch vụ ăn kiêng trực tuyến rất đắt hàng. Từ chỗ chỉ là điểm bán hàng cho khách ăn kiêng, hiện tại cửa hàng là địa điểm ăn kiêng ưa thích của khách với những món quen thuộc như bánh bột hạnh nhân, bánh làm bằng trứng. 
Cửa hàng của chị Hiền bán cả bánh làm sẵn và phục vụ cả nhu cầu cung ứng nguyên liệu để làm bánh ăn kiêng cho người giảm cân như bột hạnh nhân, đường ăn kiêng, phô mai. Được biết, giá mỗi chiếc bánh thường đắt gấp từ năm đến mười lần so với những chiếc bánh thường. Cụ thể, bánh bông lan cho người giảm cân làm sẵn có giá 40.000 – 60. 000 đồng/chiếc, bánh bông lan nhân phô mai dao động từ 25.000 – 50.000 đồng/ chiếc, bánh sinh nhật cỡ nhỏ vừa dao động từ 300.000 – 500.000 đồng/chiếc. 
Nắm bắt được cơ hội thúc đẩy kinh doanh thực phẩm ăn kiêng, vốn đang có sẵn trong tay nguồn cung, anh Nhân, một chủ cửa hàng cho biết: “Giá thực phẩm ăn kiêng đang nhích lên từng ngày do nhu cầu tăng cao, nguồn cung có dấu hiệu khan ảo để tăng giá vô tội vạ. Nếu như mỗi kilôgam bún cho người ăn kiêng trước kia giá 170.000 đồng/kg thì giờ đây đã lên gần 190.000 đồng/kg, thậm chí có nơi lên đến 200.000 đồng/kg. Hiện trong cửa hàng anh Nhân có trên 80 món ăn, hai phần ba trong số đó là các món ăn với giá bình quân từ 50.000 – 100.000 đồng/suất”.
Là người có thâm niên trong lĩnh vực ăn kiêng, anh Nhân cho lời khuyên: Khách hàng mua đồ ăn kiêng nên cẩn trọng xem kỹ thông tin nhãn hàng để không mua phải hàng kém chất lượng. Hiện tại do trào lưu ăn kiêng “low – carbonhydrate” khá phổ biến nên không ít kẻ lợi dụng sơ hở của khách hàng để kinh doanh hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh hòng kiếm lợi cao.
Đã có một số trường hợp “than” sau khi ăn thực phẩm ăn kiêng theo chế độ ăn kiêng “low – carbonhydrate” nhưng đem lại kết quả ngược. Lý giải cho việc này, anh Nhân chia sẻ: “Những thực phẩm nhái đồ ăn kiêng thường chứa nhiều đường, chất béo nên khi ăn vào sẽ đem đến tác dụng ngược với người dùng. 
Rất nhiều thực phẩm như bánh kem, bánh bông lan, bánh bột hạnh nhân nhái khó phân biệt nên người tiêu dùng cần ngửi mùi và nếm thử. Ví như bột hạnh nhân cho người ăn kiêng ăn vào rất mát, không ngọt và dẻo quánh còn bột hạnh nhân nhái được bán với giá rẻ gấp đôi, ăn vào vị ngọt lớ”.

Đọc thêm