Làng hoa Sa Đéc, nơi tình yêu bắt đầu

(PLO) - Hân bảo đi Sa Đéc với em, tôi lắc đầu rồi bỗng chốc lại gật đầu. Và đó là chuyến đi đáng nhớ nhất, theo suốt cuộc đời…
Làng hoa Sa Đéc, nơi tình yêu bắt đầu
Mấy mươi năm trước, Sài Gòn ồn ào nuốt chửng lấy tôi trong một mùa đông nóng nực. Tết sầm sậm đến, chẳng được ra Bắc ăn tết cũng không người quen, tôi “tứ cố vô thân” tiễn hết người này tới người khác lên xe đò về quê, đứng giữa vùng đất hoa lệ mà cay mắt. 
Hân là văn thư, ngày hai lần vào phòng tôi chuyển thư từ và pha trà, nước khi có khách. Chẳng ấn tượng gì nhiều ngoài mái tóc ngang vai và vòng eo bé xíu, rất đẹp khi mặc áo dài.
Ngày cuối năm, loay hoay dắt xe vào cổng cơ quan thì thấy Hân tất tả tay xách, nách mang đi ra, mắt hoe đỏ. “Có chuyện gì vậy em”, “Em trễ xe rồi, giờ biết làm sao mà về quê”. “Quê em ở đâu” “ Em ở Sa Đéc”,  Sa Đéc là vùng nào tôi chẳng rõ nhưng cái tâm trạng hoang hoải của Hân tôi hiểu lắm lắm. “Thôi lên xe anh đưa ra bến xem thế nào”. Chẳng có xe nào còn chỗ. Hai đứa đứng tần ngần ngoài bến miền Đông. “Sa Đéc cách đây bao xa hở em” “Hơn 100 km anh ạ, hay anh về quê em ăn tết”. 
Tôi lắc đầu rồi lại gật đầu. Hân bỏ bớt lại chút đồ đạc rồi hai đứa chạy xe gắn máy ra xa lộ. Dọc đường em kể nhà có em là lớn và cậu em út tàn tật, không nhìn thấy đường từ khi 5 tuổi.
Sa Đéc, trong tôi là hình ảnh chuyến phà nối liền Vĩnh Long và Sa Đéc, câu chuyện lãng mạn đọc từ thời ngồi trên ghế nhà trường. Tiểu thuyết L'Amant (Người tình) của nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras. Nghe kể nữ văn sỹ này đã yêu chàng công tử Huỳnh Thủy Lê hào hoa, con trai một điền chủ người Hoa từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng đó là câu chuyện không có "happy ending", cuối cùng chỉ là những nỗi nhớ và day dứt khôn nguôi…
Hân kể người quê em không đọc  L'Amant  nhưng họ đều có thể kể vanh vách về Huỳnh Thủy Lê. Xe gần tới thị xã, những chiếc xe ngựa chở hoa ngược ra bến vẫn tấp nập, vườn nhà ai đó ngập lá mai, những nụ hoa vàng rực trong chiều ngược nắng.
Chúng tôi đi qua những con phố nhỏ, bình yên, những nếp nhà xưa lao xao bữa cơm chiều và rẽ về phía làng hoa Tân Quy Đông. Nhà Hân trong vùng trồng hoa, mẹ Hân bỏ mớ cúc vạn thọ đang bó dở ra đón con, nhìn tôi với ánh nhìn trìu mến. Cậu em trai ngồi trên sân nghịch với con mèo nhỏ, nghe tiếng chị Hai về thì đòi quà. Tôi đã phải quay vội đi trước hình ảnh ấy, nó như một ánh mặt trời rọi thẳng vào trái tim tôi, rát bòng nhưng ấm áp.
Mẹ Hân kể làng Tân Quy Đông đã nổi tiếng từ hơn 100 năm nay, là nơi cung cấp hoa cho TP Hồ Chí Minh. Bao đời nay nhưng bà con chòm xóm vẫn chỉ tần tảo chăm sóc những ruộng hoa, người đi học xa rồi ở lại thành phố làm việc như Hân không có nhiều. 
Hân dẫn tôi đi chơi chòm xóm, vào nhà các bạn học cấp ba, cô nào cũng thoăn thoắt bó hoa. Làng quê chìm đắm trong màu sắc và hương hoa ngan ngát. Nhiều nhất vẫn là mai chiếu thủy, cúc vạn thọ và ớt kiểng. Nhiều nhà chuyên mãn đình hồng, cúc kim, thược dược. Hoa hồng nhiều vô kể, đủ các loại, thấy Hân bảo người làng em lưu giữ được mấy chục giống hồng.
Hoa hồng là biểu tượng của tình yêu, xứ này lại là nơi nảy sinh mối tình nổi tiếng của ông Huỳnh Thủy Lê với nữ văn sĩ người Pháp nên tôi và Hân đã vô cùng thích thú khi cùng chung ý nghĩ: đây là nơi bắt đầu của tình yêu.
Tôi không từng nghĩ mình sẽ lấy vợ Sài Gòn, huống gì là miền Tây sông nước. Nhưng chuyến đi Sa Đéc năm ấy, vựa hoa hồng bên dòng sông Tiền mát lạnh, tô hủ tiếu dưới nếp nhà xưa như sợi chỉ níu chân tôi từ bấy…
Xuân này, đã là năm thứ 10 tôi ăn tết ở làng hoa Tân Quý Đông. Nhà xưa, ba má vợ tôi đã cất rộng thêm một căn để vợ chồng tôi và xắp nhỏ về quê ăn tết. Con trai, con gái tôi từ trước tết đã về tuốt lá mai trong vườn với ông bà ngoại.
Chuyến phà trong câu chuyện Người tình giờ chỉ còn trong phim ảnh, ai đó rơi nước mắt khi nghĩ hai nhân vật chính đã có một chuyện tình buồn thì cứ nghĩ, chứ tôi lại luôn nghĩ rằng, mảnh đất này, vùng hoa này, vẫn cứ đẹp mãi trong trái tim những người từng biết thế nào là yêu.
Bởi tình yêu, dù chỉ thực sự một lần trong đời, có trả giá ra sao, cũng là quá đủ.

Đọc thêm