Liệt nửa người vẫn chế máy công nông tự lái

(PLO) - Bản thân gặp tai nạn lao động, liệt hơn nửa người. Vợ bỏ đi, con chết. Nhưng bằng nghị lực phi thường và sự yêu thương của người thân, anh Thông đã vươn lên trong cuộc sống, trở thành một người có ích.
Vợ bỏ, con chết, cha bệnh tật, bản thân mất sức khỏe 94%, người đàn ông tật nguyền vẫn luôn lạc quan
Vợ bỏ, con chết, cha bệnh tật, bản thân mất sức khỏe 94%, người đàn ông tật nguyền vẫn luôn lạc quan
Vợ bỏ, con chết, cha cũng bại liệt
Đó là câu chuyện về anh Nguyễn Văn Thông (SN 1972, ngụ khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú, TX Thuận An, tỉnh Bình Dương). Người thợ lành nghề chuyên gò hàn, sửa chữa máy móc gặp một tai nạn lao động vào năm 2002, bị mất sức lao động đến 94%, liệt từ ngực trở xuống, anh vẫn không đầu hàng số phận.
Gương mặt rạng ngời, tràn đầy sức sống, anh kể về những bi kịch của cuộc đời mình nhẹ nhàng.  
Năm 1995, anh Thông lên Sài Gòn, có nghề sửa chữa máy móc trong tay, xin vào một xưởng tư nhân ở quận 6. Làm được một năm, anh chuyển sang một công ty chuyên gò hàn, thu nhập dù không giàu có nhưng vẫn đủ tiền nuôi vợ con, gửi về quê cho cha mẹ già.
Công việc ổn định, lại sự cần cù chăm chỉ, anh được cất nhắc lên chức tổ trưởng. Nhưng rồi định mệnh ập xuống khiến anh tan nhà nát cửa. Đó là ngày Chủ nhật 4/8/2002, trong công trình đang thi công ở Khu chế xuất Linh Trung 1 (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM), anh làm việc cách mặt đất 10m, dưới chiếc cần cầu đưa bó sắt lên cao.
Bị trượt cáp, bó thép nặng hàng tấn đánh mạnh vào lưng khiến anh văng xuống đất, ngất đi không còn hay biết gì nữa.
Các bác sĩ cho hay anh gãy đốt sống lưng L2, L3 và bị liệt từ phần ngực trở xuống hai chi dưới, không thể cử động được. Anh Thông cho hay: “Ở bệnh viện Chợ Rẫy, phía công ty có đến thăm, tặng quà, lo tiền thuốc men và bồi thường theo đúng pháp luật”.
Căn nhà tạm bợ nơi người đàn ông nghị lực phi thường đang sinh sống
 Căn nhà tạm bợ nơi người đàn ông nghị lực phi thường đang sinh sống
Trong khi anh nằm điều trị ở bệnh viện, người vợ đầu ấp tay gối bao năm lặng lẽ dắt đứa con gái bỏ đi. “Thấy lâu không về, mẹ tôi bảo đi tìm, nói chắc vợ tôi đi lạc. Bản thân tôi tiên lượng trước sự việc nên chỉ lắc đầu.
Và đúng như thế, cô ấy không chịu được cực khổ, không chịu nuôi một người chồng bại liệt vô dụng nằm một chỗ nên bỏ về quê, gửi con cho cha mẹ rồi đi lấy chồng khác”, anh Thông kể.
Suốt bốn năm, hết nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy, gia đình đưa anh đến nhiều trung tâm phục hồi chức năng ở Sài Gòn, với hi vọng có thể khôi phục được một ít sức khỏe. Nhưng gia đình nghèo quá, cạn tiền, đành đưa anh về nằm ở nhà. 
Cha anh cũng rơi vào bệnh tật. Căn bệnh tai biến khiến ông nằm một chỗ như con trai. Mọi việc trong nhà chỉ một tay mẹ anh cáng đáng.
Rồi ba năm trước, anh nhận được hung tin con gái anh lìa trần vì bệnh phổi. Gia đình bên vợ cũ chỉ báo tin khi con gái anh đã phải thở oxi, không còn nhận ra khuôn mặt cha mình. 
Đã có lúc anh suy sụp hoàn toàn. “Nhiều lúc tôi chỉ muốn chết để khỏi phải chịu đau khổ của cuộc đời. Về phía nhà vợ cũ, không còn nghĩa, cũng chẳng còn tình, tôi cắt đứt mọi mối liên hệ”, anh kể,  
“Ông trời không thương, cướp đi của tôi quá nhiều thứ, muốn dồn tôi vào tận cùng bi kịch. Thế nên tôi mới uất ức phải sống, phải chứng tỏ bản lĩnh”, anh Thông nói.
Liệt nửa người vẫn… lái công nông
Ngày trước gia đình anh Thông sống cạnh kênh Ba Bò (TX Thuận An, Bình Dương), nhưng rồi vướng dự án, bị giải tỏa không đền bù, gia đình anh không còn nơi sinh sống. Cả nhà dắt díu về phường Vĩnh Phú, địa phương thương cảm, cho cất một căn nhà tạm trên đất dự án.
Anh Thông sử dụng máy tiện với sự hỗ trợ của người cháu
Anh Thông sử dụng máy tiện với sự hỗ trợ của người cháu 
Vốn dĩ là người mạnh mẽ, không chịu đầu hàng số phận, đôi chân đã liệt thì còn đôi tay, còn cái đầu biết suy nghĩ. “Một người bạn thấy tôi khổ mới bảo nằm nhà suy nghĩ, thiết kế một cái máy cắt tôn. Nếu thành công, anh ấy sẽ trả 18 tháng lương cơ bản. Tôi làm được, vậy là có tiền ra tiền vào”, anh kể.
Những anh em bạn bè khác đến động viên, giúp đỡ, anh mở một tiệm sửa xe máy. 
Ban đầu công việc không mấy thuận lợi do khách ít. Anh chuyển hướng mở một tiệm sửa chữa không chỉ là xe máy, mà là các loại máy móc xe cộ, đầu tư mua luôn máy tiện sắt. 
Đi lại khó khăn, anh gọi đứa cháu đến phụ giúp. Người cháu trở thành “đôi chân”, mỗi lúc anh cần đi đâu, làm gì, đứa cháu bế anh đến, cũng là học tập kinh nghiệm của chú.
Gom góp tiếp, anh Thông mua được một chiếc xe công nông cũ. Lúc đầu anh kêu tài xế riêng, lái theo ngày. Nhưng công việc bấp bênh, không tài xế nào chịu nhận. 
Bực mình, anh mày mò hơn một tháng chế tạo một bộ tay lái bao gồm thắng, số, tay côn nằm ở một chiếc cần. Anh tự mình lái xe chở đất, chở cát cho người dân trong khu vực. 
Nhìn một người bại liệt lái xe, ai cũng ngao ngán, nhưng vì kế sinh nhai, anh phải liều mình. Thế mà cái nghề lái xe công nông cũng theo anh suốt hai năm. Thời gian gần đây anh mới giao lại xe cho đứa cháu.
“Không chỉ sửa chữa máy móc, chạy xe công nông, tôi còn lái xe máy xúc, đóng cừ tràm, bán đất “xà bần” đắp đường. Làm công việc lương thiện nào mà có tiền để sinh sống, tôi làm hết. 
Người ta thương mình, dù ở xa mấy chục cây số cũng chạy đến kêu sửa chữa, kêu làm việc. Thôi thì đó cũng là phúc phận còn lại sau những bi kịch”, anh Thông nói.
Gặp anh mấy tiếng đồng hồ, thấy anh làm đủ việc, toàn những việc đến người lành lặn làm được cũng khó. Anh nhờ đứa cháu bế lên chiếc giường tự chế. Anh nằm sấp, phần chi dưới được kê bằng hai chiếc gối, ngực và hai khủyu tay tựa lên chiếc gối khác. 
Anh Thông và mẹ
 Anh Thông và mẹ
Anh bật máy, hàn con ốc cho chiếc xe công nông vừa mới hư. Tiếp đó anh nâng chiếc giường lên và bắt đầu với chiếc máy tiện sắt. Anh tâm sự: “Chiếc máy tiện này giúp ích cho tôi lắm. Nhưng nó đã cũ, giờ không còn độ chính xác cao, không còn đủ chức năng nữa.
Vì thế nhiều lúc sửa đồ cho khách phải chạy đi nhờ máy tiện nơi khác. Hôm nào đứa cháu có ở nhà thì khỏe, không có nó, phải réo đầu này, kêu đầu khác mới có người đi giúp. Đợi gom góp được một ít, tôi sẽ đổi ngay cái máy tiện khác cho thuận lợi”.
Lót tấm bạt, anh nằm bệt dưới nền đất, tháo từng con ốc, mở từng chi tiết chiếc xe công nông để sửa chữa. Chỉ dùng sức tay và vai nhưng anh làm việc thành thạo đủ thấy tay nghề của anh đạt đến mức nào.  
Anh tâm sự, bây giờ niềm vui của anh là công việc, là có tiền nuôi sống mình và chu cấp thêm cho cha mẹ già. Anh Thông kể: “Tôi còn sống cho những đứa cháu. Thật hạnh phúc khi các cháu vẫn đối xử với người chú bại liệt tưởng như “vô tích sự” này một cách kính trọng, lễ phép, dù tôi tiền bạc không, nhà cửa không”. 
Về phần địa phương, ngoài việc tạo điều kiện về nơi ở, nơi làm việc, chính quyền còn trợ cấp cho anh Thông mỗi tháng 340 ngàn đồng tiền dành cho người tàn tật.
Những lúc rảnh, trong căn nhà lá, một mình cô quạnh, anh lấy chiếc điện thoại thông minh và đọc báo làm bạn. Mỗi ngày hai buổi trưa chiều mẹ anh mang cơm đến, rồi kéo chiếc giường ra giữa nhà, dội nước, tắm rửa cho con.
“Hơn bốn mươi năm rồi, lại chăm con như thời còn bé”, bà “mắng yêu” mà mắt rưng rưng thương cảm./.

Đọc thêm