Ông Đoàn Văn Vươn cởi áo tù làm lại cuộc đời

(PLO) - Cởi bỏ chiếc áo tù sau ngày được đặc xá, ông ra thẳng khu đầm thắp hương tạ ơn tổ tiên, tiếp đón khách khứa đến chúc mừng, rồi bắt tay thực hiện kế hoạch “hồi sinh” cánh đầm “chết” 

Trở về cuộc sống thường nhật, ông Đoàn Văn Vươn (SN 1963, ngụ thôn Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng - quyết tâm “hồi sinh” khu đầm “chết”, người nông dân từng vướng vòng lao lý mày mò học hỏi kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, ấp ủ xây dựng thương hiệu nông sản sạch.
 Ông Đoàn Văn Vươn
Ông Đoàn Văn Vươn
Trăn trở với cánh đồng nhiễm mặn 
Theo chỉ dẫn, phóng viên tìm đến nhà nhân vật “nổi tiếng” của xã Vinh Quang. Ngôi nhà nhỏ khang trang mới được vợ và em dâu ông Vươn xây dựng khi chồng thụ án trong trại giam. 
Trời đã xế chiều, lúc này chỉ có bà Nguyễn Thị Thương (SN 1970, vợ ông Vươn) ở nhà. Bà cho biết: “Vừa ra tù, ông ấy lao ngay vào việc dọn dẹp khu đầm. Khi ông ở trại giam, nhà chỉ còn phụ nữ nên việc nuôi tôm chỉ cầm chừng”. 
Ông Vươn chạy xe máy trở về, chở theo sau giỏ chuối xanh còn chảy nhựa. Thay vội bộ quần áo lấm bẩn, ông nở nụ cười phân bua: “Ra trại đến nay đã được hai tháng, tôi làm việc luôn chân luôn tay vì sợ quên nghề”. 
Vừa chỉnh lại trang phục ngay ngắn, ông cười khoe đã tăng được 3kg, rồi ngồi kể lại câu chuyện “khai hoang lập đầm”.
Xuất thân từ gia đình nông dân ở xã Bắc Hưng, ông Vươn đến Cống Rộc (xã Vinh Quang) chăn thả đàn vịt. Tại đây, cơn bão năm 1987 đã cuốn mất dãy phi lao chắn sóng chỉ trong một đêm, nguy cơ đê biển không an toàn. Nhìn cánh đồng xã Vinh Quang vốn phì nhiêu trở nên hoang hoá vì không thể thau chua rửa mặn, người dân trồng lúa không được thu hoạch, ông trăn trở. 
Thời gian này, đang theo học lớp đại học tại chức ngành Nông nghiệp tại Hải Phòng, quá trình tìm hiểu, ông càng thắc mắc:
“Cánh đồng nằm gần cửa sông, lưu lượng phù sa rất lớn nhưng đất lại cằn cỗi, không trồng được cây gì. Tại sao phù sa không bồi lên được mà còn hiện tượng biển lấn”. Sau thời gian dài tìm hiểu, ông Vươn đã tìm ra nguyên nhân đê Cống Rộc liên tục bị biển lấn. 
Vốn là trước đây người Pháp đào hệ thống sông đã làm thay đổi dòng chảy ra phía sông Văn Úc, gây nên hiện tượng sạt lở. Trong nhiều năm, chính quyền đắp đê bao quanh, nhưng cơn bão năm 1987 đã cuốn trôi khiến khu đầm nhiễm mặn. 
Chế ngự thiên nhiên
Làm sao để “chế ngự thiên nhiên”, cải tạo cánh đồng trở lại phì nhiêu? Câu hỏi đó khiến ông Vươn trăn trở nhiều đêm liền. Đến năm 1993, huyện Tiên Lãng có chính sách khuyến khích giao đất cho người dân đắp đầm. Ông làm đơn xin nhận vị trí Cống Rộc khai hoang mở rộng diện tích đất. “Nhiều người “gàn” nói vị trí đó bao đời biển lấn không thể cải tạo được. Nhưng tôi khẳng định bãi này cải tạo được. Được giao 21ha, tôi bắt tay vào việc”, ông Vươn nhớ lại. 
Sau khi được giao đất, ông dự tính 10 năm sẽ cải tạo được dòng chảy nhưng chỉ sau tám năm cả cánh đồng Vinh Quang bắt đầu thay đổi, đất đai phì nhiêu, mà dấu hiệu là những khóm cây bắt đầu đâm chồi. Gian truân tám năm trời không kể xiết, cứ buổi sáng ông lại đắp đất, nhưng buổi chiều thủy triều dâng lại cuốn đất ra biển. 
Sáu tháng đầu thất bại, ông Vươn vò đầu bứt tai nghĩ phương án thay đổi: “Tôi bắt đầu đắp chân đê thật vững rồi huy động tàu chở đá xếp quanh đê. Đắp đến đâu, kè đến đó nên chỉ trong một tháng đã hoàn thiện, có ngày tôi huy động tới 700 nhân công”, ông Vươn hồi ức. Hết năm 1994, ông Vươn quyết định bê tông hoá bờ đê kiên cố.
Hai năm sau, ông mới bắt đầu khai thác trên diện tích cải tạo, nuôi thả tôm sú. Ông phải mua tôm giống từ viện nghiên cứu hải sản Đà Nẵng. Không có tiền, ông mạnh dạn vay mượn họ hàng, vay vốn ngân hàng. Gian nan chưa hết, khi cánh đồng tôm đang phát triển tốt thì cơn bão năm 1996 lại quần nát cánh đồng như thử sức người nông dân: “Tôi phải tạm dừng nuôi tôm, chuyển sang gieo trồng cây bần. Huy động cả nhà trồng rừng chắn sóng cả năm trời mà cây không sống nổi”. 
Nhiều đêm gác tay lên trán, chủ đầm bất thình lình vùng dậy đấm mạnh vào tường nhà tự nhủ: “Tại sao trồng cây mãi không lớn”. 
Nguyên nhân sau đó được ông Vươn tìm ra do trồng cây thành vành đai, khi sóng lên gây ngập úng. Vậy là ông lại đổi mới cách trồng, phát ngọn cây cho bộ rễ phát triển: “Tôi rút kinh nghiệm, chọn những cây to, bộ rễ mạnh, đem trồng thành từng đảo nhỏ tạo thành vòng cung che chắn. Mỗi chiếc thuyền chỉ chở được bảy cây giống, tôi không nhớ phải chèo bao nhiêu chuyến chở cây ra trồng”, ông Vươn nhớ lại. 
Từ năm 2000, khu đầm bắt đầu phủ màu xanh. “Trên cánh đồng này ghi lại nhiều nỗi đau của gia đình. Ngày đặt cống thoát nước là ngày con gái tôi chết đuối. Bao nhiêu thời gian, công sức đổ vào biển, còn thời gian đâu mà chăm con. Trong một lần ra đầm chơi con gái tôi rơi xuống cống chết đuối”, ông trầm ngâm. 
Theo ông Vươn, tuyến đê điều chỉnh dòng chảy đã bồi đắp phù sa cho cả cánh đồng lớn của huyện Tiên Lãng. Riêng khu đầm của ông được cải tạo lên 40,3 hécta. Nhiều chuyên gia thuỷ lợi từng đánh giá khu đầm giữ vị trí trọng yếu trong cả tuyến bờ biển.
Cởi áo tù, làm lại cuộc đời
Năm 2007 gia đình ông Vươn được thông báo toàn khu đầm bỏ công cải tạo sẽ bị thu hồi. Xót công xót của, ông làm đơn khiếu nại nhưng không được chấp nhận. Yêu cầu huyện giao đất để tiếp tục nuôi trồng thủy sản cũng bị khước từ. Tháng 1/2012, đoàn cưỡng chế hơn 100 người đến thu hồi đất đã bị gia đình ông Vươn dùng mìn tự chế và đạn hoa cải chống trả. Cả gia đình ông vướng vòng lao lý:
“Niềm an ủi lớn nhất của tôi là được công luận lên tiếng ủng hộ. Sau khi có quyết định của Chính phủ, chính quyền địa phương đã trả lại toàn bộ diện tích khu đầm cho tôi. Tuy nhiên nhà chỉ còn phụ nữ nên chỉ sản xuất cầm chừng, đủ trang trải cuộc sống qua ngày. Mỗi tháng vợ con lên thăm tôi một lần, động viên cải tạo tốt để trở về với gia đình. Ngày tôi nhận quyết định thi hành án cũng là lúc nhận được tin con gái đỗ đại học”, ông nở nụ cười hiếm hoi. 
Từ ngày biết tin được đặc xá, ngay trong nhà giam ông Vươn đã lên kế hoạch “hồi sinh” cánh đầm “chết”. Những câu hỏi “trồng cây gì?” “nuôi con gì” dồn dập thôi thúc. Ngay khi trở về, ông bắt tay ngay vào công việc cải tạo lại khu đầm. 
Từ trại giam, ông ra thẳng khu đầm thắp hương tạ ơn tổ tiên, tiếp đón khách khứa đến chúc mừng, hôm sau bắt đầu khảo sát lại. Ông thuê máy móc về dọn cỏ dại, nạo vét đầm lầy, phơi khô đầm cải tạo đất, thuê người đào đất đắp lại bờ bao. Về nhà đã hai tháng, thời gian của ông chủ yếu ở đầm tôm, tối mịt mới thấy mặt. Sáng sớm 5h, mọi người đã thấy ông ra đầm dọn dẹp, dựng lán chăn nuôi.
“Hiện tôi đang đầu tư nuôi khoảng 1000 con vịt Đại Xuyên. Loại vịt này thích nghi đa dạng ở cả nước ngọt và mặn, sản lượng cao, trọng lượng lớn, cho trứng to. Theo dự định năm tháng nữa đàn vịt bắt đầu cho trứng. Ít ngày nữa tôi sẽ bắt đầu nuôi cua biển, dự tính sáu tháng sẽ được thu hoạch; tháng 3/2016 nuôi tôm sú. Tôi có ý tưởng xây dựng thương hiệu nông sản sạch phân phối ra cả vùng”, người đàn ông hào hứng. 
Hiện ông đang thu mua những nông sản sạch như chuối, tôm, cá, trứng để phân phối cho một số cửa hàng tại Hà Nội, tuy số lượng không nhiều, nhưng theo ông, đó là thăm dò thị trường để sau này không còn bỡ ngỡ. 
Tiễn khách, còn cố nhìn lên trần nhà vẫn thơm mùi sơn, ông Vươn “mắng yêu” vợ, cũng có lẽ là để “khoe” với khách: “Đàn bà con gái liều thật, ở nhà vẫn dám vay mượn xây dựng căn nhà này”. Vợ chồng nhìn nhau mỉm cười./.

Đọc thêm