Lớp học của các… lão sinh

(PLO) - 13 năm nay, lớp học Hán Nôm của các lão sinh ở đình làng Trung Kính Thượng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn… sáng đèn, bất chấp tuổi tác, thời tiết và sức khỏe của mỗi người.
Các lão sinh học rất nghiêm túc.
Các lão sinh học rất nghiêm túc.

Sáng thứ năm hàng tuần, từ tứ phía Hà Nội, các cụ đổ về làng Trung Kính Thượng với mong muốn có thể gìn giữ di sản văn hóa mà cha ông đã để lại. 

Theo học lớp Hán Nôm để tu thân…

Lớp học đã được đổi tên thành Câu lạc bộ (CLB) Hán Nôm thư pháp Trung Kính nhưng mọi người vẫn chỉ quen gọi là lớp học và gọi những người giảng dạy là thầy. Đứng lớp là cụ Phan Đăng Toản, 90 tuổi, nhà ở làng Trung Kính, chuyên dạy chữ Nôm.

Cụ Phan Minh Hồng (86 tuổi và cụ Phạm Kỳ Nam (84 tuổi, tác giả của cuốn 3.000 hoành phi và câu đối Việt Nam) chuyên dạy Hán văn và ngữ pháp. Ông Hoàng Văn Chính (67 tuổi) lại chuyên dạy thư pháp. Theo học đa phần là các ông, các cụ đều từ 70 tuổi trở lên. 

Cụ Hồng cho biết, từ 6 tuổi cụ đã theo học các thầy đồ trong làng, thành thạo chữ nghĩa nhưng chiến tranh loạn lạc, cụ phải tạm chia tay với loại ngôn ngữ đặc biệt này. Hòa bình lập lại, cụ theo binh nghiệp, đóng quân trên địa bàn khắp cả nước, xót xa với vốn chữ Hán của mình nhưng cũng không có cách nào để được sử dụng, vì thời điểm ấy nói đến chữ Hán nhiều người lại nghĩ ngay đến sự phong kiến, là địa chủ nên bị tẩy chay. 

Chờ đến tận khi nghỉ hưu (năm 1980) cụ Hồng mới bắt đầu xem lại sách, thấy lượng chữ nghĩa vẫn còn đủ dùng, cụ lên chùa, lên đình đọc chữ, giải nghĩa. Nhiều người nghe cụ giảng giải thấy ham thích nên lân la hỏi chuyện nhiều hơn.

Năm 2000 cụ nghĩ phải để người dân làng mình học lại chữ của các cụ ngày xưa, nhưng phải đến năm 2003 lớp học chữ Hán mới chính thức được tổ chức. 

Những ngày đầu tiên lớp học có khoảng 30 người nhưng rồi rơi rụng dần, người thì già cả, người thì không đủ kiên nhẫn theo đuổi, người thì học mãi không nhớ nổi chữ nên chán nản… đến bây giờ lớp học chỉ còn khoảng hơn chục người theo đuổi trường kỳ. Hoặc cũng có những người theo học chừng vài năm, đã nắm được những kiến thức cơ bản, có thể hướng dẫn người khác thì nghỉ học để đứng lớp như các lớp học ở Ninh Hiệp, Bắc Ninh hay ngay phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội).

Cũng có những người đã mở lớp để truyền dạy chữ Hán nhưng sáng thứ năm hàng tuần vẫn đến lớp để học tiếp. Với họ, học chữ không bao giờ là đủ. 

Ở lớp học này có ông Chừng (79 tuổi) nhà ở Mai Dịch nhưng tết nào cũng về ăn tết quê ở Hưng Yên. Hễ cứ thấy ông về, người làng lại kéo sang xin chữ, tùy  từng người, từng hoàn cảnh mà ông cho chữ khác nhau.

Có người đến bảo: “Tôi đủ đầy rồi, con cháu hạnh phúc, nhà cửa ấm no, bác cho tôi chữ gì”. Không phiền hà vì gặp người có vẻ huênh hoang, ông Chừng thủng thẳng đáp: “Tôi cho bác chữ Khang, là sức khỏe, con người dù giàu nghèo, đói khổ, hưng thịnh thế nào cũng cần sức khỏe, bác ạ”. 

Vào những ngày hội làng, những ngày đầu xuân, dân ở làng Trung Kính không phải đi đâu xa, chỉ cần ra đình làng là đã có thể xin chữ các thầy. Hầu hết các lão sinh của lớp học này cho rằng, ở đời, khó nhất là học chữ, trong học chữ thì khó nhất là học chữ Hán Nôm. Học chữ Hán Nôm là học cách làm người, tu thân rồi mới tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Chữ Hán cũng có câu “Vị nhân giả”, ý là làm người khó lắm. 

Cụ Phan Đăng Toản và cụ Trần Minh Hồng chuyện trò cùng phóng viên.

 Cụ Phan Đăng Toản và cụ Trần Minh Hồng  chuyện trò cùng phóng viên.

… và gìn giữ di sản của cha ông

Các lão sinh ở lớp học đều bảo, các ông học vì đam mê, yêu thích. Càng học càng thấy vốn liếng, chữ nghĩa của mình chưa ăn thua gì so với các cụ tiền nhân nên cố gắng học càng nhiều càng tốt vì kho sử sách của Việt Nam còn nhiều lắm, không được để phí kiến thức của cha ông để lại. 

Chính vì thế, khi lớp học bị nhắc nhở, ý kiến rằng không thể gọi là lớp học, vì không có giáo trình, chương trình học rõ ràng nên có thể phải đóng cửa.

“Đứng trước sự ham học và tha thiết được truyền bá vốn di sản của cha ông từ các cụ đều đã ở tuổi 80, quận Cầu Giấy đã cho chuyển đổi thành mô hình CLB, trực thuộc quận quản lý và tự túc chi phí” - ông Ngạc Đình Bàn (79 tuổi), Chủ nhiệm CLB Hán Nôm Thư pháp Trung Kính cho biết. 

Bác Tạ Kim Thể (68 tuổi), nhà ở Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội cho biết, bác tham gia lớp học đã 5 năm nhưng lỡ mất 2 năm vì lý do sức khỏe. Bác mới trở lại lớp học được khoảng 2 tháng nay vì nhớ chữ, nhớ thầy và ham muốn tìm hiểu kho sử sách quý giá của ông cha. 
Có những người khác ở Văn Điển, Gia Lâm, Định Công cũng không bỏ một buổi học nào dù mưa gió, rét cắt da cắt thịt hay nắng nóng. Lớp học có cụ Thuận (92 tuổi, người làng Trung Kính) là người cao tuổi nhất, cụ cần mẫn và chăm học, ít khi thấy cụ chịu vắng mặt buổi nào. 

Trẻ tuổi nhất là anh Nguyễn Văn Quyết (46 tuổi), hiện đang làm ở Công ty địa ốc Dầu khí. Anh mới tham gia lớp học được khoảng 1 năm nay. Anh cho biết, ông nội anh cũng là một thầy đồ, ông có rất nhiều sách quý mà anh không biết đọc, lại được người cha khích lệ nên anh tham gia lớp học này để cố gắng về tiếp quản bộ sách của ông nội.

Ông Chừng bảo, lớp học này cũng có nhiều người “con nhà nho gia” như anh Quyết, bởi thế nên họ lại càng ham học hơn, học vào hơn. 

Đến lớp ai cũng thấy trẻ lại, vui như được quay trở lại thời cắp sách. Buổi nào thầy cũng kiểm tra bài cũ. Ai cũng phải đọc, có người còn bị nhắc nhở phải ngắt, nghỉ đúng lúc. Có cụ giọng đọc sang sảng như những người chủ trò tế lễ ngày xưa khiến lớp học có âm điệu rộn ràng.

Có những người đến lớp không quên mang theo vài thứ kẹo, bánh để chia vui với các lão sinh cùng lớp niềm vui vừa lên chức bố chồng hoặc ông nội của mình. Lớp học như một nơi để tuổi già vui sống, hăng say học và khỏe mạnh hơn. 

Rồi về nhà cũng có bài mang theo về để các lão sinh say sưa luyện tập. Khi thì học thuộc một bài nào đó, khi thì học giảng giải nghĩa qua đôi câu đối. Có lúc lại nhận thách đố từ một CLB nào đó, thách đối lại với vế đối của họ.

Ví như buổi học chúng tôi tham gia cùng, cụ Phạm Kỳ Nam mang đến lớp câu đối: “Tân như thủy, ý như sơn, sơn sơn xuất, anh hùng hào kiệt”, ngoài ra còn một câu đối chữ Nôm “Bì là da, ba là sóng, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Thầy giáo đứng lớp Trần Minh Hồng… ra lệnh: “Tuần sau, mỗi người phải mang đến lớp học một vế đối”… 

Giờ ra chơi, ngoài việc chuyện trò, mọi người vẫn nhắc lại chuyện vế đối đã được giao, họ bàn luận xôn xao, luận từng chữ nghĩa để có thể ra một vế đối chuẩn mực nhất. Ở mỗi người đều toát lên sự nhã nhặn, thoải mái và chân thành.

Có lẽ chữ nghĩa học được đã ngấm được vào người và phát tiết ra ngoài, để thấy học chữ là tu thân, việc học là cái nghiệp mà suốt đời người ta phấn đấu…

Đọc thêm