Mái ấm Hạnh Phúc tan rã, những đứa trẻ sẽ đi về đâu?

(PLO) - Không đủ điều kiện để hoạt động, mái ấm Hạnh Phúc (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) buộc phải đóng cửa. Thế nhưng, hàng chục đứa trẻ đang được cưu mang cả chục năm qua tại cơ sở này không biết sẽ ra sao...
Mái ấm Hạnh Phúc tan rã, những đứa trẻ sẽ đi về đâu?
Mái ấm Hạnh Phúc nằm trong con hẻm nhỏ trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, kề bên khu đô thị Hạnh Phúc. Đây là nơi cưu mang 32 trẻ bị bỏ rơi, gia cảnh khó khăn. 
Tháng 6/2015, với chủ trương siết chặt quản lý hệ thống mái ấm, nhà tình thương của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM, UBND xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) liên tiếp ra các văn bản yêu cầu cơ sở này ngưng hoạt động, chậm nhất đến hết ngày 15/06/2015 vì không đủ điều kiện hoạt động. Theo đó, chủ cơ sở này phải trả toàn bộ số trẻ về gia đình chăm sóc, những trẻ không có người thân sẽ được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội đủ điều kiện. 
Khi hay tin ngôi nhà này buộc phải đóng cửa, những người thân, các em nhỏ và chủ ngôi nhà này đều bàng hoàng lo lắng.
Chị Ngô Thị Kim Vân (chủ cơ sở nuôi dưỡng trẻ) chia sẻ: “Điều tôi cảm thấy day dứt nhất là khi đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, những đứa trẻ sẽ bị hụt hẫng, cảm giác bị bỏ rơi khiến việc học bị ảnh hưởng. Còn những bé có người thân, gia đình nhưng do hoàn cảnh khó khăn, không thể chăm sóc nuôi dưỡng sẽ đi đâu, về đâu?…”. 
Được biết, trong suốt 8 năm ở ngôi nhà này, những đứa trẻ được anh Hoàng, chị Vân nhận về nuôi dưỡng hầu hết đều được chăm sóc chu đáo, các trẻ đều chăm ngoan và có kết quả học tập khá tốt. 
Tiếp lời chị Vân nói: “Sống ở đây từ năm 2006 bằng nghề đan may, hàng ngày vợ chồng tôi phải chứng kiến những đứa trẻ tội nghiệp bị bỏ rơi, lăn lóc kiếm sống ở đầu đường, cuối chợ nên  đem về cưu mang, nuôi cơm, dạy chữ. Lâu dần, được sống cùng nhau, cùng ăn, cùng ở chúng tôi đã trở thành một đại gia đình sống với nhau bằng tình yêu thương… 
Từ đó cho đến nay, mái ấm này luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các nhà hảo tâm, được sự đùm bọc của các ân nhân, các cháu ngày càng có điều kiện học tập tốt hơn, được sống vui vẻ cho tới bây giờ”.
Mái ấm Hạnh Phúc không chỉ là nơi nương náu của những mảnh đời lang thang cơ nhỡ. Tại đây, nhiều em mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo đã được hỗ trợ chữa trị thành công. Không chỉ vậy, Mái ấm Hạnh Phúc còn là cái nôi gắn kết để những đứa trẻ tìm lại được niềm tin yêu và cảm thấy mình có giá trị hơn trong cuộc sống, xây ước mơ về một tương lai tươi sáng... 
Mặc dù đã được cơ quan chức năng huyện Bình Chánh giải thích và cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ để các em sau khi rời xa mái ấm này có điều kiện sinh hoạt và học tập tốt nhất. Tuy nhiên, những đứa trẻ vẫn ngậm ngùi khi chúng biết mình sắp phải xa Mái ấm Hạnh Phúc.
Chị Vân đã không cầm được nước mắt. “Chúng tôi rất nghèo, chúng tôi không có gì khác hơn ngoài tình yêu thương với đám trẻ. Chúng tôi đã là một gia đình, xin đừng chia rẽ chúng tôi...”.
Cũng theo chị Vân, bằng tình thương yêu của mình với đám trẻ, trong suốt mấy năm liền, chị tìm cách xoay xở, chạy vạy để mở trung tâm bảo trợ. Nhưng, chỉ với những gì hiện đang có, chị không thể có đủ điều kiện để được cấp phép. 
Chị cho biết, hiện tại chị đang thương lượng với chủ đầu tư dự án để thỏa thuận giá cả đền bù. Nếu có tiền sớm anh chị sẽ gom góp vay mượn thêm người thân để mua đất xây nhà chính chủ để những đứa trẻ trong ngôi nhà Hạnh Phúc không bị chia xa. “Hãy cho chúng tôi thêm một ít thời gian nữa..!”, anh Hoàng, chị Vân tha thiết đề nghị.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được đại diện UBND xã Bình Hưng cho biết, mặc dù Mái ấm Hạnh Phúc là một cơ sở tự phát và hoạt động không phép nhưng suốt 8 năm qua chưa lần nào bị phản ánh, điều tiếng ngược đãi trẻ em hay vi phạm pháp luật. Khi tiếp xúc với những đứa trẻ tại đây, chúng tôi cảm nhận được sự lễ phép, ngoan ngoãn qua cách thưa gửi, mời chào... 
Để nắm rõ thực hư việc yêu cầu ngưng hoạt động Mái ấm Hạnh Phúc, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM nhưng vẫn không nhận được phản hồi nào. Trong khi đó, phát biểu với báo chí về vấn đề nêu trên, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho rằng: 
“Sở sẽ cho kiểm tra và xem xét lại các điều kiện hoạt động của cơ sở này. Nếu cơ sở còn thiếu những điều kiện cơ bản, có nguy cơ ảnh hưởng tới trẻ thì chúng tôi không thể cho phép tồn tại. Còn nếu cơ sở chỉ thiếu một vài điều kiện có thể bổ sung thì Sở sẽ hướng dẫn họ bổ sung cho đủ và tạo điều kiện cho chủ cơ sở”./.

Đọc thêm