Ngày Vu lan, ám ảnh với những nỗi lòng cha mẹ luôn đau đáu vì con

(PLVN) - Ai cũng có một “chiếc xe”, ai cũng có một gia đình, và hai chữ thiêng liêng ấy là lời giải cho những tận cùng bi kịch của cha mẹ, con cái… Bởi trong cuộc đời, chỉ có cha mẹ là luôn đau đáu và làm tất cả vì con. Và nhiều người nhận ra những điều “ba mẹ chưa kể” hoặc không bao giờ kể khi đã quá muộn. Bởi nước mắt muôn đời không chảy ngược…
Cảnh phim Điều ba mẹ không kể là những ám ảnh khôn nguôi.
Cảnh phim Điều ba mẹ không kể là những ám ảnh khôn nguôi.

Khắc khoải người mẹ xấu số của ca sỹ Châu Việt Cường

Những ngày cuối tháng 7 dương, cận kề tháng 7 âm -tháng vu lan báo hiếu, hình ảnh của người mẹ khốn khổ nằm dưới bánh ray tàu đã gây những ám ảnh khôn nguôi… Đó là mẹ của ca sỹ Châu Việt Cường, bị kết án 13 năm tù về tội “Giết người”.

Từng là ca sỹ đã đạt được những thành công nhất định, được nhiều người biết đến nhưng không ai biết được cuộc sống khó khăn cơ cực của người mẹ đẻ Ca sỹ Châu Việt Cường ở quê nhà. Giá như khi đạt được thành công nhất định, Châu Việt Cường biết nghĩ về gia đình, mẹ và vợ con thì có lẽ cuộc đời sẽ khác. 

Trước đó, vào tháng 3-2018, ca sĩ Châu Việt Cường bị bắt về tội “Vô ý làm chết người”, sau đó bị điều tra về tội “Giết người”. Ca sĩ được xác định sau khi dùng ma tuý đá đã bị ảo giác, cho rằng cô gái 20 tuổi tên H. bị ma nhập nên rắc tỏi quanh phòng trừ tà và nhét tỏi vào miệng chị H. khiến cô gái này chết ngạt.

Người thân của bà H. cho biết, từ khi con trai bà lĩnh án tù, bà mới gặp con được một hai lần. Mong muốn gặp con trai nhiều hơn, bà đã bán lợn, đi nhặt thêm ve chai để góp thêm tiền vào trại thăm con. Vậy mà, bà H. đã vĩnh viễn ra đi khi chưa thể thực hiện ý định của mình. 

Cường là con trai duy nhất của bà, chưa kịp được đứa con độc đinh báo hiếu ngày nào thì đã phải bôn ba lo lắng kiếm nhặt đừng đồng thăm nuôi con trai trong tù. Cuộc đời của những con người vụt tắt như ngọn nến, những sự ra đi đột ngột để lại bao nỗi bàng hoàng, xót xa chỉ vì những mảnh đời bất hạnh đó trót sinh ra “vướng nghiệp” làm bố, làm mẹ của những kẻ tội đồ. Dù cho, đôi khi cái chết lại là sự giải thoát nhẹ nhàng nhất cho những kiếp người đó ở cõi tạm này... 

Đừng chỉ tiếc thương khi cha mẹ đã lìa đôi

Có một bác trai lớn tuổi là nhà khoa học thời xưa, thỉnh thoảng tôi tìm đến gặp phỏng vấn. Lần đầu gặp bác sống với anh con cả, lần thứ 2 thì ở chị con gái út, lần thứ 3 và thứ 4 thì ở trong nhà dưỡng lão cho đến khi mất. Nhà dưỡng lão tư nhân dưới Cầu Giấy là nhà ống, cao 6 tầng, các cụ sống chung rải rác trong các phòng nhỏ có máy lạnh, mỗi cụ một giường cá nhân nhỏ. Bởi nhiều hoàn cảnh khác nhau, con cái đã đưa cha mẹ tới nơi xa lạ này.

Khi gặp năm ấy, bác đã ngoài 80 nhưng tuyệt đối minh mẫn, uyên bác và trò chuyện mạch lạc.  Cả 2 lần gặp đều là con gái bác dẫn vào, bố con nắm tay nhau, hỏi thăm thì ít mà khóc thì nhiều. 

Nhà khoa học lớn tuổi đã từng sống trong ngôi nhà của mình cùng người con cả, cô con dâu sau này bắt đầu xuất hiện lời lẽ xúc xiểm việc chia tài sản. Anh con trai không ý kiến. Lòng tự trọng khiến ông buồn nhiều năm rồi chuyển đến với cô con gái út. Nhà chật sống lẫn với với các cháu và cả gia đình thông gia nhiều bất tiện. Cuối cùng, nhà dưỡng lão là sự lựa chọn tốt nhất cho ông. Ông nói vậy.

Người già không cần gì nhiều, ăn được bao nhiêu, sữa một hộp to uống lay lắt cả tháng. Họ có sợ sự cô đơn hay biết cảm động khi lờ mờ cảm thấy bàn tay con cái sờ lên trán khi đang ngủ  hoặc câu hỏi thăm ngắn gọn mỗi ban sáng, chắc tốt hơn?  Có chị bạn bảo tôi, nhiều ông con trai coi cha mẹ như nghệ sĩ, chỉ biết tiếc thương khi họ đã mất đi.

Có một câu chuyện khác, dường như không hiếm gặp trong cuộc sống thường nhật về sự ích kỉ của các con: “Mẹ gọi điện cho dì, hắt vào máy điện thoại những tiếng gắt gỏng: “Để bà ở bên ấy thêm một tuần nữa thì đã sao? Rồi thì tôi trông bà bù hai tuần. Liền hai tuần được chưa? Tôi có việc nếu không tôi chẳng phải tốn hơi nhờ dì…”

Kể từ khi bà bước sang tuổi 90, không tự chăm sóc bản thân được nữa, dì và mẹ thỏa thuận với nhau mỗi người trông nom bà một tuần. Cũng kể từ đó bà như quả bóng bị đá từ đầu sân này sang đầu sân kia và ngược lại. 

Một tuần trôi qua, việc bận của mẹ là việc đi chùa theo kiểu đi “tour”. Đi mười bảy chùa trong một tuần. Ăn chay toàn diện. thành tâm cúng lễ. Bố không nói với mẹ rằng sáng thứ hai, sau khi mẹ đã lên xe đi cùng đoàn hành hương, dì gọi điện tới, cáu gắt, nói rằng mẹ nhất định phải sang đón bà, vì dì cũng bận. Và vì tuần đó là phiên mẹ trông bà. Dì không đời nào chịu bị buộc chân ở nhà trong khi mẹ cố tình trốn tránh trách nhiệm. 

Ngày thứ hai của tuần tiếp theo bắt đầu. Ngày thứ hai bắt đầu phiên mẹ trông bà, và mẹ sẽ trông bà hai tuần liền để bù cho cả tuần trước mẹ đi chùa. Đến tận tối vẫn chưa thấy dì đưa bà sang nhà mẹ. Mẹ vẫn tức dì, không gọi điện sang nhà dì hỏi tại sao lại như vậy. 

Một tháng rưỡi trôi qua, bà chưa được đưa sang nhà mẹ. Mẹ và dì vẫn giận nhau, không ai gọi điện cho ai. Thế rồi một hôm trước cổng nhà mẹ xuất hiện cậu con cả của dì. Cậu ta sinh sống ở nước ngoài, lần này đưa vợ chưa cưới về ra mắt gia đình. Mẹ gật đầu chào, hơi hé miệng cười lấy lệ. “Bà đâu hả bác?” Mẹ đứng khựng lại như người bị sét đánh.

“Bà vẫn ở bên ấy mà? Bên nhà cháu chứ đâu”. “Hì hì, bác cứ đùa!”. “Không, bà vẫn ở bên ấy mà”. Mẹ đứng ở chân cầu thang, nhìn quanh ngơ ngác như người mất trí. Thế rồi bốn cái máy di động cùng hoạt động một lúc. Tiếng bấm máy tít tít. Mẹ kêu trời bằng giọng thất thanh. Cậu con cả nhà dì dắt bạn gái lao ra cổng. 

Suốt nửa năm trời người của hai nhà chúng tôi đi tìm bà khắp nơi. Một ngày, bỗng nhiên có một người đàn ông tìm đến nhà tôi gặp mẹ. Rồi ông ấy lấy từ trong chiếc ba lô đã cũ ra một chiếc túi vải. Mẹ tôi trông thấy chiếc túi vải, bật khóc nức nở. Chiếc túi vải đó là túi đựng quần áo của bà. Chính tay người đàn ông đó đã đặt bà vào chiếc quan tài mà ông tự bỏ tiền ra mua sau khi phát hiện bà tôi nằm còng queo trước cổng nhà ông, không động cựa và không còn thở…

Vĩ thanh

Những ngày đầu tháng 7 ta, chúng tôi vào rạp xem cuốn phim Điều ba mẹ không kể. Phim ám ảnh người xem ở chỗ không cần phải lên gân, không cần dạy bảo, nhưng rồi ai cũng thấm. Chẳng thế mà khán giả ngồi trong rạp cứ khóc như mưa. Chỉ là sâu thẳm trong tim mỗi người chúng ta vẫn luôn tràn ngập yêu thương. 

Xem phim này rất dễ nổi da gà, vì tự thấy mình tội lỗi. Bất kể bạn là ai, với vai trò gì: là chồng, là con, là cha, là ông, là vợ hay là mẹ. Ai cũng là người có lỗi, và ai cũng không có lỗi. Và cái bi kịch đó, đã đang và sẽ xảy ra với tất cả mọi gia đình, ở tất cả mọi quốc gia chứ chẳng riêng gì Hàn Quốc. Bạn không trốn được.

Nó luôn ở đó và hiện hữu, chỉ là có dám đối mặt và chấp nhận hay không? Bởi trên đời này, chẳng có chuyện gì không thể giải quyết, trừ mâu thuẫn trong mỗi gia đình. Mà mâu thuẫn đó, lại đến từ sự yêu thương, nên dường như… hết lối?

Hình ảnh bà mẹ, và sau đó ông bố bị mất trí, hình ảnh vợ chồng già viết giấy giao tiếp với nhau chờ khi người kia “có trí nhớ quay trở lại” đầy tình cảm. Và người chồng từ thuở yêu tới sau rất nhiều đổ vỡ, đã trở nên độc đoán, cục cằn ấy, đã biết chấp nhận và chăm chút bà sau bao năm quên lãng. 

Và nữa, hình ảnh người mẹ ngờ nghệch mắc bệnh thần kinh nhưng tỉnh táo lạ kỳ khi nghe tiếng gọi của đứa con mãi mãi không bao giờ lớn, khi anh ta không biết chăm lo cho gia đình nhỏ, vẫn phải sống nhờ vào cha mẹ già.

Điều ba mẹ chưa kể, chứa đựng trong đó tất cả những gì xúc động nhất, ám ảnh nhất, quặn thắt nhất tình cảm gia đình. Khi cha mẹ biết mình sẽ mất trí nhớ, họ đã ở lại bên nhau, chăm sóc cho nhau, với những lời nhắn gửi. Trong căn nhà của hai người già, ngập tràn những lời nhắn yêu thương, để khi một trong hai người tỉnh lại, họ sẽ biết, họ đã thương nhau biết bao. Và câu chuyện dù ngập trong bi kịch nhưng màu sắc phim không hề u tối, đó là hình ảnh chiếc xe cũ kỹ.

Chiếc xe là hiện thân của “gia đình”, và nó cũng là ẩn dụ chứa đựng mọi bi kịch của gia đình. Chiếc xe là nguồn cơn khiến hai vợ chồng phải mất con và người vợ âm thầm căm ghét người chồng. Chiếc xe - hay một mái ấm gia đình, bao bọc yêu thương là ước mơ, hoài bão của người chồng khi còn trẻ. Từ lúc yêu nhau, tới khi cưới vợ, có con, ông đều quyết tâm và nỗ lực không ngừng để thực hiện điều này.

Chiếc xe, là nơi người bà mất trí trở về sau khi đi lạc và hù doạ khiến con dâu sợ hãi. Chiếc xe là phương tiện người bố chồng chở con dâu và cháu nội chạy trốn về nhà ngoại. Chiếc xe, là gia đình, nên có hư có cũ có hết hạn sử dụng thì phải sửa chữa nó, chứ không được vứt đi như lời người ông tâm sự.

Và cuối cùng, chiếc xe ấy là mái ấm che chở cho đôi vợ chồng già mất trí. Dù người chồng có gắng sức đạp ga lên tới 120km/giờ thì người vợ cũng không thể chết. Bà chỉ ngã xuống, khi dò dẫm ra khỏi xe, về với biển và không có chồng bên cạnh.

Ai cũng có một “chiếc xe”, ai cũng có một gia đình, và hai chữ thiêng liêng ấy là lời giải cho những tận cùng bi kịch của cha mẹ, con cái… Cho những “hóa giải” muộn màng… Nhưng cuối cùng, gia đình là thế, là tận cùng yêu thương, tận cùng mạnh mẽ và yếu mềm, là luôn tha thứ cho nhau … 

Đọc thêm