Nghề vẽ tiền

(PLO) - Người vẽ tiền phải tuân theo các quy trình sản xuất đặc biệt của công nghệ in tiền và đòi hỏi sự tinh xảo nhạy bén của một chuyên gia phòng chống tội phạm.
Nghề vẽ tiền
“Thiết kế tiền là một nghề đòi hỏi kỹ thuật rất cao nhưng lại không có trường đào tạo, cho nên các bí kíp cũng như kinh nghiệm thiết kế tiền ở Việt Nam thường chỉ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác hoặc tự mày mò học hỏi các kỹ thuật in tiền tiên tiến ở các nước trên thế giới”, họa sỹ Trần Tiến - nguyên Trưởng phòng thiết kế tiền, Cục Phát hành kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước, đã chia sẻ những câu chuyện thú vị của nghề đặc biệt này.
Nghiệp vẽ tiền
Họa sỹ Trần Tiến (năm nay đã 71 tuổi, người Mỹ Lộc, Nam Định), thủ lĩnh thiết kế bộ tiền polime của Việt Nam, cho biết, nhiều bạn bè vẫn đùa ông do sinh ra và lớn lên ở đất đền Trần nên làm gì cũng chẳng tránh được… vẽ tiền. 
Ông kể, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1975, ông được phân công về bộ phận thiết kế tiền trong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phải học lại từ đầu vì ngôn ngữ đồ họa của tiền không giống như các loại đồ họa khác. Họa sĩ phải phối hợp hàng chục công đoạn như: vẽ, khắc tay, làm bằng máy tính, mạ, in, ghép bản... Phần phải khắc tay cũng hết sức công phu như chân dung Bác Hồ, và các hình ảnh phong cảnh Việt Nam. Phác thảo bao giờ cũng phải vẽ với tỉ lệ l-1 như thật, vẽ qua kính lúp bằng một loại bút cực nhỏ để vẽ được những nét nhỏ li ti. Bản vẽ không chỉ là một bản mỹ thuật, mà còn phải là một bản công nghệ với các yêu cầu về tính bảo mật,và khả năng chống làm giả. 
“Việc vẽ một đồng tiền khác rất nhiều so với việc vẽ một bức tranh. Người vẽ tiền không thể sử dụng các đường nét, màu sắc một cách phóng khoáng mà luôn phải tuân theo các quy trình sản xuất đặc biệt của công nghệ in tiền. Thiết kế tiền là một nghề đòi hỏi kỹ thuật rất cao nhưng lại không có trường đào tạo, cho nên các bí kíp cũng như kinh nghiệm thiết kế tiền ở Việt Nam thường chỉ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác hoặc tự mày mò học hỏi các kỹ thuật in tiền tiên tiến ở các nước trên thế giới. 
Quá trình học hỏi này không phải chỉ ngày một ngày hai mà thông thường, một họa sĩ được đào tạo chỉn chu từ các trường mỹ thuật phải mất từ 10 đến 15 năm lao tâm khổ tứ với nghề thì may ra mới có thể coi là bắt đầu bước chân vào nghề thiết kế tiền”,  họa sỹ Trần Tiến chia sẻ.
Ông được xem là một trong những người vẽ ra nhiều mẫu tiền nhất ở nước ta. Trong gần 30 năm, ông đã tham gia thiết kế không dưới 40 mẫu và mỗi mẫu với ông là một cố gắng tột bậc để đạt được sự hoàn hảo về công nghệ. Ngoài thiết kế tiền, ông cùng các đồng nghiệp còn thiết kế các loại cổ phiếu hoặc thiết kế tiền theo đơn đặt hàng của các nước trên thế giới. 
So với đồng tiền ngày xưa, chủ yếu tập trung vào các nét hoa văn phức tạp để tránh việc vẽ giả bằng tay thì đồng tiền ngày nay có sự tham gia tối đa của các kỹ công nghệ cao như công nghệ tạo nét nổi, tạo hiệu ứng màu cửa sổ. Yêu cầu chung đối với các họa sĩ thiết kế tiền là sáng tạo, thể hiện được những vẻ đẹp đặc trưng của đất nước, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và chân dung Bác Hồ là chân dung duy nhất được in trên tất cả các đồng tiền của Việt Nam. 
Họa sỹ… chống tội phạm
Họa sỹ Trần Tiến cũng cho biết, nghề vẽ tiền còn đòi hỏi sự tinh xảo, nhạy bén của một chuyên gia phòng chống tội phạm, chiến thắng mọi thứ công nghệ sao chép... Ông đưa ví dụ, “về mặt cơ giới hóa, khi thiết kế đồng tiền polime thì chúng tôi phải tính toán làm sao để khuôn khổ của đồng tiền phù hợp nhất với các loại máy ATM, thỏa mãn các tiêu chuẩn chung của thế giới. Trong thời đại công nghệ số, đồng tiền cũng phải được thiết kế sao cho chống được việc sao chụp, photo màu, laze màu hay các kỹ thuật in phun, thiết bị làm giả để gây khó khăn lớn nhất cho tội phạm làm tiền giả”. 
Ông kể, không phải tới năm 2003, khi nhà nước có chủ trương phát hành đông tiền polime thay cho tiền giấy đã quá cũ từ năm 1985 và chống nạn làm giả tiền giấy quá dễ dàng thì phòng thiết kế của ông mới bắt tay vào dự án. Từ trước đó 10 năm, các họa sỹ vẽ tiền đã âm thầm nghiên cứu về việc thiết kế tiền polime. Trong bộ tiền polime của Việt Nam, ông đã thiết kế cả hai mặt của đồng 200.000, mặt sau của đồng 50.000, mặt trước của đồng 500.000. Đồng tiền có mệnh giá càng cao thì càng dễ bị làm giả nên càng phải đòi hỏi công nghệ kỹ thuật cao, đường nét tinh xảo để đảm bảo vấn đề bảo an của đồng tiền. 
Khác với ở các nước, ngân hàng trung ương có thể tự phát hành tiền trước khi thông qua Chính phủ, ở nước ta, mỗi đồng tiền muốn được xuất bản, phát hành đều phải được Chính phủ phê duyệt và đích thân Thủ tướng ký vào bản phác thảo. Cho nên vẽ phác thảo trên giấy theo tỉ lệ 1:1 sắc nét, giống y như thật là một bước vô cùng quan trọng trong quá trình thiết kế tiền. “Trước đây, khi công nghệ kỹ thuật số chưa phát triển, chúng tôi phải thực hiện thao tác này trong vòng ít nhất là 4 tháng, hoàn toàn bằng tay với những loại bút lông cực nhỏ và sự hỗ trợ của một chiếc kính lúp”, ông chia sẻ. 
Với đặc thù bảo mật tuyệt đối của thiết kế tiền, ngay trong ngân hàng cũng chỉ có một số lãnh đạo chuyên môn được biết về những dự án thiết kế. Ông cho rằng, việc Nhà nước thay đổi, bổ sung các mẫu tiền mới trong lưu thông cũng là một biện pháp chống giả hữu hiệu mà các nước đã áp dụng. Việc phát hành các mẫu tiền mới của Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Bởi trình độ làm tiền giả (với đồng tiền giấy) của tội phạm tinh vi đến mức ngay cả những người thiết kế tiền có trình độ chuyên môn cao, có nhiều năm kinh nghiệm cũng khó có thể phân biệt được. 
Đặc biệt là trong thời đại công nghệ số khi tất cả các thao tác in sao đều được thực hiện một cách chính xác và nhanh chóng thì việc làm tiền giả càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ngay cả những người bình thường cũng có thể làm ra tiền giả với máy tính và máy photocopy. Chính những đối tượng làm tiền giả không chuyên, ẩn nấp trong dân như vậy lại càng dễ qua mặt cơ quan chức năng, dễ dàng tiêu thụ tiền giả mà không gặp phải quá nhiều trở ngại trong việc giao dịch. 
Một đời làm nghề vẽ… ra tiền nhưng gia đình ông sống giản dị trong một con ngõ phố Bạch Mai. Ông cười chia sẻ, vào dịp cuối năm ngoái, ông và các đồng nghiệp kỷ niệm 10 năm ra đời đồng tiền polime và nhớ về những năm tháng “ăn, ngủ” ở cơ quan mà ngay tới người thân cũng không biết mình đang làm gì. Người chủ quán được tận mắt thấy các ông họa sỹ vẽ những đồng tiền mình vẫn đang dùng hàng ngày bèn tức tốc đi mua hoa chia sẻ cuộc hội ngộ với họ. Đối với họa sỹ Trần Tiến, đó cũng là một hạnh phúc ấm áp trong sự nghiệp vẽ tiền của mình.

Đọc thêm