Người đàn ông không chân dọc ngang phố phường bắt cướp

(PLO) - Hơn mười tuổi đã bị liệt hai chân, những tưởng chừng đó mất mát đủ khép lại bao ước mơ trong một đứa trẻ. Nhưng ít ai ngờ, đứa trẻ ấy sau bao năm đã âm thầm làm nên kỳ tích Trở thành vận động viên bóng bàn; tham dự Paragames, mang về tấm huy chương vàng cho đội tuyển Việt Nam; làm Đội trưởng đội dân phòng được bà con tin yêu. 
Dắt theo hai chiếc nạng gỗ, anh Hùng trên chiếc xe ba bánh để canh giấc ngủ bình yên cho bà con.
Dắt theo hai chiếc nạng gỗ, anh Hùng trên chiếc xe ba bánh để canh giấc ngủ bình yên cho bà con.

Bước ngoặt cuộc đời…

Gặp anh Lưu Văn Hùng (SN 1967, ngụ phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) vào một buổi chiều muộn. Ngồi trước mặt chúng tôi là người đàn ông tự nhận mình với cái danh Hùng “nhí”.

Nghe kể, anh sinh ra ở miền quê nghèo thuộc xã Quế Xuân (huyện Quế Sơn, Quảng Nam), nhưng do sự khốc liệt của chiến tranh nên cả nhà phải “dắt díu” nhau ra TP. Đà Nẵng sinh sống. Anh là con trai duy nhất trong gia đình có 3 anh chị em. 

Với thân hình khỏe mạnh, nhanh nhẹn… Hùng luôn là “thần tượng” trong mắt các bạn cùng lớp. Năm lên 10 tuổi, sau một trận sốt “thừa sống thiếu chết” Hùng bị liệt cả hai chân. Mặc dù gia đình đã chạy chữa thuốc men khắp nơi nhưng vẫn không cứu được đôi chân của Hùng “nhí”.

Từ lúc đó, Hùng bắt đầu sống trong vô vọng, cuộc đời tươi đẹp của một cậu bé thích tung tăng, chạy nhảy dường như khép lại. Mọi vận động, đi lại của anh phải phụ thuộc hoàn toàn vào đôi nạng gỗ. 

 “Lúc đi học ở trường cấp 2, tôi quyết học thêm nghề sửa xe để đỡ đần cho ba mẹ. Gia đình nghèo quá không có tiền để học, đành phải đi học lỏm nghề của mấy anh sửa xe trước cổng trường. Mặc dù tôi sửa xe ngon lành nhưng khách hàng nào vào sửa thấy tôi hai tay chống nạng họ đều ái ngại và không tin tưởng.

Buồn lắm! Để có tiền mưu sinh không phụ thuộc vào gia đình, tôi chuyển qua “phương án 2” là mua máy làm nước đá đi bỏ mối. Để làm việc thuận lợi, tôi mua xe máy, thuê thợ gia công thành xe ba bánh, từ đó mỗi ngày, tôi có thể chạy vài chục lượt giao hàng. Cuộc sống vì thế đỡ vất vả, lại tự chủ động nuôi sống bản thân”, anh Hùng trải lòng. 

Nhưng có lẽ, bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời Hùng là ngày tìm được tri kỉ, bởi anh không dám tin, rằng mình liệt hai chân vẫn có một người con gái vượt qua mặc cảm, lấy anh làm chồng.

Từ ngày chị Nguyễn Nguyên Mai Trâm (1976) nói lên lời đồng cảm, yêu thương anh Hùng thật lòng, rồi nhận lời làm vợ, cuộc đời anh mới thực sự bớt chênh vênh. Đến nay, hai vợ chồng đã có với nhau 2 mặt con kháu khỉnh. 

Trở thành vận động viên khuyết tật Việt Nam

Hàng ngày, mỗi buổi sáng anh đều đặn đưa vợ đi làm công nhân may ở Khu công nghiệp Hòa Khánh gần nhà, sau đó quay về phụ giúp chị gái bán bún. Đặc biệt, anh nhận làm đại lý phân phối nước giải khát, bia cho các quán cà phê, tạp hóa trên địa bàn. 

Cuộc sống dần dà cũng có chút dư giả, anh Hùng dành thời gian chơi bóng bàn- môn thể thao anh yêu thích từ nhỏ.

“Để có thể đánh bóng bàn với một người khuyết tật thật sự phải nỗ lực hết mình. Chỉ đơn giản như việc đi nhặt trái bóng rơi, mình phải bò đi nhặt rồi lại bò lên xe lăn ngồi đúng tư thế mới bắt đầu chơi được. Cái mệt nhọc khi bò đi nhặt bóng vất vả hơn chục lần đánh bóng. Thế nhưng, mỗi lần có ý định bỏ, tôi lại thấy tiếc. Cứ như trái bóng nó gắn với đời tôi rồi, không thể dứt ra được” - anh Hùng bộc bạch.

Rất ít người biết được hiệp sĩ “không chân” Lưu Văn Hùng là nhà vô địch ASEAN Para Games 2003 diễn ra ở Việt Nam. Năm 1997 khi được một người hàng xóm cho biết sở Thể dục Thể thao Đà Nẵng đang có kế hoạch tuyển vận động viên khuyết tật môn bóng bàn. Anh Hùng mạnh dạn đăng ký tham gia.

Anh Hùng và những thành tích gặt hái được.
Anh Hùng và những thành tích gặt hái được.

Trong giải bóng bàn toàn quốc lần đầu tiên khoác áo đội Đà Nẵng anh đã mang về cho đội nhà không chỉ một mà ba tấm huy chương khác nhau ở các nội dung đồng đội. Đặc biệt, anh Hùng còn mang về cho riêng mình tấm HCV ở nội dung đánh đơn ở sân chơi dành riêng cho người khuyết tật.

Nhờ những thành tích xuất sắc liên tục trong thời gian dài, cộng với những nỗ lực và niềm đam mê không ngừng, năm 2003 Hùng có mặt trong đội tuyển tham dự Paragames và mang về tấm huy chương vàng cho đội tuyển Việt Nam.

Năm 2009, anh đạt Huy chương bạc giải Thể thao văn nghệ Toàn quốc dành cho người khuyết tật.

Năm 2011, tại giải thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc, anh cùng đồng đội đoạt 3 huy chương bạc và một huy chương đồng tại các trận đấu đơn và đôi nam môn bóng bàn. 

Canh giấc mỗi đêm cho người dân!

Với anh Hùng, hạnh phúc không phải vì giây phút được vinh danh trên đỉnh cao vinh quang mà đó là việc vượt qua chính mình. Năm 1999, vì tin yêu người thanh niên khuyết tật đầy nghị lực, anh Hùng được bà con dân phố giao trọng trách tổ trưởng tổ dân phòng. Năm 2005 anh “lên chức” đội trưởng Đội dân phòng cơ động phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), lập nhiều thành tích xuất sắc.

17 năm, từng ấy đêm phải thức trắng để canh giấc ngủ bình yên cho bà con, anh không nhớ hết bao nhiêu lần mình tham gia bắt cướp cùng đồng đội. Anh kể, nhưng trong chuỗi những kỷ niệm đã trải qua, có lẽ anh không quên cái đêm 24/9/2010.

Khoảng 2 giờ sáng, anh chuẩn bị đi nghỉ, bất ngờ có tin báo sắp có bạo lực ở chợ đêm Hòa Khánh (quận Liên Chiểu). Anh Hùng lập tức cùng anh em có mặt và nhìn thấy 3 thanh niên đang ngồi nhậu. Chủ quán thấy anh Hùng liền ra hiệu, dưới gầm bàn có mã tấu dài cả mét và với dao rựa bọn chúng chuẩn bị sẵn.

Hiểu ý, anh phẩy tay báo anh em chuẩn bị tư thế, còn bản thân cứ ngồi trên xe ba bánh mà chờ tới rồi hô to “tất cả ngồi im”. Lúc này, nhóm đối tượng đưa tay chụp lấy mã tấu chống trả, nhưng anh Hùng né kịp, được em đằng sau kịp thời hỗ trợ thêm, anh nhanh tay khóa còng số tám vào tay một tên. Về sau nhóm trên khai đang chờ để thanh toán một đối tượng khác.

Anh Hùng thuật lại, “mới đây, khi đi đường, tôi lại phát hiện hai thanh niên bịt mặt, đang ôm cái cặp ở giữa. Thấy khả nghi, tôi liền áp sát xe theo. Đến đoạn đường vắng chúng lấy đồ bên trong rồi quẳng cái cặp lại, sau đó rồ ga chạy tiếp. Tôi tăng tốc đuổi kịp, lôi còng ra, 1 tay lái, 1 tay với theo khóa một tên vào tay mình đồng thời húc xe vào lề khống chế luôn kẻ còn lại”. 

Điều khiến 2 thanh niên cứ ngơ ngác khi tra tay vào còng số 8 rằng mình lại bị bắt bởi một người... liệt cả hai chân. Theo lời khai, lần đó, bọn chúng vừa cạy cửa một phòng trọ sinh viên để lấy trộm máy tính xách tay.

Thấy khách ngạc nhiên, anh cười hiền: “Thật lòng, nhiều khi đi bắt tội phạm tôi thấy cũng rất nguy hiểm. Bọn chúng dùng hung khí để đánh trả lại mà tôi vốn khuyết tật, cứ lo trở tay không kịp sẽ lãnh đủ đòn. Nhưng không lẽ cứ để chúng lộng hành. Tôi tin chân lý sẽ chiến thắng”.

Box: Trong Hội nghị giao lưu các điển hình tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc TP. Đà Nẵng năm 2012. Một lần nữa anh Hùng lại vinh dự được nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Đại tướng Trần Đại Quang tặng bằng khen vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2012.

Đọc thêm