Người phụ nữ mang lục bình, bẹ chuối sang trời Tây

(PLO) - Cụ bà đầy bản lĩnh đã làm nên “kỳ tích” ấy là Nguyễn Thị Cúc 78 tuổi, Chủ nhiệm HTX Ba Nhất nằm trên đường Xô Viết nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh.
Người phụ nữ mang lục bình, bẹ chuối sang trời Tây

Ấm no từ loài cỏ rác

Cơ sở mây tre lá Ba Nhất  ra đời ngay sau ngày thống nhất đất nước. Lúc đó bà Cúc đang là một cán bộ phụ nữ tại một phường của quận Bình Thạnh. Thấy nhiều  người thất nghiệp, bà suy nghĩ rồi xin đi học nghề mây tre đan. Sau vài tuần học nghề, bà đã biết đan và bày lại cho nhiều người khác. Lượng người biết đan ngày mỗi nhiều, nhưng vấn đề đặt ra là nguyên liệu ở đâu? 
Nhớ lại vùng Bình Thuận mà bà từng hoạt động có nhiều lá buông nên bà cùng mọi người vào rừng chặt loại lá này về cho xã viên làm hàng. Thế nhưng, việc mua lá buông hồi đó được xem là buôn lậu nên mỗi chuyến đi, bà cũng chỉ mua được vài gánh.
Qua bàn tay khéo léo, những thứ được coi là cỏ rác bỗng trở nên có hồn và bay đi khắp trời Âu-Mỹ.
Qua bàn tay khéo léo, những thứ được coi là cỏ rác bỗng trở nên có hồn và bay đi khắp trời Âu-Mỹ.  

Khó khăn chồng chất khó khăn, tưởng có lúc bà và các xã viên đã buông xuôi, bỏ nghề. Nhất là thời điểm khi Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ thì toàn bộ vốn liếng sau hơn mười năm tích cóp của xã viên cũng tan thành mây khói vì không đòi được tiền. Số hàng trong kho cũng vì thế mà phải đốt bỏ vì không có đầu ra.

Nhưng cũng chính lúc bế tắc này, bà Cúc lại vùng lên để chèo chống “con thuyền” Ba Nhất không bị chìm đắm. Bà bán hết nhà cửa được một ít vốn rồi đi châu Âu, Nhật, Mỹ… để tìm hiểu thị trường về hàng mây - tre- lá. 
Thế rồi, ông trời cũng không phụ lòng người, những sản phẩm bằng lục bình, bẹ chuối, cỏ năng tượng bắt đầu được sản xuất. Thời kỳ đầu, để nhiều người biết đến, bà Cúc đã có cách làm không giống ai là dám liều đưa sản phẩm thủ công này tới các khách sạn, nhà hàng hạng sang trên địa bàn thành phố để xin trưng bày. 
Dù đã ở tuổi 80 nhưng ngày ngày bà Cúc vẫn miệt mài truyền nghề cho những người có hoàn cảnh khó khăn
 Dù đã ở tuổi 80 nhưng ngày ngày bà Cúc vẫn miệt mài truyền nghề cho những người có hoàn cảnh khó khăn
Những đơn hàng dần nhiều lên. Hàng ngàn loại sản phẩm như bình hoa, bàn ghế, kệ để sách báo, giỏ xách… vừa đẹp vừa lạ, lại thân thiện với môi trường đã sang được với các nước Âu – Mỹ. Hiện nay, trung bình mỗi năm HTX Ba Nhất xuất khẩu khoảng trên 1.000 container hàng từ những loài cỏ rác, mang về hơn chục triệu đô la cho đất nước.

“Không được để xã viên khổ”

Không dễ gì mà suốt gần nửa thế kỷ qua người đàn bà đầy bản lĩnh ấy vượt qua được những sóng gió trùng khơi để tạo ra công ăn việc làm cho hàng vạn lao động nghèo khổ khắp các miền Bắc- Trung- Nam. Thu nhập trung bình mỗi hộ gia đình (khoảng 2-3 người làm) chừng 5 đến 7 triệu đồng mỗi tháng.
 Số tiền này tuy không phải là lớn nhưng nó lại đầy ý nghĩa với những hoàn cảnh khó khăn. Nhờ cái nghề này mà hàng vạn con em đã được cắp sách tới trường, hàng vạn gia đình dần vươn lên thoát khỏi nghèo đói. Với những cống hiến của mình, bà chủ nhiệm HTX Ba Nhất đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Nhà nước cũng như quốc tế.
Hiện nay, tại cơ sở sản xuất của mình ở thị xã Tân Uyên tỉnh Bình Dương bà Cúc đã xây dựng nhiều khu nhà ở cho trên 400 xã viên. Nhiều người được bà cất nhà, tách sổ đất riêng để họ tự lập và giúp họ thoát khỏi mặc cảm của kiếp ở nhờ. Hàng chục cháu nhỏ là con em của các cặp vợ chồng xã viên đã được sinh ra từ mái nhà Ba Nhất. 
Hiện các cháu đang ở cùng bố mẹ và hàng ngày vẫn được bà Cúc chăm sóc chu đáo từ bữa ăn giấc ngủ đến cả việc học hành.
Tình đời, tình người là ở sự nâng niu, đùm bọc những người vượt qua cảnh khó khăn
Tình đời, tình người là ở sự nâng niu, đùm bọc những người vượt qua cảnh khó khăn 

Khi chúng tôi có mặt ở HTX cũng là giờ cơm trưa được dọn ra với thức ăn có đủ thịt, cá, rau xanh. Dù gần 80 tuổi nhưng bà Cúc vẫn ngồi ăn cùng công nhân. Đang ăn dở bát cơm, bà ứa nước mắt nhìn về những xã viên của mình và nói: “Bây ơi, không biết rồi đây tao chết đi, những phận đời này có bỏ HTX mà đi hay không. Tao thương chúng nó lắm. Tao đã dặn con cái sau này phải thương lấy các xã viên, cấp đất, cấp nhà cho họ, không được để họ khổ, vì mình thành công như ngày hôm nay là nhờ xã viên cả đó”.

Trời đã xế chiều, chúng tôi ra về nhưng những câu chuyện và những tâm tư của bà Cúc vẫn lưu luyến xúc động suốt chặng đường dài…

Đọc thêm