Nhà chồng cấm mẹ gặp con sau ly hôn là phạm luật?

(PLO) - Đối với nhiều phụ nữ ly hôn, gia đình tan vỡ tưởng đã là bất hạnh nhưng không ngờ việc bị ngăn cấm gặp gỡ, nuôi con mới thực sự là nỗi đau khôn xiết. 
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Vượt trăm cây số vẫn không được gặp con
Ngày 1/8/2014, chị Hoàng Lê Cát Tường trú ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai gửi đơn tố cáo đến UBND phường Cam Lợi, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa trình bày về việc người nhà bên gia đình chồng cũ ngăn cản không cho chị gặp con. 
Theo chị Tường, năm 2001 chị và anh Lê Quốc D. cưới nhau và có hai con trai, một con gái, đến năm 2013 thì ly hôn. TAND TP.Cam Ranh phân định anh D. nuôi hai cháu trai, còn con gái út ở với mẹ. Do anh D. thường xuyên làm ăn xa nên hai cháu sống với những người thân trong gia đình. 
Từ khi ly dị, gia đình bên chồng cũ đã cố tình không cho chị liên lạc hay nói chuyện với các con, dù chỉ qua điện thoại. Chị Tường cho biết thêm, mới đây ngày 30/7, chị cùng con gái từ huyện Xuân Lộc ra Cam Ranh để thăm con cũng bị ông bà nội của hai cháu ngăn cản. 
Trước việc bị con dâu cũ làm đơn tố cáo, ông Lê Quốc Th. - cha anh D. thừa nhận việc gia đình ông ngăn cản không cho chị Tường gặp con là có, nhưng lý do thì ông Th. từ chối không nói. 
Chị Nguyễn Thị Thơ ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ly hôn chồng đã hai năm. Theo phán quyết của Tòa án, chị Thơ được quyền nuôi con gái 4 tuổi và người chồng có trách nhiệm cấp dưỡng hàng tháng. Nhưng người chồng chỉ thực hiện việc cấp dưỡng gần một năm thì bỏ bẵng và hiện đi làm ăn xa không rõ tung tích. 
Kinh tế khó khăn, chị Thơ quyết định đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan 3 năm và gửi con gái năm nay vào lớp 1 cho vợ chồng em gái chăm sóc. Gia đình chồng cũ của chị nghe tin, đánh tiếng nếu chị đi sẽ bắt cháu về nuôi. Hốt hoảng, chị Thơ tìm đến Hội Phụ nữ để xin tư vấn phải làm gì để giữ được con và yên tâm đi lao động cải thiện kinh tế gia đình. 
Quyền làm cha mẹ không bị ảnh hưởng vì ly hôn
Đối với nhiều phụ nữ ly hôn, gia đình tan vỡ là bất hạnh lớn nhất. Họ không ngờ, việc bị ngăn cấm gặp gỡ, nuôi con sau ly hôn mới thực sự là nỗi đau khôn xiết. Tuy nhiên, nỗi đau này có thể được pháp luật hóa giải. 
Về lá đơn tố cáo của chị Hoàng Lê Cát Tường gửi đến UBND phường Cam Lợi, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa, ông Đào Viết Đảm, Chủ tịch UBND phường Cam Lợi cho biết, phường đã tiếp nhận đơn, đồng thời đã giao Hội Phụ nữ phường phối hợp với Tổ dân phố Lợi Hòa tiến hành hòa giải. “Nếu tiến hành hòa giải không được, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho nguyên đơn khởi kiện” - ông Đảm nói. 
Cách giải quyết của chính quyền  phường Cam Lợi là đúng pháp luật vì theo Điều 94 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con, không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này. 
Cũng theo Luật Hôn nhân và Gia đình, dù ly hôn thì quyền làm cha mẹ vẫn không bị ảnh hưởng, “sau ly hôn vợ chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình” (Khoản 1 Điều 92). 
Như vậy, việc chị Tường bị gia đình chồng cũ thường xuyên cản trở không cho được thăm hai con trai là vi phạm pháp luật. Để bảo vệ quyền lợi của mình, chị Tường có thể khởi kiện chồng cũ và gia đình chồng cũ ra Tòa vì những hành vi cản trở không cho chị thăm nom con.  
Còn nỗi lo lắng của chị Thơ chính là vấn đề thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Luật Hôn nhân và Gia đình quy định, để đảm bảo lợi ích của đứa trẻ, chiểu theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, cũng theo luật, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn chỉ được thực hiện trong trường hợp người đang trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên. 
Như vậy, nếu chồng chị Thơ (lưu ý là chồng chứ không phải gia đình nhà chồng) có nguyện vọng muốn nuôi con khi chị Thơ đi xuất khẩu lao động thì anh ta phải chứng minh được rằng chị Thơ - người trực tiếp đang nuôi con sau ly hôn theo phán quyết của Tòa - không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con (như điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, đời sống vật chất, tinh thần…) thì mới có thể yêu cầu Tòa án quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. 
Khi nhận được đơn yêu cầu, Tòa án sẽ xem xét quyền lợi về mọi mặt của con chị Thơ, nếu Tòa thấy chị Thơ  không đảm bảo được các quyền lợi của con mà chồng chị lại đáp ứng được những điều kiện đó thì Tòa án sẽ ra quyết định chuyển quyền nuôi con cho chồng chị. 
Theo lời kể của chị Thơ, chồng cũ của chị đã bỏ đi làm ăn xa không rõ tung tích hơn một năm nay, như vậy về mặt pháp lý, người có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con vắng mặt, nên chị Thơ có thể yên tâm giao con lại cho vợ chồng người em chăm sóc để đi làm xa. 

Đọc thêm