Nhà Lồng Chợ, khung hình ký ức

(PLO) - Chỉ là khung nhà hai mái, không vách, thuận tiện cho việc mua bán, Nhà Lồng Chợ đã thành tâm điểm giao lưu của cộng đồng, thể hiện bản sắc địa phương, lưu giữ ký ức của bao thế hệ.
Nhà Lồng Chợ, khung hình ký ức

Nếu muốn khắc họa ký ức không gian yên bình, ngọt ngào của Miền Nam trong vòng năm mươi chữ chắc không có gì đắt hơn trích đoạn tuồng Tuyệt Tình Ca của tác giả Hoa Phượng, Ngọc Điệp ngân nga ngọt ngào qua giọng hát của Vua Vọng Cổ Út Trà Ôn. “…mỗi lần thấy bông Ô Môi nở hồng trong gió chướng, mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang, mỗi lần có dịp về Vĩnh Long đi ngang Tân Ngãi thấy nhà chợ Trường An, là mỗi lần tôi nhớ đến mùa xuân của đầu năm binh lửa…”. 

Một bà má quê đem nải chuối, trái đu đủ từ vườn nhà ra chợ (trái) - Khu chợ cá, thể hiện bản sắc vùng đất qua chủng loại cá tôm đia phương bày bán.

Một bà má quê đem nải chuối, trái đu đủ từ vườn nhà ra chợ (trái) - Khu chợ cá, thể hiện bản sắc vùng đất qua chủng loại cá tôm đia phương bày bán.

Hình ảnh riêng tư, thân thuộc của Miền Nam

Bông Ô Môi, tiếng chài quết bánh phồng giờ chỉ còn trong tưởng tượng, riêng Nhà Lồng Chợ vẫn hiện hữu. Nhưng thử hỏi vì sao hình ảnh chừng như bình thường đó lại được tác giả chắt lọc thành ấn tượng cho nỗi nhớ thương tuyệt vọng đến tận hai mươi năm?

Nhà Lồng Chợ là kiến trúc phổ biến, không gian độc đáo riêng của Miền Nam. Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh đã rút ra quy luật thú vị về chợ: ở miền Bắc có “thành” mới có “thị”, trung tâm hành chính có trước, thu hút người dân làm ra chợ. Miền Nam là đất khẩn hoang có “thị” rồi mới có “thành”.

Chợ ở miền Nam thường là nơi trên bến dưới thuyền, giao tiếp hai đường thủy, bộ thuận tiện cho người dân tụ về mua bán. Khi chợ sung túc, dân cư đông mới có đơn vị hành chính, thành ra làng, xã, phủ, huyện. Thật vậy, Nông Nại Đại Phố phồn vinh trước khi có Dinh Trấn Biên, chợ Mỹ Tho có trước Trấn Định Tường.

Nhà Lồng Chợ Tân Phú Trung, Sa Đéc năm 1926 (ảnh từ Internet)
Nhà Lồng Chợ Tân Phú Trung, Sa Đéc năm 1926 (ảnh từ Internet)

Dù là chợ tỉnh hay chợ làng, có chợ thì có nhà Lồng. Nhà Lồng là trung tâm của chợ, không chỉ về vị trí mà còn là trung tâm sinh hoạt, cho chợ không gian, dấu ấn riêng.

Theo Tiến sĩ Khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, ở Bắc bộ, chợ quê thường tập trung tại các bãi đất trống ven làng, không có không gian cụ thể và rõ ràng như các chợ nhà lồng Nam bộ.Trong hồi ký Xứ Đông Dương thuộc Pháp, Paul Doumer (toàn quyền Đông Dương 1897-1902) đã khẳng định rằng ở Nam kỳ chưa có khu chợ nào có mái che trước khi người Pháp đến đây. Thực tế hầu hết các Nhà Lồng Chợ xưa, cột, khung kèo đều được làm bằng thép Effel. Có thể giả định rằng Nhà Lồng là sự giao thoa văn minh Việt - Pháp trong cuộc khẩn hoang. Với lịch sử ra đời như thế, Nhà Lồng gắn liền với lịch sử thịnh suy của từng vùng đất, là dấu nối của thành thị với nông thôn.

Chợ Bến Thành buổi đầu cũng chỉ là những nhà lồng chợ song song
Chợ Bến Thành buổi đầu cũng chỉ là những nhà lồng chợ song song

Không gian mở, kết nối cộng đồng

Điểm khác biệt quan trọng là Nhà Lồng Chợ dành cho tiểu thương chuyên nghiệp. Đầu Nhà Lồng thường là các hàng vải, hàng xén, tạp hóa, hàng khô, sành sứ như là khu thành thị ở giữa nông thôn. Qua bàn tay khéo léo bày biện của tiểu thương, nó tươm tất và sang cả như niềm kiêu hãnh của khu chợ.

Gần cuối chợ là hàng ăn với những món dân dã phổ biến như cháo lòng hủ tiếu, nước Sương sáo, Sương sâm. Những chiếc ghế đẩu con con hay chỉ là băng gỗ tạm bợ, các quày hàng thấp lè tè có phần nào nhếch nhác. Khói nghi ngút, mùi thịt nướng pha lẫn mùi hương vani, dầu chuối như có phần tạp nhạp, nhưng chính là nơi làm ra bản sắc của chợ với những đặc sản ẩm thực địa phương như cháo Tiều, cháo Quảng, bánh Tầm Bì, bún Nước Lèo…

Nhà Lồng Chợ Một Ngàn ở Hậu Giang
Nhà Lồng Chợ Một Ngàn ở Hậu Giang

Du khách sành điệu, người tha hương muốn tìm hiểu, người hoài niệm ký ức của một vùng đất sẽ tìm thấy ở đây cả vòm trời riêng. Những ngày du học ở Singapor, con gái tôi không nhớ phở Hòa Pasteur hay bò viên Nguyễn Thiện Thuật mà cứ quay quắt thèm thuồng món bánh lọt ở chợ Tầm Vu quê nội. Bản thân tôi một đời lưu lạc vẫn nhớ hoài hương vị bún nước lèo nấu trong nồi đất ngọt lịm thơm nồng cạnh rạp Cao Văn Lầu ở chợ Bạc Liêu.

Gian cuối Nhà Lồng Chợ là hàng thịt. Khu vực này cũng thể hiện bản sắc từng vùng, từng cá nhân từ kiểu cách pha thịt, treo thịt đến nhịp độ, âm thanh chặt xương, cắt thịt. 

Nối liền từ cuối nhà lồng đến bờ sông là khu chợ cá. Thời không xa lắm, khi người ta chưa tàn phá, tận diệt thiên nhiên, khu này chính là diện mạo sản vật cá tôm của từng vùng đất. Phần lớn là cá vừa đánh bắt tươi non. Gần nửa đời người ở đất ruộng Long An, tôi chỉ biết con cá Gún qua những miếng khô đầu cá nhỏ bằng ngón tay trong nồi lẩu của hàng quán. Một lần về Giồng Riềng – Rạch Giá trong mùa nước nổi mới ngạc nhiên trước hàng đống cá Gúnno tròn, tươi xanh.

Chung quanh Nhà Lồng Chợ là các sạp hàng nông sản, rau quả…một phần của tiểu thương ngành hàng bông, nhưng đa số của nông dân đem từng con gà, mớ cải, gánh rau ra bán. Chút nữa đây khi tan chợ, họ sẽ lại là khách của các quày sạp trong Nhà Lồng.

Cái không gian mở, kết nối thoáng đãng ấy vừa tăng vẻ sung túc, phồn thịnh, vừa tôn tạo vị thế quan trọng của ngôi Nhà Lồng. 

Vui thú của người dân quê đi chợ không chỉ là mua bán món hàng mà còn là dịp giao tiếp, chuyện trò và thậm chí là thử thách kỹ năng. Anh thanh niên suốt đêm giăng câu được vài ba ký cá ngon có thể trở thành món mồi ngon cho tiệc nhậu nhưng nếu có cô vợ đảm biết đem ra chợ bán rồi vô nhà lồng mua ký đường, cân đậu thì sinh hoạt gia đình sẽ sung túc phong lưu.

Cứ vậy, chàng trai, cô gái, người già chất chồng kỷ niệm riêng tư trong ngôi Nhà Lồng Chợ. Nhà Lồng Chợ thành khung hình ký ức đóng đinh cảm xúc của tác giả Hoa Phượng thành lời ca bất hủ. Gắn bó đến như vậy, nên chợ còn được xem là biểu tượng của nguồn cội, xứ sở./. 

Đọc thêm