Nhiều học sinh chết đuối, môn bơi lội vẫn khó “vào” trường

(PLO) - Trước đây, cuộc sống của trẻ em luôn gắn liền với hồ, ao, sông, suối, bộ môn bơi lội không cần học trong nhà trường nhưng phần lớn trẻ em cũng có thể thành những “rái cá”. Còn trong cuộc sống hiện tại, các chú "rái cá" ấy ngày càng chỉ có... trong giấc mơ. Đề án đưa môn bơi lội vào nhà trường xem ra vẫn còn rất xa vời.
Nhiều học sinh chết đuối, môn bơi lội vẫn khó “vào” trường

10 năm… vẫn đứng nguyên

Thời gian qua, ngay tại khu Resort Hưng Phát, Mũi Né, Phan Thiết, hai đứa trẻ 8 tuổi và 9 tuổi đã bị đuối nước khiến một em tử vong và một em phải vào viện cấp cứu. Trước đó, vì không biết bơi nên một sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng bị sóng biển cuốn trôi. Tại xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, hai anh em Nguyễn Văn Vũ (10 tuổi) và Nguyễn Thị Hồng Hạnh (7 tuổi) bị chết đuối khi đi vớt cá lia thia…
Gần đây, xảy ra hàng loạt vụ trẻ em chết đuối thương tâm do sự bất cẩn, thiếu trách nhiệm giám sát, quản lý, bảo vệ của người lớn. Sáng 11/7/2013, bé N.G.B (6 tuổi, học sinh lớp 1 Trường Song ngữ Hà Nội Academy, Khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra) chết đuối trong giờ tập bơi dù có sự hướng dẫn, giám sát của 2 giáo viên dạy bơi và 2 giáo viên hỗ trợ quản lý.
Trước đó, ngày 12/9/2012, 8 học sinh Trường THCS An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội chết đuối khi tắm ở hồ Tuy Lai. Ngày 15/8/2011, 4 cháu nhỏ ở làng Phú Đô (xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội) bị cướp đi mạng sống vì tắm ở “ao nước” thuộc một công trường đang thi công, không có người cảnh giới, không cắm biển cảnh báo nguy hiểm...
Bên cạnh đó, rất nhiều trẻ chết đuối tức tưởi chỉ vì sa xuống vũng nước, ao, hồ, hố sâu, giếng nước vì tò mò nghịch ngợm, vì người lớn bất cẩn, thiếu kỹ năng cứu đuối, sơ cấp cứu…Vào dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, hai đứa trẻ 10 tuổi ở Đông Anh (Hà Nôi) rủ nhau đi câu cá đã bị tử vong ngay tại vũng nước lớn của công trình xây dựng gần nhà…
Bà Hoàng Thị Sinh - nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Thực tế, cách đây khoảng 10 năm, Sở Văn hoá- Thể thao đã phối hợp với Sở GD&ĐT lên kế hoạch phổ cập bơi cho trẻ cấp tiểu học. Sau một thời gian bàn đi tính lại thì thấy kế hoạch không khả thi”.
Theo bà Sinh, cái khó lớn nhất chính là quỹ đất của trường hạn hẹp, học sinh lại quá đông (hơn 15.000 học sinh). “Nếu xây dựng hồ bơi thì kinh phí ở đâu, xây theo quy chuẩn nào?. Tính trong quy mô cả nước thì xây bao nhiêu hồ thì đủ?. Tôi nghĩ ngành Giáo dục cần mổ xẻ, bàn bạc vấn đề này trước khi đưa ra các đề án dạy bơi”, bà Sinh băn khoăn.
Nhìn từ thực tế này, bà Hoàng Thị Sinh cho rằng: “Nếu các trường chưa thể có bể bơi thì Nhà nước và các tổ chức xã hội cũng nên có chính sách ưu tiên, giảm giá vé vào hồ, cộng điểm thể chất cho các cháu biết bơi... để khuyến khích trẻ tự đăng ký tham gia các khóa học bơi ngoại khoá”.
Hơn nữa, muốn học sinh đi bơi phải dành riêng một buổi sáng hoặc chiều, không thể dạy gói gọn trong một tiết học. Ngoài ra, phí thuê xe đưa đón  học sinh mỗi tuần, chi phí mua vé bơi, thuê thầy dạy bơi, quần áo bơi… khá tốn kém, trong khi trường không có đủ kinh phí và không phải gia đình nào cũng có điều kiện đóng góp. Đa số các trường đều nhận thấy sự cần thiết của việc này, nhưng điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được.
Cả nước có hơn 60.000 trẻ được học bơi miễn phí
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực. Tỷ suất tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam hiện nay cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Ước tính mỗi ngày có 10 trẻ em tử vong do đuối nước. Tính theo địa phương, Lai Châu là tỉnh có tỷ suất tử vong trẻ em đuối nước cao nhất cả nước, tiếp đến là Đắk Nông, Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên. Tính theo khu vực, Đồng bằng sông Hồng có số lượng trẻ em và trẻ vị thành niên bị tử vong do đuối nước cao nhất.
Hàng loạt những vụ đuối nước xảy ra đã gây biết bao đau thương, mất mát cho các bậc phụ huynh và các em. Trong đó, đáng buồn là trẻ chết vì đuối nước ngay gần nơi các em sinh sống, vui chơi vì lý do đơn giản là các em không được sự giám sát, chăm sóc phù hợp và đầy đủ của người lớn cũng như thiếu các biện pháp bảo vệ an toàn khác.
Chính những con số đáng báo động trên là lý do một năm trước Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể xây dựng và ký kết Kế hoạch liên tịch phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2012-2015 nhằm đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành, giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị tử vong và tàn tật do đuối nước gây ra, đặc biệt tại các tỉnh có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao với mục tiêu đến năm 2015 giảm được ¼ số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2010.
Sau một năm triển khai kế hoạch liên tịch phòng chống đuối nước trẻ em, cả nước đã tổ chức được hơn 2.500 lớp học bơi, hơn 60.000 trẻ em đã được học bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước miễn phí. Tuy nhiên, với tất cả những khó khăn ở trên, ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT thừa nhận ngành Giáo dục đã ra văn bản chính thức yêu cầu và khuyến khích đưa dạy bơi vào chương trình tiểu học từ đầu năm 2010 nhưng công tác phổ cập bơi cho học sinh tiểu học gần như “giậm chân tại chỗ”.
Khó khăn vì phần lớn nhà trường không có bể bơi và địa điểm tổ chức dạy bơi cho các em. Việc tổ chức dạy bơi theo mô hình dựng lồng bơi tại ao, hồ, sông suối cũng đã được một số địa phương triển khai, tuy nhiên, hiệu quả không cao bởi nguồn nước ô nhiễm.

Đọc thêm