Thay đổi phương án, tìm đường tiếp tế lương thực cho người dân 2 xã ở Phước Sơn

(PLVN) - Ngày 31/10, Ban Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn tại huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã họp khẩn để bàn phương án tiếp cận 2 xã Phước Lộc, Phước Thành bị cô lập.
Họp tìm phương án tiếp tế lương thực cho người dân 2 xã Phước Sơn
Họp tìm phương án tiếp tế lương thực cho người dân 2 xã Phước Sơn

Mục tiêu ban đầu là tiếp cận để tìm kiếm cứu nạn 13 nạn nhân bị sạt lở đất, nhưng nay lực lượng chức năng đã chuyển sang mục tiêu nỗ lực thông đường để tiếp tế cho người dân bị cô lập tại 2 xã trên. Bên cạnh công tác tìm kiếm cứu nạn người bị vùi lấp, công tác cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho gần 2.000 người còn sống tại các điểm bị chia cắt đang rất cấp bách.

Thượng tá Lê Trung Thành, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam chủ trì buổi họp thông tin, theo bản đồ địa giới, từ ngã ba xã Phước Chánh đi theo đường ĐH1 qua xã Phước Kim, Phước Thành rồi đến Phước Lộc. Còn đi theo đường ĐH2 thì từ xã Phước Chánh qua xã Phước Công rồi đến Phước Lộc.

Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam trình bày phương án tổ chức cho lực lượng đi bộ, cõng đưa lương thực tiếp tế dân
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam trình bày phương án tổ chức cho lực lượng đi bộ, cõng đưa lương thực tiếp tế dân 

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất phương án tổ chức lực lượng đi bộ, cõng đưa lương thực, thực phẩm đến hai xã đang cô lập để tiếp tế cho bà con.

Ông Hà cho biết, đường ĐH1 từ Phước Chánh lên Phước Kim đã thông. Từ Phước Kim lên Phước Thành sạt lở nghiêm trọng, việc khắc phục trong thời gian đến chắc chắn cần thời gian dài. “Hiện các đoạn đường đã bị gãy và tạo thành vực sâu nên cơ động trên đoạn đường này không đi được. Như vậy phương pháp khắc phục tuyến đường này trong thời gian sớm nhất chắc chắn không khả thi”, ông Hà nói.

Đối với đường ĐH2 từ Phước Công lên Phước Lộc, ông Hà cho biết hiện cũng sạt lở nhưng nếu tập trung lực lượng, phương tiện mạnh, sẽ thông được và sẽ thuận lợi hơn so với phương án tiếp cận đường ĐH1.

Cũng theo ông Hà, việc tổ chức lực lượng đưa lương thực thực phẩm lên Phước Thành và Phước Lộc để đảm bảo cho nhân dân xác định, đối với hướng Phước Kim phải cơ động bằng đường bộ và huy động lực lượng dân quân kết hợp đội xung kích xã Phước Kim, thành lập các tổ đội. Trên cơ sở đó thành lập các trạm trên tuyến đường này.

Đường vào Phước Lộc, Phước Kim (Phước Sơn) vẫn chia cắt
 Đường vào Phước Lộc, Phước Kim (Phước Sơn) vẫn chia cắt

Do tình hình sạt lở rất nghiêm trọng và địa hình hiểm trở nên ông Hà nêu, về lực lượng quân đội hiện nay, việc tổ chức vận chuyển sẽ rất nguy hiểm, nếu không xác định được vị trí vượt qua các điểm sạt lở, tự cắt đường qua đó sẽ mất an toàn. Cho nên, phương án tổ chức cho bộ đội tạm dừng, để lực lượng địa phương am hiểu địa hình, am hiểu các điểm sạt lở sẽ đi. Khi nào an toàn, lực lượng bộ đội có thể tham gia.

Về phương án sử dụng máy bay tiếp tế lương thực, thực phẩm, Thượng tá Lê Trung Thành Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tiền phương đề nghị đại diện của Sư đoàn không quân 372 chọn địa điểm tập kết hàng hóa ở sân bay Đà Nẵng, Chu Lai hay sân bay Khâm Đức để tiếp tế cho khu vực bị cô lập sau các vụ sạt lở núi ở huyện Phước Sơn, Quảng Nam.

 

Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó trưởng phòng Quân huấn, Sư đoàn Không quân 372 cho biết, máy bay trực thăng tại sân bay Đà Nẵng sẵn sàng cất cánh vận chuyển lương thực để tiếp tế cho bà con nếu điều kiện thời tiết cho phép.

Trực thăng bay từ sân bay Đà Nẵng đến các xã Phước Thành và Phước Lộc chưa đầy 40 phút nếu điều kiện cho phép. Vì thế, nhiên liệu đảm bảo trong một chuyến bay cả đi lẫn về rất tốt. Thời gian bay không hạn chế trong ngày có thể từ 7h sáng cho đến 17h. Mỗi lần bay sẽ chở theo 1 tấn hàng.

Đại tá Hùng cho biết thêm, nếu trường hợp thời tiết xấu quá và trực thăng chưa thể cất cánh, Sư đoàn 372 sẽ cử xe chuyên dụng chở cơ số hàng lên tiếp tế cho Phước Sơn. Tuy nhiên, phương án này theo lãnh đạo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam cho rằng hiện chưa cấp thiết vì hàng hóa tiếp tế bà con huyện Phước Sơn đang có, vấn đề là làm thế nào để đưa được hàng hóa đến với dân.

Sạt lở vùi lấp người ở Phước Sơn.
 Sạt lở vùi lấp người ở Phước Sơn.

Trước đó, mưa lũ kéo dài khiến sạt lở đất liên tục xảy ra trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Riêng tại huyện Phước Sơn, vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn xã Phước Lộc khiến 5 người chết, 8 người đang mất tích.  

Đọc thêm