Thiếu nữ “không xương” được phong Thành hoàng làng

(PLO) -Ngay từ khi sinh ra,  bà đã có một tướng mạo khác người. Thần tích có ghi lại rằng, bà xuất thân quyền quý, được sinh ra từ mây trời và bọt biển, không xương, luôn hành thiện cứu  người và trừng trị bọn quan tham. 
Thiếu nữ “không xương” được phong Thành hoàng làng
Huyền tích về  “cô gái không xương”
Sử làng Phước Ấm, nơi bà quy tiên, chép rằng, bà Chợ Được tên thật là Nguyễn Thị Thiếp, húy là Của, sinh năm 1799, người gốc làng Phường Chào, thuộc châu Phiếm Ái, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). 
Tương truyền, cha bà tên Trí, từng làm quan lớn trong triều Lê. Mẹ bà họ Trịnh, húy là Tình. Bà sinh ra ở chốn khuê các, uy nghiêm. Lúc thân mẫu bà trở dạ, ngoài trời xuất hiện một cơn gió quay cuồng, cát bụi mù mịt, mây trắng bồng bềnh che phủ cả một vùng trời.
Khi chào đời, da bà trắng như tuyết, thân thể toả hương thơm như hoa, bước đi khác thường, tiếng nói sang sảng, trong trẻo, thân thể không có xương. Bà hành nghề thầy lang cứu chữa người bệnh, dạy dân làng buôn bán và cũng thường xuyên biến hóa thần thông để trị bọn tham quan.
18 tuổi, bà đã quy tiên tại quê nhà. Ngày tạ thế, hồn bà được xuôi dòng Trường Giang chu du đến làng Phước Ấm (xã Bình Triều), linh ứng dựng nên ngôi Chợ Được đông vui, sầm uất. Nhớ ơn Bà, người dân làng Phiếm Ái đã xây nên một ngôi mộ chôn cất bà. Dân làng hết lòng sùng kính, thường xuyên cử người thay phiên nhau coi giữ, chăm nom ngôi mộ.
Tạo tác tượng thờ Bà Chợ Được.
 Tạo tác tượng thờ Bà Chợ Được.
Năm Thành Thái thứ 6, dân làng Phước Ấm và thương gia Chợ Được đã làm đơn trình lên phủ, tỉnh và Bộ Lễ xin ban sắc phong Bà Chợ Được là “Tề thục dực bảo trung hưng trung đẳng thần”. Năm Khải Định tứ tuần thì bà được phong sắc “Trang huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần”. Bà còn được suy tôn làm “Tề thục dực bảo trang huy thượng đẳng thần”, “Thần nữ linh ứng Nguyễn Thị Tôn Thần”...
Trở thành Thành hoàng khi 18 tuổi
Theo thần phả chép lại, sau khi tạ thế, hồn Bà Chợ Được chu du khắp vùng sông nước Trường Giang. Năm Tự Đức thứ 5, hồn bà lãng du đến làng Phước Ấm bên dòng Trường Giang, thấy phong cảnh hữu tình, trên có rừng, dưới có sông núi, lại nằm ở vị trí cửa sông, gần đường lộ nên bà đã hiển linh để báo mộng cho dân làng Phước Ấm xây chợ, quy tụ dân cư lập làng.
Khúc sông Trường Giang hoang vắng trước đây nay ghe thuyền tới lui tấp nập, có cả đoàn ghe bầu hàng chục chiếc, buôn hàng tận Gia Định, Đồng Nai, có cả thương gia Nhật kiều, Hoa kiều. Thấy ngôi làng ăn nên làm ra nên người dân mới gọi là Chợ Được  và lập nên ngôi miếu nhỏ để thờ tự bà. Bà trở thành vị Thành hoàng làng của làng Phước Ấm từ đó. 
Từ khi dựng lên ngôi miếu Bà Chợ Được, người dân làng Phước Ấm thưởng xuyên nhận được sự phù hộ độ trì của bà. Khu Chợ Được buôn bán hưng thịnh, trở thành hầm trú ẩn, “pháo đài” kiên cố của quân và dân trong làng trong suốt những năm chiến tranh. 
Lễ hội hàng năm thu hút hàng vạn lượt người tham dự.
 Lễ hội hàng năm thu hút hàng vạn lượt người tham dự.
Lễ hội Bà Chợ Được là một nét sinh hoạt tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân vùng đông Thăng Bình, dọc sông Trường Giang hàng trăm năm nay. Đó là dấu ấn quá trình cộng cư văn hóa của cư dân người Việt và bản địa trong tín ngưỡng Thờ Mẫu điển hình. Hình ảnh Bà Chợ Được được khắc họa rõ nét với lòng nhân từ và đức hy sinh qua những sự tích kỳ lạ lưu truyền trong dân gian. Đó là hiện thân của người Mẹ hiền như Phật Mẹ Quan Âm, Mẹ Nước, Mẹ Lúa… 
Cứ vào ngày 11 tháng Giêng (Âm lịch), vùng đất xã Bình Triều (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) lại nhộn nhịp hẳn lên với Lễ hội Bà Chợ Được, hay còn gọi là Lễ hội Rước cộ Bà Chợ Được. Lễ hội thu hút hàng vạn lượt người từ khắp mọi miền đất nước. Lễ hội chủ đích cầu cho quốc thái dân an, bày tỏ lòng tri ân của dân làng đối với Bà Chợ Được - người đã đem lại cuộc sống thanh bình cho dân làng.
Ông Vũ Thanh Xuân, người được dân làng giao nhiệm vụ trông coi lăng Bà cho biết: Hàng năm cứ đến ngày này (11 tháng Giêng), người dân lại đổ về lăng Bà Chợ Được để hành hương đảnh lễ Bà. Họ luôn tâm niệm sẽ được bà phù hộ cho dân làng tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ, mang lại nhiều may mắn.
Lễ rước cộ bà tái hiện hình ảnh những nhân vật trong lịch sử dân tộc hoặc sự kiện lịch sử như: Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc, Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân, bước chân thần tốc của người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ, Bác Hồ ở khu Pắc Bó,… Tất cả nhằm giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho con cháu muôn đời ghi nhớ công đức của Bà./.

Đọc thêm