Tiếng “kêu cứu” từ lăng mộ Hiếu Chiêu Hoàng hậu Đoàn Quý Phi

(PLO) - Là Di tích cấp Quốc gia nhưng lăng mộ Hiếu Chiêu Hoàng hậu Đoàn Quý Phi nằm ở tả ngạn sông Thu Bồn (thuộc thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa được quan tâm đúng mức, đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên, trở thành phế tích trong nay mai.

Quần thể Khu di tích Quốc gia lăng mộ bà Hiếu Chiêu Hoàng hậu Đoàn Quý Phi nằm lọt thỏm giữa không gian vắng vẻ, lạnh ngắt.
Quần thể Khu di tích Quốc gia lăng mộ bà Hiếu Chiêu Hoàng hậu Đoàn Quý Phi nằm lọt thỏm giữa không gian vắng vẻ, lạnh ngắt.
“Bà Chúa Tằm Tang”
Sử có chép, bà Hiếu Chiêu Hoàng hậu Đoàn Quý Phi tên thật là Đoàn Ngọc Dung (1600-1661), là con gái thứ ba của Thạch Quận Công Đoàn Công Nhạn và bà thứ thất Võ Thị Thành; đồng thời cũng là vương phi của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, mẹ của Chúa Hiền - Thái Tông Nguyễn Phúc Tần.
Trong lịch sử, bà Đoàn Quý Phi được đánh giá là người phụ nữ xinh đẹp và tài đức vẹn toàn. Bà đã dành trọn cuộc đời để chăm lo đời sống cho người dân quê mình thoát nghèo, có cuộc sống no đủ, và đặc biệt là chú tâm phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa tằm tang xứ Đàng Trong ngày một hưng đạt. Dần dà, lụa xứ này thành mặt hàng “thương hiệu” nức tiếng trong khu vực và trên thế giới. Mỗi lần ghé vào thương cảng Hội An, các thương gia phương Tây và Trung Quốc, Nhật Bản lụa tơ tằm là một mặt hàng không thể bỏ qua.
Sự phát triển thịnh đạt của nghề dệt lụa ươm tơ như ngày nay phần lớn nhờ vào “bí quyết” mà Đoàn Quý Phi truyền lại. Cũng nhờ lụa tằm tang mà cảng thị Hội An thế kỷ XVI – XVII dưới thời Chúa Nguyễn trở thành một trung tâm mậu dịch trên con đường tơ lụa quốc tế trên biển. Chính vậy mà bà được suy tôn là “Bà Chúa Tằm Tang” xứ Đàng Trong. 
 
Giai thoại lịch sử còn ghi, vương phi của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, bà Đoàn Quý Phi đã sinh hạ được 3 công tử, trong đó công tử Nguyễn Phúc Tần là con trai thứ hai, trở thành thế tử. Khi con là Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần lên ngôi Chúa, bà được tôn làm Vương Thái hậu.
Khi bà quy tiên, người dân địa phương đã lập đền thờ và cho đắp một ngôi mộ hoành tráng ngay tại quê hương Duy Trinh. Đồng thời, Chúa Nguyễn Phúc Tần đã làm lễ an táng trọng thể cho mẫu hậu tại Gò Cốc Hùng và xây Lăng Vĩnh Diên (nay thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) đồng thời lập nhà thờ Đức Bà và lấy hoa lợi dùng vào việc chăm sóc, tu bổ cho Lăng mộ và Nhà thờ.
Tuy nhiên đến năm Canh Thìn 1680, năm Chúa Nguyễn Phúc Tần thứ 32, vùng đất Thuận Quảng bị một trận đại hồng thủy làm nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng hậu đã bị hủy hoại, và chỉ còn dấu tích khu lăng mộ. Năm Gia Long thứ 5 (1806), Bà Đoàn Quý Phi được truy tôn là Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫu Duệ Huệ Kính Hiếu Chiêu Hoàng hậu.
Với những giá trị lịch sử như vậy, ngày 2/8/2011, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch đã xếp hạng lăng mộ Đoàn Quý Phi Hiếu Chiêu Hoàng hậu là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia nhằm nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm di tích.
Di tích Quốc gia trước nguy cơ thành phế tích
Theo đó, lăng mộ “Bà Chúa Tằm Tang” được xây dựng trên một đồi núi thấp, có vị trí đắc địa. Mặt hướng ra đồng bằng Chiêm Sơn xanh thăm thẳm, lưng tựa vào vách núi đá vững chắc. Xung quanh được bao bọc bởi 3 thành quách rất rắn chắc, kiên cố. Mộ Bà nằm cách tường thành có bán kính trên 10 mét. Như vậy, muốn tận mục khu mộ trung tâm phải vượt qua 3 bức tường thành cao, vững chắc.
Khu di tích không có lối dẫn vào, bị cỏ cây mọc chằng chịt, trước cổng sắt vào khu mộ bà Đoàn Quý Phi bị cây bụi rậm gai góc mọc chình ình phía trước, bít cả đường vào. Kèm theo đó là những thớ cây mọc nham nhở khắp nơi, khu di tích không khác  một khu vực bị bỏ hoang, lâu ngày không có người ghé thăm. Cổng sắt chính mở cửa cho du khách tham quan bị gỉ sét, dường như đã rất lâu rồi không mở cửa cho ai vào tham quan, nhìn rất đau lòng. Hay cổng phụ mặc dù chìa khóa vẫn có nhưng khóa cũng như chốt gắn vào trụ bê tông đã bị “ai đó” vô ý đập phá.
Bức tường thành 3 lớp trở thành rào chắn của một trại chăn bò.
Bức tường thành 3 lớp trở thành rào chắn của một trại chăn bò. 
Tiếp cận bên trong không gian khu lăng mộ có thể dễ thấy lớp tường thành thứ 3 bảo vệ không gian, cấm mọi hành vi xâm hại di tích lại bị đục phá, nham nhở những chỗ trống nhìn rất chướng mắt, cũng không khác gì một công trình xây dựng sắp bị đập phá. Trước mắt chúng tôi, khu quần thể lăng mộ hoang tàn, trống hoác.
Khu vực di tích không có ai quản lý nên vô tình 3 thành tường trở thành hàng rào vững chắc để không gian di tích trở thành một “trại” chăn nuôi bò thả rông. Ngoài đất đá, bùn lầy là những đống phân trâu bò bẩn thỉu, ruồi nặng bu quanh, nằm vương vãi khắp nơi. Đàn bò hơn chục con vẫn đang ung dung ăn cỏ mặc dầu có sự xuất hiện của người lạ. Tàng tích là những mảnh tường vững chắc đôi khi vẫn có những vết lỗ chỗ, rạn nứt trong những lần “giao tranh” giành miếng ăn của những con bò.
Ngay trong không gian trung tâm di tích vẫn có những lùm cây xanh mọc chi chít, xanh ngắt đã lâu không có người chặt phá, phát quang. Không gian di tích thì rộng nhưng dấu tích phần mộ chôn cất bà rất khiêm tốn, đang bị xâm hại nghiêm trọng và có phần không tôn kính, lạnh ngắt. Bàn thờ chánh điện, bát nhang, hương đèn, bình hoa, chai nước, những vật dụng thờ cúng,  mâm hoa quả nằm lăn lóc, xô lệch ngả nghiêng, vương vãi khắp nơi, không còn nguyên bản. Phần đế khu lăng mộ bị sụp móng và trơ trọi những hòn đá.
Người bạn đồng hành đi cùng phải thốt lên rằng: “Có nhầm không vậy? Đây là khu di tích xếp hạng Quốc gia đó à? Sao mà hoang tàn, lạnh lẽo đến như vậy”. Nghe người bạn nói mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng xót xa về số phận hẩm hiu của một giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt rồi cũng sẽ đi vào quên lãng trước sự hững hờ của con người, và tự đặt câu hỏi rằng: Liệu mai này có ai còn nhớ đến một Hiếu Chiêu Hoàng hậu Đoàn Quý Phi, một “Bà Chúa Tằm Tang” xứ Đàng Trong một thuở huy hoàng?./

Đọc thêm