Tràng Kênh – vùng đất cổ chuyển mình…

(PLO) - Vùng đất Tràng Kênh - Bạch Đằng (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) với dãy núi U Bò, Hoàng Tôn, Phượng Hoàng… được ví như Hạ Long cạn soi mình xuống dòng sông Bạch Đằng trước khi đổ ra biển lớn đang hàng ngày thay da đổi thịt …  

Tràng Kênh – vùng đất cổ chuyển mình…
Vùng đất thấm đẫm chiến công
Năm 938, Đức vương Ngô Quyền (898 – 944) tổ chức kháng chiến chống quân xâm lược trên vùng đất cửa sông Bạch Đằng với trận địa cọc đầu bịt sắt dưới lòng sông.Thuyền quân Nam Hán mắc cạn, Lưu Hoàng Tháo cùng quá nửa quân xâm lược bỏ mạng, nhà Nam Hán phải từ bỏ giấc mộng thôn tính nước ta lần nữa. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. 
Trong kháng chiến chống giặc phương Bắc Nguyên - Mông lần 3, năm 1288, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã tập trung quân tại vùng U Bò, Hoàn Tôn, Phương Hoàng vùng Tràng Kênh lập nên trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng đánh tan đội quân xâm lược Nguyên Mông – kẻ thù đáng sợ nhất của cả thế giới lúc bấy giờ. Bạch Đằng Giang đã trở thành biểu tượng hào khí Đông A, niềm tự hào dân tộc.
Nhận thức sâu sắc vị trí  mảnh đất Thuỷ Nguyên trong chiến lược phòng thủ đất nước, nhà Trần đã đặc biệt lưu tâm cử nhiều tôi trung trực tiếp quản lý các làng xã ở vùng Tràng Kênh-Bạch Đằng. Hưng Đạo Vương cử con trai thứ 5 là Hưng Trí Vương về chiêu tập dân lưu tán lập làng xã mới. 
 
Khu vực Tràng Kênh-Bạch Đằng có nhiều đền, miếu nguy nga thờ Đức Thánh Trần và các tướng lĩnh của Ngài. Tục truyền, các đền miếu, chùa chiền khởi thuỷ đều do triều đình xây dựng, có quy mô khá lớn, thuộc loại “Đại danh lam”, “Trung danh lam” của quốc gia, được xếp vào hàng quốc lễ. 
Phục dựng nơi thờ tự các anh hùng dân tộc
Thông qua các cuộc khai quật và nghiên cứu, các nhà khảo cổ học còn chỉ ra rằng, vùng đất này gắn liền với văn hóa Tràng Kênh, từng là công xưởng chế tác đồ trang sức bằng đá lớn nhất vùng Đông Bắc Tổ quốc từ cách đây 4.000 năm, thuộc sơ kỳ đại kim khí. Người Tràng Kênh với bàn tay khéo léo đã chế tác ra những vòng tay, hoa tai, chuỗi hạt đa dạng, phong phú, đầy màu sắc bằng đá hết sức tinh sảo, sản phẩm văn hóa Tràng Kênh  - Bạch Đằng đã vượt biển tới các nước Đông Bắc Á và Đông Nam.
Cùng với thời gian, mạch ngầm văn hóa di chỉ Tràng Kênh dần được nhân dân phục dụng quần thể các công trình kiến trúc, nghệ thuật tín ngưỡng, tâm linh như. Đền thờ Vua Lê Đại Hành – vị vua với hai chiến tích “kháng Tống, bình Chiêm”, giữ chủ quyền, mở rộng bờ cõi quốc gia, vị vua đầu tiên xây dựng nhà nước trung ương tập quyền, củng cố nền thống nhất quốc gia. Đền thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, đền thờ Đức Vương Ngô Quyền cùng ngôi chùa Tràng Kênh Trúc Lâm tự được phục dựng trên khu đất đắc địa của dãy núi Tràng Kênh soi mình bên của sông Bạch Đằng trên địa bàn thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng ngày nay.
 
Quần thể di tích Tràng Kênh bắt đầu bằng Đền Vua Lê Đại Hành tựa vào dãy núi đá Tràng Kênh. Cách đền vua Lê Đại Hành 500 m là đền thờ Đức Thánh Trần, trước mặt đền thờ Đức Thánh Trần là khu quảng trường trung tâm. 
Xa xa, con đường chính đạo tiếp tục dẫn du khách đến đền Đức Vương Ngô Quyền nằm giữa rừng cây trong thung lũng Tràng Kênh, sát cửa sông Bạch Đằng, nơi Đức vương từng đại phá quân Nam Hán năm xưa. Ngôi chùa Tràng Kênh Trúc Lâm Tự được phục dựng trên đỉnh dãy núi Tràng Kênh, soi bóng xuống dòng Bạch Đằng Giang. 
Tổng quan, 3 ngôi đền cùng ngôi chùa nằm trên thế đất tựa sơn, phía trước có thuỷ long với  thiên nhiên hùng vĩ đủ sông, biển, đồi núi, đồng bằng. Từ năm 2009, theo cổ lệ, đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng, Linh từ Tràng Kênh chính thức khôi phục lễ hội Bạch Đằng, lệ khai ấn “Trần triều”, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của đông đảo nhân dân và du khách thập phương…
Quần thể Di tích Lịch sử - Danh thắng Tràng Kênh - Bạch Đằng được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia vào năm 1962, là một trong những di tích, cụm di tích được xếp hạng sớm nhất của Hải Phòng. Mới đây, ngày 14/7/2014, Thủ tướng có chỉ đạo Bộ VH- TT – DL, TP Hải Phòng tiếp tục đầu tư xây dựng khu di tích lịch sử, văn hóa Tràng Kênh - Bạch Đằng trên vùng đất cổ vùng lòng chảo Tràng Kênh làm nơi lưu giữ vẻ đẹp và các giá trị lịch sử văn hoá của vùng đất Tràng Kênh xưa. 
Ông Nguyễn Trần Lanh – Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên - tâm tình, Thủy Nguyên, Hải Phòng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp. Vùng đất Tràng Kênh xưa nay đã có hàng loạt các cơ sở công nghiệp như Nhà máy đóng tàu Phà Rừng, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy xi măng Hải Phòng…. và vẫn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống từ hàng nghìn năm nay để cùng Hải Phòng xây dựng TP sinh thái, TP CNH – HĐH vào năm 2020./.

Đọc thêm