Trường xưa trong trái tim tôi

(PLO) - Xứ Đoài của tôi, với bạn là một vùng trời mây trắng, với những ngôi nhà màu hoàng thổ lúp xúp bên những đồi chè  đá ong. Xứ Đoài của tôi, trong tôi, còn có ngôi trường được dựng lên từ sự tằn tiện của thầy cô, được nuôi dưỡng bằng niềm tự hào của lớp lớp học trò trưởng thành dưới mái trường mang tên cụ Trạng Phùng Khắc Khoan. 
Trường xưa trong trái tim tôi
Thầy tôi bảo, cái lũ học trò chúng tôi, đố có ai tin được cuộc họp thành lập trường mà thầy đã dự không có rượu, bia, cũng chẳng có hoa, cờ biểu ngữ, chỉ có những khuôn mặt đăm chiêu của những người tận tâm với nghiệp trồng người bên chén trà xanh sóng sánh được nấu bằng lá chè đồi với nước giếng đá ong.
Thầy kể: “Ngày 05 tháng 7 năm 1982: Hai giờ chiều. Cuộc họp Ban giám hiệu được triệu tập. Chè xanh Hạ Bằng với nước giếng khơi đất sỏi ong Kim Quan trong vắt ,thơm mát vô cùng, sóng sánh trong cốc thủy tinh. Trong cuộc đời nghề giáo, có bao nhiêu cuộc họp với đồng nghiệp, nhưng cuộc họp đó mãi mãi không bao giờ thầy có thể quên”.  Cuộc họp ghi dấu mốc cho sự hình thành của trường PTTH Phùng Khắc Khoan hôm nay. 30 năm qua, cái tên Phùng Khắc Khoan- một danh nhân văn hóa của làng Bùng xã Phùng Xá – Thạch Thất – Hà Nội - đã gắn bó với các thầy cô giáo và các em học sinh của mảnh đất này.
“Cụ Trạng Bùng chính là giọt nước tinh khiết của thời gian, không gian và nhân gian hội tụ trong khoảng 500 năm để hình thành và tỏa sáng một nhân cách, tài trí con người “vì nước, vì dân”. Nhấn mạnh vẻ đẹp tỏa sáng của một con người để đặt tên cho một mái trường chính là tâm nguyện của chính quyền và nhân dân muốn gửi gắm ý nghĩa “Học để làm người” cho các thế hệ học trò mà trường Phùng Khắc Khoan gánh vác trọng trách này. 
Tượng cụ Trạng trên sân trường Phùng Khắc Khoan
 Tượng cụ Trạng trên sân trường Phùng Khắc Khoan
Ba mươi năm qua- vắt qua 2 thế kỷ XX-XXI, biết bao sự thay đổi, biết bao những thăng trầm cuộc sống, góc nhìn xã hội có nhiều khác nhau, từ cơ chế bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, nhưng trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo sẽ không bao giờ có quyền nhìn nhận lệch lạc, thay đổi. Giáo dục đào tạo con người rất quan trọng và muôn đời vẫn vậy. Sách vở trong nhà trường, kiến thức của nhân loại và những kỹ năng sống là việc cần thiết vẫn được các thế hệ thầy giáo, cô giáo trong nhà trường giảng dạy, truyền thụ một cách bài bản và khoa học.” thầy Nguyễn Văn Tâm – hiệu trưởng nhà trường tâm sự.
30 năm xây dựng và phát triển là quá trình các thế hệ thầỵ cô giáo và học sinh trường THPT Phùng Khắc Khoan không ngừng nỗ lực phấn đấu, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn để trưởng thành như ngày hôm nay; không ngừng phát triển toàn diện về quy mô và chất lượng giáo dục; khẳng định được vị trí quan trọng trong công tác giáo dục, đào tạo của hệ thống các trường THPT của thành phố Hà Nội; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước. 
30 năm qua, nhà trường đã có trên 15 nghìn học sinh tốt nghiệp THPT, nhiều em đạt học sinh giỏi cấp quốc gia, hàng trăm em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố. Phát huy truyền thống quê hương, các thế hệ học sinh được giáo dục và trưởng thành dưới mái trường THPT Phùng Khắc Khoan đã phấn đấu, rèn luyện, học tập để “ngày mai lập nghiệp”; nhiều học sinh cũ của nhà trường đã trở thành nhà khoa học, những nhà lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp tài giỏi, có những người giữ trọng trách quan trọng trên các lĩnh vực công tác trong và ngoài nước với học hàm học vị đáng trân trọng.
Với những thành tích và đóng góp của trường THPT Phùng Khắc Khoan vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nhà trường đã được các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều Bằng khen, giấy khen; 30 giáo viên đã được tặng Huy chương vì sự nghiệp giáo dục. Những thành tích trên đây đã khẳng định được quá trình 30 năm phấn đấu xây dựng, phát triển và trưởng thành của trường THPT Phùng Khắc Khoan, đồng thời cũng ghi nhận những cống hiến to lớn của các thế hệ thầy cô giáo và học sinh nhà trường đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của địa phương.
Theo thầy Nguyễn Văn Tâm – Hiệu trưởng nhà trường: “Thành công hôm nay, tuy chưa rực rỡ, sáng chói – chưa có một tấm huân chương, nhưng mạch ngầm truyền thống của nhà trường vẫn âm ỉ, thầm lặng và bình dị như những thầy cô giáo và học sinh nơi đây- lớp con cháu hậu duệ của Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan. Nhân cách của cụ Trạng lấy cái nhân cái nghĩa làm gốc, tuy không bảng vàng khoa trương với hậu thế, nhưng nhân cách sáng ngời của cụ vẫn sáng mãi với đời, với người.”
Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường THPT Phùng Khắc Khoan là dịp để các thế hệ giáo viên, học sinh nhà trường ôn lại truyền thống 30 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành.
Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường THPT Phùng Khắc Khoan là dịp để các thế hệ giáo viên, học sinh nhà trường ôn lại truyền thống 30 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành. 
Trong ký ức của thầy Nguyễn Đình Thăng, - người thầy giáo dạy Văn lâu năm của nhà trường, ngôi trường Phùng Khắc Khoan những ngày đầu thành lập chỉ là “Dãy nhà cấp 4 được xây dựng từ sự đóng góp công sức của dân, nằm chơ vơ giữa cánh đồng đầu làng. Tường đá ong cổ kính, cửa sổ khung gỗ, là mấy tấm ván chằng chịt. Bảng viết là lớp xi măng đánh bóng bằng thứ nhọ nồi đen xì, khá hơn là lớp sơn đen mà khi viết phấn trôi tuồn tuột, như kéo theo cả con chữ. Mái nhà, những viên ngói hở hoác trông thấy cả trời xanh... Còn cổng trường mưa, đất bám vào người, người bám lấy đất để mà sống, mà dạy học.”. 
Thầy tâm sự, hôm nay, nhìn những dãy nhà cao tầng độ sộ giữa trời xanh mà vẫn thấy nao lòng về một thời khốn khó.  
Với lớp lớp thầy trò đã công tác và học tập dưới mái trường này, nơi đây còn ghi nhớ biết bao hoài niệm nguyên sơ về một thế hệ thầy, cô giáo đạm bạc, vừa đứng trên bục giảng vừa phải tranh thủ thời gian tát nước, cắm mạ, tưới rau… để cuộc sống được ấm no hơn. Một cái thời khốn khó, nhưng tình yêu thương gắn bó, tình đồng nghiệp tình thầy trò như cổ tích thời xưa, hay hơn cả tiểu thuyết thời nay.Vô tư! Nông nổi! Đắm say! Dạt dào như cuốn đi những thiếu thốn gian khổ. Mảnh đất Phùng Khắc Khoan vẫn cựa mình sinh sôi để nảy mầm - “Hoa Tiến sỹ”.
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã trở thành một huyền thoại đi vào lịch sử. Nhưng sự tồn tại có thật của một danh nhân văn hóa đã được nối tiếp bởi lớp lớp thầy trò trên quê hương đất Trạng, dưới ngôi trường mang tên Lưỡng Quốc trạng nguyên Phùng Khắc Khoan./.

Đọc thêm